Ngành dầu khí tiếp tục chuyển bại thành thắng, nhiều doanh nghiệp hạ nguồn lãi đậm trong quý 2

Ngành dầu khí tiếp tục chuyển bại thành thắng, nhiều doanh nghiệp hạ nguồn lãi đậm trong quý 2

Ngành dầu khí tiếp tục nối đà hồi phục kéo dài từ cuối năm 2020. Lợi nhuận quý 2/2021 gia tăng hơn 3 lần so cùng kỳ là kết quả tăng trưởng cực kỳ quý báu giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Những doanh nghiệp hạ nguồn với những PLX, OIL, BSR báo lãi đậm đà trong khi tình trạng khó khăn xảy đến với nhóm thượng nguồn điển hình như PVD, PVS.

Ngành dầu khí tiếp tục chuyển bại thành thắng. Đồ họa: Tuấn Trần

Theo dữ liệu VietstockFinance, đến hết ngày 10/08 đã có 36 doanh nghiệp ngành dầu khí đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021 (tính trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM). Trong đó, 13 đơn vị tăng lãi, 8 đơn vị sụt giảm lãi, 12 đơn vị chuyển lỗ thành lãi và chỉ 3 đơn vị báo lỗ. Các doanh nghiệp đã tạo ra tổng cộng 134.8 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần và 6,141 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt gấp 1.5 lần và 4.1 lần cùng kỳ.

Hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao, nhiều doanh nghiệp hạ nguồn lãi lớn

Hạ nguồn là các hoạt động liên quan đến việc chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh. Các hoạt động này bao gồm lọc dầu thô thành xăng, khí lỏng tự nhiên, dầu diesel và nhiều nguồn năng lượng khác. Những doanh nghiệp dầu khí hạ nguồn điển hình là PLX, OIL, BSR, COM...

Đối với nhóm doanh nghiệp ngành dầu khí, giá dầu thế giới là một yếu tố quan trọng tác động đến kết quả kinh doanh. Theo Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX), trong quý 2 vừa qua, giá dầu thế giới (dầu WTI) tiếp tục có xu hướng tăng từ 58.65 USD/thùng lên 73.47 USD/thùng, tương ứng tăng 25.2% trong quý.

Mặt khác, chính sách kiểm soát và ứng phó trong phòng dịch Covid-19 có nhiều thay đổi theo hướng khoanh vùng thay vì giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc. Do đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu của PLX đã gặp nhiều yếu tố thuận lợi. Một số công ty con, công ty liên kết cũng có lợi nhuận khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ đó, PLX ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2021 tăng 74% so cùng kỳ, đạt mức 46,589 tỷ đồng. Lãi gộp đem về 4,154 tỷ đồng, tăng 52%. Ông lớn ngành xăng dầu đạt lãi ròng 1,406 tỷ đồng, tăng 31% so với quý 2 năm trước.

Cũng ở nhóm hạ nguồn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil, UPCoM: OIL) báo lãi ròng quý 2/2021 đạt 218 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, OIL báo lãi ròng 359 tỷ đồng, khác hẳn con số lỗ 241 tỷ đồng do tác động kép trong giai đoạn nửa đầu năm 2020.

Lãi ròng của OIL qua 9 quý gần đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Ở lĩnh vực kinh doanh khí, Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2021 tăng 45%, đạt 22,702 tỷ đồng; lãi ròng đem về 2,262 tỷ đồng, tăng 32%. GAS cho biết lãi ròng tăng chậm hơn doanh thu do các nguyên nhân như sản lượng khí tiêu thụ giảm 15% so cùng kỳ và khoản chênh lệch giá khí bao tiêu phải nộp Ngân sách Nhà nước quý 2/2021 ghi nhận số tiền 646 tỷ đồng. Ngoài ra, quý 2/2021 có phát sinh tăng khoản phí sử dụng thương hiệu năm 2021 phải trả cho PVN là 100 tỷ đồng và chi phí phòng chống dịch Covid-19 số tiền 154 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp báo lãi tăng trong quý 2/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Xét về tỷ lệ tăng trưởng (con số tương đối), có 3 đơn vị báo lãi tăng bằng lần trong quý 2/2021, gồm CNG, COMPGS.

Nhờ giá dầu thế giới và trong nước tăng, CNG Việt Nam (HOSE: CNG) báo doanh thu quý 2/2021 tăng 67%, đạt 829 tỷ đồng. Lãi ròng theo đó tăng gấp 29 lần, đem về 21 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận quý 2/2021 ấn tượng nhất.

Khóa học Online

ĐỌC HIỂU

BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Giải mã “ĐIỂM ĐEN” Báo cáo tài chính

  ▪️ Khai giảng: 19/8/2021

  ▪️ Ưu đãi lên đến: 50%++          

Hotline: 0908 16 98 98

>> Đăng ký ngay

Một trường hợp khác là Vật tư Xăng Dầu (Comeco, HOSE: COM) – công ty con của OIL. Vào quý 2 năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu xăng dầu giảm mạnh, nhiều khách hàng của COM như doanh nghiệp du lịch, vận tải,… đã phải tạm ngưng hoạt động một thời gian. Kéo theo đó, doanh thu của COM giảm đến phân nửa so cùng kỳ 2019, lãi ròng chỉ đạt 672 triệu đồng.

Tuy nhiên, tình thế đã khởi sắc rõ rệt sau 1 năm. COM ghi nhận 781 tỷ đồng doanh thu thuần và 12 tỷ đồng lãi ròng trong quý 2/2021, tăng lần lượt 41% và 1,680% (gấp 18 lần) so cùng kỳ 2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty này đã đem về 359 tỷ đồng lãi ròng (cùng kỳ lỗ 241 tỷ đồng) và thực hiện được 45% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra.

