Người dân và doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho trạng thái ‘bình thường mới’ tại TPHCM?

Người dân và doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho trạng thái ‘bình thường mới’ tại TPHCM?

TPHCM đang thực hiện kế hoạch từng bước mở cửa kinh tế sau ngày 15/9/2021, trong đó có thể chọn Cần Giờ, Củ Chi và quận 7 là ba địa bàn đã kiểm soát tốt được dịch bệnh để làm ba mũi đột phá thí điểm việc chuẩn bị kịch bản "bình thường mới". Điều này, thúc đẩy các quận huyện khác cũng phải tích cực trong công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh để chuyển sang trạng thái “bình thường mới” khi kiểm soát dịch tốt hơn. Và người dân sẽ dần dà bắt đầu lại nhịp sống thường lệ như trước đây, dẫu có ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên, “bình thường mới” rất khác so với “bình thường”. Xoay quanh vấn đề này, xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết: TP.HCM chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới”.

Trạng thái bình thường mới là một cụm từ được sử dụng trong kinh doanh để đề cập đến tình hình kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 đến 2008, đại suy thoái và đại dịch Covid – 19. Từ đó, cụm từ cũng được sử dụng rộng rãi để nói đến một thứ bất thường nhưng lại trở nên bình thường sau đó. Trong đại dịch Covid – 19 thì cụm từ này được dùng để đề cập đến sự thay đổi hành vi con người sau đại dịch.

“Bình thường mới” là gì?

“Bình thường mới” hiểu đơn giản là những điều khác với những cái cũ. Có thể là những điểm mà trước đây mọi người cho là bất bình thường thì nay nó sẽ trở nên bình thường.

“Bình thường mới” là những trạng thái mới của các hoạt động: chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, đời sống sản xuất, quan điểm tiêu dùng, phương thức sống, y tế, giáo dục,… làm sao để thích ứng và phát triển trong giai đoạn dần kiểm soát được dịch bệnh.

Tại TP.HCM tính đến hết ngày 08/09/2021, một số địa phương như Quận 7, Huyện Củ Chi và Huyện Cần Giờ đã kiểm soát được dịch bệnh, các địa phương khác cũng đang đẩy mạnh hoạt động tiêm Vaccine và y tế để sớm có phương án đưa cuộc sống người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới.

Nét đặc trưng của “bình thường mới”

Thứ nhất, an toàn chính là cái mới, tất cả các hoạt động trong đời sống, xã hội đều nghĩ đến khía cạnh y tế.

Thứ hai, trước đại dịch thì rủi ro là như nhau, không ai và nền kinh tế nào được miễn nhiễm.

Thứ ba, “bình thường mới” đó là khi cuộc sống đòi hỏi con người, xã hội và doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt cũng như khả năng chống chịu cao. Đòi hỏi phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, quan điểm tiêu dùng, cách thức sống thay đổi và đồng thời sẽ dịch chuyển sang số hoá, online nhiều hơn trước.

Nhận định của chuyên gia về trạng thái bình thường mới

Theo nhận định của Bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia bệnh truyền nhiễm) trên báo chí, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 ở TP.HCM rất khó đòi hỏi được một giải pháp hoàn hảo. “Muốn hoàn hảo hết thì biết đến bao giờ”, bác sĩ Khanh nói. Trong khi đó, người đã tiêm 2 mũi Vaccine vẫn có thể lây nhiễm nhưng tỷ lệ phải vào viện điều trị rất thấp. Về tiếp xúc, người đã tiêm Vaccine tiếp xúc với nhau về dịch tễ thì không có vấn đề gì; nhưng nếu tiếp xúc với người chưa tiêm Vaccine, vẫn có nguy cơ về lây nhiễm cho người chưa tiêm. Theo đánh giá của chuyên gia này thì giản cách xã hội không phải chỉ căn cứ vào số ca bệnh, mà còn liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội, an sinh. Đó là lý do vì sao mà ở nhiều quốc gia nguồn lây nhiễm còn nhiều mà họ vẫn mở cửa kinh tế. Khi người bệnh nặng tăng thì siết chặt giãn cách, khi người bệnh nặng giảm thì họ lại nới giãn cách.

Người dân cần chuẩn bị gì?

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trong những cuộc trao đổi với báo chí gần đây đã nêu: Tâm thế chuẩn bị và ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng để TP.HCM bước vào giai đoạn bình thường mới. Người dân phải tự giác tiêm vaccine. Các loại vaccine cho đến nay đều được chứng minh an toàn, hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch bùng phát tại TP.HCM, việc tự nguyện tiêm vaccine theo khuyến cáo của ngành y tế sẽ giúp người dân có sức chống lại virus gây bệnh, đồng thời là cơ sở để thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, để người dân có thể đi làm trở lại, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và thậm chí là không thiết yếu trong điều kiện bình thường mới.

Điều quan trọng thứ hai chính là năng lực tự chăm sóc sức khỏe khi không may bị nhiễm bệnh. Đồng thời khi số ca nhiễm cộng đồng có lúc tăng trở lại sau khi đã kiểm soát, hệ thống y tế phải đảm bảo từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị y tế tiếp nhận điều trị hiệu quả bệnh nhân nặng để giảm thiểu tử vong. Khi đã được tiêm vaccine, người dân nếu bệnh sẽ phải khai báo y tế, tự cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế. Ngoài ra, người dân phải tuân thủ 5K, điều đó một mặt giúp bản thân phòng bệnh, mặt khác ngừa lây nhiễm cho người xung quanh.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị như thế nào?

Những doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, thương mại dịch vụ, sản xuất hàng hoá và các cảng biển là những nhóm doanh nghiệp sẽ phải thích nghi sớm với môi trường làm việc có SARS-Cov-2 để hoạt động lâu dài an toàn và bền vững. Qua đó, tất cả người lao động phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ngoài ra, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phải đảm bảo quy định về 5K.

Trong giai đoạn số ca nhiễm cộng đồng còn cao phải tổ chức cho người lao động theo mô hình “một cung đường – hai điểm đến”, tức là nơi ở và nơi làm việc.

Các doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy thanh toán bằng điện tử, đẩy mạnh mô hình thương mại điện tử, bán mang về,…

ThS. Nguyễn Minh Trí

FILI