Nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại?

Nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại?

Theo đánh giá của một số chuyên gia, cổ phiếu của những nhóm ngành chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội sẽ tăng trưởng mạnh sau khi nền kinh tế nước ta mở cửa trở lại. Ngoài ra, một số nhóm ngành có kết quả kinh doanh không bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng sẽ rất tiềm năng.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta đánh giá, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh sản xuất, khiến năng lực sản xuất trung bình giảm về mức 35%-45% so với bình thường, thậm chí còn thấp hơn. Dự kiến con số tăng trưởng của các doanh nghiệp trong quý 3 sẽ ở mức thấp hoặc có thể báo lỗ do không thể bù đắp được chi phí.

Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng của các doanh nghiệp trong quý 4 sẽ khả quan hơn so với quý 3 nếu hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường sau khi kết thúc thời gian giãn cách. Nhưng so với quý 4/2020, con số tăng trưởng sẽ không lớn do cùng kỳ, Việt Nam không bị ảnh hưởng từ Covid-19. Bên cạnh đó, sau giãn cách, các doanh nghiệp cũng sẽ thận trọng hơn với hoạt động sản xuất của mình, dẫn đến năng suất chưa thể đạt 100%.

Với những đánh giá trên, ông Minh nhận định sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhóm ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất xuất khẩu như thủy sản và dệt may sẽ là những nhóm ngành hưởng lợi đầu tiên và hồi phục mạnh nhất do quý 4 thường là khoảng thời gian cao điểm về nhu cầu tiêu dùng. Việc mở cửa trở lại cũng giúp tình hình xuất khẩu khả quan hơn.

Nhóm phân phối, bán lẻ cùng nhóm vận tải, logistic cũng sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục. Riêng với nhóm vận tải, ông Minh cho rằng giá cước vận tải sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi hoạt động xuất nhập khẩu quay trở lại, thậm chí là vượt đỉnh năm 2009.

Nhóm sản xuất và phân phối điện cũng sẽ được hưởng lợi sau giãn cách do khối doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu về điện cũng sẽ tăng theo.

Trong thời gian qua, kết quả kinh doanh của nhóm chứng khoán không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch Covid-19, thậm chí còn hưởng lợi khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn. Việc mở cửa nền kinh tế trở lại có thể sẽ giúp đà tăng trưởng của nhóm này tiếp tục nối dài do dòng tiền sẽ gia tăng nhiều hơn khi quý 4 được kỳ vọng là quý hồi phục mạnh của các doanh nghiệp.  

Bên cạnh chứng khoán, ông Minh kỳ vọng nhóm ngân hàng cũng sẽ đạt được con số tăng trưởng ấn tượng trong quý 4. Mặc dù vừa qua, NIM của một số ngân hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng sự ảnh hưởng là không quá lớn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng Thông tư 01 sang tháng 6/2022 nên chi phí dự phòng của các ngân hàng có thể sẽ ở mức thấp.

Ông Minh cũng lưu ý một số nhóm ngành liên quan đến hoạt động đầu tư công. Vừa qua, đầu tư công nước ta đã bị chậm lại, tác động lớn nhất vẫn là Covid-19 khiến các dự án phải tạm ngưng để thực hiện giãn cách, ngoài ra còn do giá nguyên vật liệu tăng cao. Tuy nhiên, để bù đắp những thiệt hại trong quý 3, Chính phủ buộc phải đẩy nhanh đầu tư công trong những tháng cuối năm. Điều này sẽ giúp hai nhóm là vật liệu xây dựng như sắt, thép và xây dưng hạ tầng được hưởng lợi.

Theo ông Lê Quang Minh – Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, bên cạnh những nhóm kể trên, nhóm cổ phiếu dịch vụ hạ tầng và bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ tiếp tục tích cực trở lại sau khi hết dịch do  nền kinh tế mở cửa và công nhân quay lại nhà máy, Việt Nam sẽ  trở thành điểm đến của FDI và các nhà sản xuất thế giới.

Nhìn tổng quát, ông Quang Minh cho rằng những nhóm cổ phiếu đã và đang duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt trong quý 1 và quý 2 sẽ tiếp tục tốt trong quý 3 và quý 4, theo quan điểm của Mirae Asset, những cổ phiếu mà Covid-19 không làm giảm doanh thu và lợi nhuận thì sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt khi tình hình dịch bệnh được khống chế.

Thị trường vào cuối năm sẽ theo xu hướng nào?

Theo ông Nguyễn Thế Minh, hiện tại khi so sánh thì cổ phiếu vẫn là kênh có tỷ suất sinh lời tốt hơn các kênh đầu tư khác do chi phí vốn đầu tư là tương đối thấp. Với mặt bằng lãi suất thấp hiện nay, nhà đầu tư nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Tuy nhiên, hiện nay nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng rất mạnh và tương đối “nóng” nên nhà đầu tư cần lưu ý cơ cấu sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như dòng chứng khoán, thép, ngân hàng. Đây là những nhóm nhà đầu tư có thể dần quan tâm và quay trở lại trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, do nguồn ngân sách của Chính phủ bị thiệt hại phần nào bởi tác động của Covid-19 nên khả năng cao Chính phủ sẽ đẩy mạnh hai giải pháp là đầu tư công và thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước (những doanh nghiệp nằm trong danh sách của SCIC) trong thời gian tới. Vì vậy, nhà đầu tư có thể chú ý đến các doanh nghiệp sẽ được SCIC thoái vốn.

Ở góc nhìn ngắn hạn hơn, ông Lê Quang Minh nhận định từ thời điểm hiện tại cho đến lúc hết giãn cách, thị trường sẽ biến động khá mạnh và thường xuyên có những nhịp rung lắc. Nhà đầu tư cần tăng tỷ trọng tiền và đợi những cơ hội giảm mạnh để có thể chủ động mua cổ phiếu với giá ưu đãi. Ngoài ra, nhà đầu tư nên tham vấn các nhà đầu tư chuyên nghiệp do thị trường đã qua thời kỳ “mua là thắng” và bắt đầu bước sang giai đoạn phân hóa.

Còn theo ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Phân tích Thị trường Công ty Chứng khoán BSC, nhìn chung thị trường năm nay vẫn tốt, nếu nhà đầu tư quên đi họ phải đối mặt với kết quả kinh doanh quý 3 kém và kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế và các doanh nghiệp thì xu hướng sẽ ổn định đi lên vào cuối năm.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường sẽ có sự phân hóa khá rõ trong 2 tuần tới khi mà dòng tiền đã chảy rất nhiều vào nhóm cổ phiếu penny. Nhà đầu tư nên quan sát thị trường và chờ những phiên giảm điểm để tăng tỷ trọng.

Hà Lễ

FILI