Xoay chuyển những khó khăn gặp phải trong 2020

Nói đến xoay chuyển thế cục tài chính thành công không thể không nhắc đến Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR). BSR báo lãi quý 2/2021 đậm đà với 1,704 tỷ đồng, khác xa con số lỗ 1,906 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Sau bán niên 2021, BSR đạt 49,379 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 3,543 tỷ đồng. Công ty đã thực hiện 53% kế hoạch sản lượng, 70% chỉ tiêu doanh thu và gấp 4.1 lần kế hoạch lợi nhuận năm đề ra.

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông lớn Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) cũng chuyển lỗ thành lãi ròng 52 tỷ đồng trong quý 2/2021. Nhờ giá xăng dầu thế giới diễn biến thuận lợi, PSH ghi nhận lãi gộp đạt 137 tỷ đồng, tăng 60% so với quý 2 năm trước. Biên lãi gộp đạt trên 11%, cải thiện so với mức 4.3% trong quý 2/2020.

Thông tin quan trọng mà PSH vừa phát đi vào đầu tháng 8 là kế hoạch chào bán riêng lẻ 76 triệu cp để nâng vốn điều lệ lên mức 2,356 tỷ đồng. Mục đích phát hành cổ phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án; nâng cao hình ảnh Công ty, tăng cường vị thế và năng lực cạnh tranh. Giá chào bán là 14,000 đồng/cp và lượng cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm.

Những doanh nghiệp ngành dầu khí chuyển lỗ thành lãi trong quý 2/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Những doanh nghiệp vẫn chưa “bắt sóng” giá dầu

Trong khi phần đông doanh nghiệp đã kinh doanh khả quan, vẫn còn nhiều cái tên chưa “bắt sóng” với đà phục hồi toàn ngành. Quý 2/2021 vừa ghi nhận có 8 đơn vị sụt giảm lợi nhuận và 3 doanh nghiệp thua lỗ.

Những doanh nghiệp dầu khí sụt giảm lãi trong quý 2/2021.Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Kết thúc quý 2/2021, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) ghi nhận doanh thu thuần 3,063 tỷ đồng, giảm 44% so cùng kỳ. Dù vậy, giá vốn giảm nhanh hơn giúp lãi gộp tăng 6%, đạt 261 tỷ đồng. Dù vậy, Công ty vẫn báo lãi ròng quý 2/2021 ở mức 164 tỷ đồng, giảm 39% so cùng kỳ. Kết quả đi lùi của PVS phần nhiều do quý 2 năm trước Công ty có khoản hoàn nhập dự phòng bảo hành các dự án với số tiền lớn, kéo theo khoản lãi khác ghi nhận đến 154 tỷ đồng (quý 2 năm nay chỉ lãi 10 tỷ đồng).

Diễn biến tương tự xảy ra đối với Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HOSE: PVD). Lãi gộp quý 2/2021 của PVD gia tăng 96% so cùng kỳ song lãi ròng vẫn bị thu hẹp 86%, ghi nhận 8.4 tỷ đồng. Theo giải trình của PVD, kết quả sụt giảm do các nguyên nhân chính: Quý 2/2021, Công ty mẹ không có doanh thu giàn khoan thuê (cùng kỳ có 2.44 giàn khoan) và đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng giảm 21%; giảm lợi nhuận từ các dịch vụ liên quan đến khoan và tăng chi phí dự phòng phải thu khó đòi.

Nói riêng về khoản dự phòng phải thu khó đòi của PVD. Đến 30/06/2021, Công ty đang trích lập dự phòng 132 tỷ đồng, tăng 40% so với hồi đầu năm. Trong đó, PVD vừa phát sinh khoản dự phòng nợ xấu hơn 28 tỷ đồng đối với KrisEnergy (Apsara) Cambodia Company Ltd, giá gốc vẫn còn ghi nhận 95 tỷ đồng. Động thái này của PVD bắt nguồn từ thông tin xảy đến vào đầu tháng 6, khi KrisEnergy - Công ty mẹ của đơn vị nêu trên bất ngờ đệ đơn xin phá sản.

Kết quả tệ nhất quý 2/2021 thuộc về Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (HOSE: PMG), với con số lỗ 29 tỷ đồng. PMG cho biết đã gặp khó khăn trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc phong toả hạn chế đi lại và đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu tại các địa bàn trọng điểm kinh doanh của Công ty ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.

Về phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB), đây đã là quý kinh doanh thua lỗ thứ 4 liên tiếp của đơn vị này. Tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến PVB lỗ gộp 2 tỷ đồng và lỗ ròng 5 tỷ đồng trong quý 2/2021. Mới sau 6 tháng đầu năm, PVB đã báo lỗ lũy kế trên 15 tỷ đồng, “vượt” kế hoạch lỗ 12 tỷ đồng đề ra cho 2021.

Những doanh nghiệp dầu khí thua lỗ trong quý 2/2021
Nguồn: VietstockFinance
Theo báo cáo cập nhật ngành dầu khí xuất bản tháng 7/2021, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá kết quả lợi nhuận quý 2 thể hiện sự tăng trưởng đáng khích lệ trong điều kiện dịch bệnh bùng phát. Các chuyên gia phân tích giữ quan điểm tích cực về ngành dầu khí trong nửa cuối năm 2021 với động lực chính từ việc giá dầu thế giới tiếp tục duy trì ở mặt bằng giá cao. Việc giá dầu thô đi lên từ đáy đã cho phép các doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho đồng thời góp phần vào đà hồi phục của giá bán lẻ xăng và giá dầu DO.

Duy Na

FILI