TCO muốn tăng vốn thêm hơn 500 tỷ đồng, lấn sân sang mảng kinh doanh lương thực

TCO muốn tăng vốn thêm hơn 500 tỷ đồng, lấn sân sang mảng kinh doanh lương thực

ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2021 của CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (HOSETCO) vừa thông qua các phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động hơn 470 tỷ đồng từ chào bán cho cổ đông hiện hữu và riêng lẻ sẽ được dự kiến dùng để đầu tư vào công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.

Tăng vốn thêm 500 tỷ đồng 

Phương án tăng vốn được TCO đưa ra như sau:

- Tăng vốn thêm hơn 80 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng: TCO sẽ tăng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành hơn 8 triệu cp thưởng. Tỷ lệ phát hành là 43%, tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền 100:43, tức cổ đông sở hữu 100 cp sẽ được nhận thêm 43 cp mới Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2021.

Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của TCO sẽ tăng từ hơn 187 tỷ đồng lên gần 268 tỷ đồng.

- Tăng vốn thêm gần 268 tỷ đồng thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu: TCO cũng sẽ tăng vốn thông qua chào bán 26.8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 11,000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, nghĩa là cổ đông sở hữu 01 cp sẽ được quyền mua thêm 01 cp mới.

Theo đó, TCO dự kiến sẽ thu được hơn 294 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu và đợt chào bán này sẽ nâng vốn điều lệ của TCO lên mức hơn 535 tỷ đồng.

- Tăng vốn thêm gần 160 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ: Sau cùng, TCO lên kế hoạch chào bán gần 16 triệu cp riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các nhà đầu tư tổ chức/cá nhân có năng lực tài chính, có nguyện vọng tham gia đầu tư, có kinh nghiệm và có cùng định hướng phát triển với Công ty trong các lĩnh vực kinh doanh mới. Giá chào bán là 11,000 đồng/cp, dự kiến huy động gần 176 tỷ đồng.

Hai nhà đầu tư thỏa mãn các tiêu chí được lựa chọn mua cổ phiếu trong đợt này là ông Trần Hoàng Anh Tuấn - một nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 15.6 triệu cp và CTCP HQ Investment Group đăng ký mua 386,540 cp.

Vốn điều lệ của TCO sau khi hoàn tất chào bán riêng lẻ sẽ tiếp tục tăng lên mức gần 695 tỷ đồng.

Lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh lương thực

Một điểm đáng chú ý là số tiền huy động được từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ hơn 470 tỷ đồng sẽ được sử dụng đầu tư mua cổ phiếu của CTCP Gavi, thông qua đó TCO sẽ mở rộng phạm vi hoạt động đến khu vực miền Nam, đa dạng hóa sản phẩm sang lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng thiết yếu: lúa, gạo và các sản phẩm khác từ gạo.

Cụ thể, TCO sẽ mua lại 20.4 triệu cp từ cổ đông hiện hữu của Gavi, tương ứng 51% vốn điều lệ tại đây. Giá mua dự kiến là 29,500 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị giao dịch gần 602 tỷ đồng.

Nguồn vốn TCO dùng để thanh toán khoản đầu tư tại Gavi ngoài 470 tỷ đồng từ 2 đợt tăng vốn trên, TCO còn dùng thêm gần 132 tỷ đồng vốn tự có của Công ty.

Về CTCP Gavi, Công ty được thành lập năm 2012 với định hướng hoạt động tập trung vào lĩnh vực lương thực mà chủ yếu là gạo ST21, ST24, ST25… Ngoài ra, Gavi còn sản xuất và cung cấp các sản phẩm khác như nếp, tấm hoặc cám theo đơn đặt hàng.

Gavi đang triển khai dự án nhà máy xay xát và kho dự trữ lương thực – một phần giai đoạn 02 với quy mô hơn 2.8 ha tại tỉnh An Giang.

Trong năm 2021, Gavi dự kiến thu về 2,170 tỷ đồng doanh thu và gần 106 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Còn về kết quả kinh doanh của TCO, trong nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của TCO tăng 81% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 24 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận ròng cũng tăng 41%, đạt gần 12 tỷ đồng.

So với mục tiêu đạt 200 tỷ đồng doanh thu và 18 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021, TCO mới thực hiện được 12% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã thực hiện được 66% mục tiêu lợi nhuận cả năm sau 6 tháng.

Khang Di

FILI