Nhóm ngành nào sẽ hấp dẫn trong nửa cuối năm 2021?

Nhóm ngành nào sẽ hấp dẫn trong nửa cuối năm 2021?

Trong chương trình tư vấn đầu tư tổ chức trưa ngày 11/08, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra góc nhìn về triển vọng của các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán giai đoạn nửa cuối năm 2021.

Chương trình tư vấn đầu tư của SSI tổ chức trưa 11/08. Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm (bên phải).

Về diễn biến thị trường hiện tại, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Chuyên gia Chiến lược Đầu tư của Trung tâm Phân tích và Đầu tư SSI nhận định VN-Index đã vượt vùng 1,340, theo đó, xu hướng tăng ngắn hạn đã được xác nhận, chỉ số sẽ duy trì quán tính tăng. Giá trị giao dịch vẫn đang tốt hơn cho thấy sự lạc quan của lực cầu trong ngắn hạn. Dòng tiền sau một thời gian tích cực với các nhóm cảng biển thì đang chuyển sang các nhóm khác như ngân hàng, mía đường.

Định giá thị trường đầu tháng 7 ở mức cao nhưng hiện tại thì PE vào khoảng 17 lần. PE dự phóng cho năm 2021 vào khoảng 15 lần, 2022 vào khoảng 13 lần. So với quá khứ thì đây là những con số rất hấp dẫn.

Trong nửa cuối năm, ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho rằng nhà đầu tư nên chú ý đến các yếu tố tác động tới dòng tiền. Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Mỹ, sẽ tác động tới lãi suất và định giá thị trường thay đổi. Nếu nhìn vào các yếu tố trong nước, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề. Chính phủ sẽ phải có hỗ trợ với các ngành nghề để thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo đó, đánh giá ngành nghề thay đổi thế nào sau dịch cũng sẽ tạo ra các câu chuyện đầu tư.

Bên cạnh đó là chính sách đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025 có nhiều điểm tích cực, doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi cũng là câu chuyện đáng quan tâm của nhà đầu tư.

Nhóm ngành nào đang triển vọng?

Các chuyên gia tham gia chương trình theo hình thức trực tuyến. Ông Nguyễn Anh Đức (góc trên phải), ông Nguyễn Đức Minh (nửa dưới màn hình).

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán KHTC của SSI, để đánh giá doanh nghiệp nào phục hồi mạnh mẽ sau dịch thì nên nhìn vào yếu tố cơ bản như doanh thu hoặc đơn hàng. Chẳng hạn, đối với ngành xuất khẩu như trước khi Covid-19 quay lại vào tháng 4 thì nhu cầu trên thế giới đã hồi phục, số đơn hàng tăng lên nhanh chóng, đơn hàng lấp đầy tới cuối năm. Nhóm này được hưởng lợi cả về sản lượng và giá. Từ đó, có thể đánh giá được triển vọng đối với doanh nghiệp hoặc ngành hàng.

Ông Đức đánh giá nhóm ngành xuất khẩu tốt trong cả ngắn và dài hạn. Nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên thế giới sẽ tăng rất mạnh sau dịch bệnh. Về mặt cơ bản nên dựa vào các yếu tố sau để lựa chọn doanh nghiệp. Yếu tố thứ nhất là năng lực sản xuất tốt. Thứ hai là doanh nghiệp nên có quy mô lớn và có vị thế trong ngành để đạt ưu thế trong đàm phàn. Thứ ba là định giá phải hợp lý.

Bên cạnh đó, nhóm ngành logistic cũng sẽ rất tiềm năng. Việc phục hồi nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sẽ kéo theo nhu cầu vận tải, triển vọng có thể kéo dài sang đầu năm 2022.

Theo ông Đức, sau khi dịch bệnh qua đi thì nhóm bất động sản có triển vọng trong dài hạn. Đầu tư công giúp cải thiện hạ tầng mạnh mẽ, tính kết nối vùng được nâng cao sẽ đưa ra rất nhiều thị trường mới để các công ty khai thác. Nhóm hàng không được kỳ vọng sẽ hồi phục rất mạnh trong năm 2022 trở đi.

Nói về nhóm ngành dầu khí, vị chuyên gia kỳ vọng nhóm này sẽ hồi phục tốt trong nửa cuối năm 2021 cho tới đầu năm 2022. Về mặt cơ bản, giá dầu đang ở mức cao. Sau khi dịch qua đi thì nhu cầu sẽ rất lớn nên giữ được mức giá dầu khí duy trì ở mức cao.

Đối với nhóm phân bón, trong nửa đầu năm biên lợi nhuận của nhóm này rất tốt. Trong ngắn hạn, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón nên Việt Nam hưởng lợi. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của ngành phân bón. Thời gian tới biên lợi nhuận ở nhóm này có thể sẽ không còn cao nữa. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý.

Về nhóm ngành thép, ông Đức Minh - chuyên gia từ quỹ SSIAM đánh giá nhóm ngành thép vẫn còn nhiều cơ hội trong 6 tháng cuối năm. Sau dịch có thể đầu tư công sẽ tăng mạnh kéo theo nhu cầu thép tăng lên. Ở ngành thép thì có thể chia ra làm 2 nhóm. Đối với nhóm thép thương mại thì nên theo dõi biến động giá đầu vào, đầu ra. Khi biên lợi nhuận cao thì giá cổ phiếu sẽ tích cực trong ngắn hạn. Còn với các công ty thép có chuỗi cung ứng từ đầu vào tới đầu ra có thể kiểm soát giá đầu vào thì có thể nhìn dài hạn hơn thay vì theo từng quý, từng tháng.

Chí Kiên

FILI