Thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất vay

Thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất vay

Sau đợt giảm lãi suất vào tháng 7, gần đây, thêm nhiều ngân hàng tiếp tục tung ra các chương trình giảm lãi suất vay nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

* Đầu tháng 9, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiền gửi cá nhân

Sau cuộc họp với Hiệp hội ngân hàng, từ những ngày giữa tháng 7, nhiều nhà băng đã có chính sách giảm lãi suất cho khách hàng vay từ tháng 7 đến hết năm 2021.

Và mới đây nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng hiện hữu là doanh nghiệp, cá nhân mà còn cả khách hàng mới, nhất là các khách hàng ở địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Ở nhóm quốc doanh, Vietcombank đang triển khai chính sách giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/07 - 31/12/2021 với mức giảm từ 0.5% - 1%/năm tuỳ đối tượng khách hàng với quy mô hỗ trợ lên tới 1,800 tỷ đồng.

Tiếp đó, Vietcombank thông báo giảm lãi suất cho vay từ 18/08 đến hết 31/12/2021 với tất cả doanh nghiệp và cá nhân bị tác động bởi Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phía Nam, với mức giảm 0.5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP.HCM và Bình Dương và 0.3%/năm với các khách hàng khác tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chính sách này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

VietinBank cũng bổ sung gói tín dụng đối với khu vực phía Nam có quy mô lên tới 20,000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 4.0%/năm, qua đó nâng tổng quy mô của các gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150,000 tỷ đồng.

BIDV cũng cho biết từ 17/08-31/12/2021, sẽ giảm 0.5-1.5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/07/2021; đồng thời bổ sung gói tín dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1.5%/năm so với lãi suất thông thường. Tổng ngân sách hỗ trợ cho 2 chương trình này lên đến 1,000 tỷ đồng. Agribank cũng giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/07/2021. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2021. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5,500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Các ngân hàng TMCP tư nhân cũng rốt ráo vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.

MB đã giảm lãi suất cho vay tối đa lên đến 2.5%/năm với hầu hết khoản vay hiện hữu ở kỳ hạn ngắn hạn trên 8%/năm và trung dài hạn trên 10%/năm. Riêng với khách hàng ở khu vực phía Nam - địa bàn mà đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, mức lãi suất cho vay được giảm cao hơn 0.5%/năm so với trung bình của cả nước.

Còn đối với khách hàng mới, MB có các sản phẩm ưu đãi với lãi suất cho vay chỉ từ 4%/năm đối với VNĐ và 2.5%/năm với USD.

Sacombank cho biết từ 18/6-31/12/2021 sẽ triển khai nguồn vốn ưu đãi 10,000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn.

SeABank giảm tối đa 1%/năm so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng đối với khoản vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu, tập trung vào một số ngành như vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, y tế…

Trước động thái tích cực hỗ trợ khách hàng vay từ phía các nhà băng, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế có nhận định việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay là điều tốt cho các khách hàng, mặc dù có thể nói đây là sự hy sinh của các ngân hàng trong lợi nhuận của mình để thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Với các doanh nghiệp vay vốn, nhất là doanh nghiệp vay số tiền lớn, việc giảm lãi suất vay từ 0.5 – 1%/năm là rất đáng kể. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vay số tiền nhỏ, thì việc giảm lãi suất vay này chưa có tác động mạnh đến tình hình tài chính của những doanh nghiệp này. Đặc biệt, việc giảm lãi vay chỉ áp dụng cho những khách hàng đã được ngân hàng cho vay, còn tại thời điểm này, khi nhiều doanh nghiệp cần vốn thì khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.

“Nhìn chung, việc giảm lãi suất cho vay này tốt cho những khách hàng đang nợ ngân hàng, giúp giảm chi phí vốn cho những doanh nghiệp đó. Đối với những doanh nghiệp khó khăn hiện tại mà không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng thì cho dù lãi suất vay có giảm bao nhiêu cũng không có ý nghĩa”, ông Hiếu nói thêm.

Việc giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là những món vay đã có trên sổ sách sẽ làm các ngân hàng hy sinh lợi nhuận. Bởi vì các ngân hàng khi cho vay là họ đã thu xếp một nguồn vốn trước đó rồi mới cho vay, và lãi suất trên nguồn vốn này khó mà thay đổi được. Đây là lãi suất huy động mà các ngân hàng cam kết với khách hàng gửi tiền, lãi suất này khó có thể giảm, trong khi giảm lãi suất cho vay, sẽ làm giảm tỷ lệ lợi nhuận biên, dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng.

Để bù trừ cho thiệt hại này, ngân hàng phải tìm những khách hàng cho vay mới để bù đắp lại lợi nhuận do việc giảm lãi suất vay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có thể giảm lãi suất huy động, mặc dù các ngân hàng đã thu xếp được nguồn vốn cho vay, nhưng tất cả nguồn vốn này cũng như nguồn vốn trong tương lai được trộn chung lại để tài trợ cho những món vay. Cho nên để giảm thiệt hại hy sinh về lợi nhuận, ngân hàng cũng sẽ tìm cách để giảm lãi suất huy động.

Lãi suất tiền gửi huy động hiện nay cũng đã xuống mức rất thấp. Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân phổ biến ở mức 2.8-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 3.5-5.7%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; và 4.6-6.5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.

Trước đó, tại buổi họp báo sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XV do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều ngày 11/8/2021, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2020, lãi suất toàn hệ thống trung bình giảm khoảng 1.2-1.5%. Bảy tháng đầu năm 2021, lãi suất giảm thêm khoảng 0.5%.

Phó Thống đốc khẳng định: “Việc giảm lãi suất và giảm phí này là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, để đảm bảo việc giảm phí, giảm lãi suất một cách thực chất cũng như đảm bảo việc tiếp cận vốn lãi suất rẻ của các doanh nghiệp, NHNN cũng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết trên của các ngân hàng thương mại để làm sao từ nay đến cuối năm những cam kết này sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp”.

Tình hình giãn cách xã hội ngày càng kéo dài, doanh nghiệp không thể hoạt động, cũng như duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến khó khăn chồng thêm khó khăn, kể cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đều khó có thể duy trì tiến độ trả nợ đúng hạn. Cũng vì vậy, ngân hàng kiến nghị cũng như mong muốn sửa đổi Thông tư 01 nhằm kéo dài thời hạn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, nhằm chia sẻ khó khăn.

Và mới đây, NHNN đã chính thức sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thêm nửa năm so với Thông tư cũ, tính đến ngày 30/06/2022.

Cát Lam

FILI