Góc nhìn 27/08: Giảm tỷ trọng?

Bài cập nhật

Góc nhìn 27/08: Giảm tỷ trọng?

SHS dự báo VN-Index có thể hồi phục kỹ thuật trong phiên 27/08 với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 1,335-1,340 điểm (MA20-50) nếu như ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1,300 điểm được giữ vững. Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng.

Thị trường có thể đi ngang với biên độ hẹp trong 1-2 phiên tới

CTCK Yuanta Việt Nam: Thị trường rung lắc mạnh về cuối phiên đặc biệt là trên các chỉ số sàn HOSE. Chỉ số VN-Index giảm 0.64% dừng tại 1,301.12 điểm. Chỉ số HNX-Index ngược chiều tăng 0.25% neo tại 336.85 điểm; Chỉ số Upcom-Index tăng nhẹ trên tham chiếu. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 21,204 tỷ đồng.

Lực bán quay lại trong phiên chiều đặc biệt là nhóm Ngân hàng là tác nhân khiến chỉ số sàn HOSE điều chỉnh mạnh. CTG (-3%), BID (-2.2%), TPB (-2.3%), ACB (-1.5%)…có sự điều chỉnh mạnh. Ngược lại, GVR, MWG, POW, SAB, VNM, VRE có sắc xanh tăng nhẹ.

Điểm sáng trong phiên 26/8 là nhóm cổ phiếu Phân bón (DPM, DCM, LAS, BFC) và Cảng biển (GMD, HAH) đi ngược thị trường với biên độ tăng mạnh.

Khối ngoại bán ròng gần 375 tỷ đồng toàn thị trường trong đó VHM (208 tỷ), CTG (85 tỷ), HPG (48 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng. Ở chiều ngược lại, họ mua ròng khá tại MBB (83 tỷ), VNM (43 tỷ), E1VFVN30 (22 tỷ).

Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1,300 – 1,320 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên Yuanta vẫn nghiêng về kịch bản thị trường đi ngang với biên độ hẹp ở 1 – 2 phiên tới, nhưng thị trường cũng có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn trong những phiên giao dịch tới. Tuy nhiên, dòng tiền có dấu hiệu phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên các NĐT chưa nên bán hết toàn bộ danh mục.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, Yuanta khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu lại danh mục và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40 – 45% danh mục. Đồng thời, các NĐT chưa nên mua vào lại giai đoạn này.

Thị trường sẽ có những nhịp hồi kỹ thuật trong các phiên tới

CTCK Ngân hàng MB (MBS): Thị trường chứng khoán trong nước không giữ được thành quả sau phiên hồi phục 25/8 dù phần lớn thời gian giao dịch thị trường tăng nhẹ, đà giảm xuất phát từ nhóm cổ phiếu VN30 trong đó có các cổ phiếu ngân hàng, Vingroup,…Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp nhưng dòng tiền hoạt động khá sôi động ở nhóm midcap và smallcap, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu cảng biển.

Thanh khoản thị trường đang trong xu hướng giảm, phiên 26/8 giá trị khớp lệnh trên sàn HSX chỉ còn hơn 16,710 tỷ đồng từ mức hơn 24,700 tỷ đồng ở phiên đầu tuần. Khối ngoại bán ròng hơn 376 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Thị trường vẫn đang trong quá trình test cung với biên độ dao động nhỏ và thanh khoản thấp. Bất chấp thị trường đang gặp khó ở nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, Vingroup,… dòng tiền vẫn hoạt động sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu cảng biển và hóa chất. Cả 2 nhóm cổ phiếu này đều được hưởng lợi nên giá cổ phiếu hiện đang ở mức kỷ lục mới. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ nhóm cổ phiếu như trên và quan sát diễn biến thị trường ở vùng hỗ trợ 1,290 – 1,300 điểm, hiện cả 2 nhóm cổ phiếu ngân hàng và Vingroup cũng đang ở mức đáy tháng 7 nên có khả năng sẽ có nhịp hồi kỹ thuật.

Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ danh mục và chưa vội giải ngân thêm

CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS): VN-Index mở cửa khá tích cực nối tiếp đà tăng của phiên trước đó, nhưng lực cung gia tăng mạnh đã khiến chỉ số không thể giữ vững đà tăng. Dù một số cổ phiếu bluechips như GVR, MWG… đều ghi nhận mức tăng khá tích cực và góp phần lớn vào đà tăng của chỉ số chung nhưng lực cầu trên thị trường vẫn là không đủ mạnh mẽ để giữ lại sắc xanh của VN-Index vào cuối phiên và chỉ số đóng cửa giảm 8.43 điểm (-0.64%) về mức 1,301.12, trong khi đó HNX-Index dừng tại mức 336.85 (+0.25%). Thanh khoản thị trường đạt khoảng 24,800 tỷ VND giá trị giao dịch trên cả ba sàn.

Áp lực điều chỉnh giảm dần gia tăng khi chỉ số vượt lên khỏi ngưỡng 1,300 điểm là điều dễ hiểu trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại. Bên cạnh đó, chỉ số cũng cần thêm thời gian để tích lũy và ổn định lại mặt bằng giá quanh ngưỡng này trước khi xác lập xu hướng mới - nhất là khi thanh khoản trong những phiên gần đây đều sụt giảm cho thấy dòng tiền vẫn đang lựa chọn đứng ngoài quan sát.

Trong bối cảnh như vậy, MBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục và chưa vội giải ngân thêm vào nhóm vốn hóa lớn tại thời điểm này, mà thay vào đó có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu vốn hóa trung bình với tiềm năng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2021 và giá chưa tăng mạnh so với mức tăng chung của ngành kể từ đầu năm 2021 đến nay.

Thị trường vẫn có xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn

CTCK Tân Việt (TVSI): VN-Index giảm 8.43 điểm tương ứng mức giảm 0.64% so với phiên giao dịch trước đó. Thị trường ngày 26/8 giao dịch nghiêng về số mã tăng điểm. Tổng 3 sàn có 469 mã xanh so với 372 mã đỏ. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh thị trường phiên 26/8 giảm mạnh so với mức bình quân, và chỉ đạt giá trị 16,710 tỷ đồng, đã có cải thiện trở lại so với phiên giao dịch trước đó. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 497.85 triệu cổ phiếu duy trì ở mức rất thấp nếu so với mức giao dịch bình quân 20 phiên

VN-Index tạo cây nến Bearish Enguffling bao phủ hoàn toàn cây nến tăng giá trước đó, làm cho các tín hiệu tiêu cực của thị trường tiếp tục gia tăng. Đà giảm điểm chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu trong rổ VN30. Phiên giao dịch 26/8 cho thấy phiên 25/8 thuần túy chỉ là một nhịp hồi kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong xu thế giảm giá. Mặc dù vậy, VN-Index vẫn đang duy trì nằm trên mốc 1,300 điểm cho thấy các mốc hỗ trợ được thiết lập trong các phiên vừa qua vẫn được giữ vững, đà hồi phục dự báo vẫn có thể tiếp tục trong các phiên sắp tới. Việc nhóm VN30 giảm điểm mạnh gây áp lực tiêu cực cho thị trường nhưng bên cạnh đó, có nhiều nhóm ngành đang tỏ ra rất mạnh và xu hướng tăng giá đã được thiết lập.

TVSI đánh giá rằng VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn trong xu hướng giảm điểm và kỳ vọng nhịp hồi phục vẫn có thể duy trì và chỉ số sẽ kiểm tra lại mốc 1,330 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư vẫn khá yếu

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Sau phiên khởi sắc 25/08, thị trường đã điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch 26/08. Dòng tiền đầu tư suy yếu khi chỉ có 8/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước. Nhóm ngành kiềm chế đà giảm của thị trường là nhóm dệt May, truyền thông và hóa chất. Độ rộng thị trường trở về trạng thái trung lập với thanh khoản thị trường suy giảm so với phiên trước, báo hiệu tâm lý giao dịch cẩn trọng của nhà đầu tư. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng tại HNX. Phiên điều chỉnh 26/08 cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá yếu và nhiều khả năng VN-Index sẽ duy trì nhịp vận động quanh ngưỡng 1,300 điểm trong các phiên giao dịch tới kể từ 27/08.

Tiếp tục quán tính giảm điểm

CTCK Asean (Aseansc): Trong phiên giao dịch 26/08, chỉ số VN-Index giao dịch theo chiều hướng tiêu cực, đóng cửa giảm hơn 8 điểm, mức gần thấp nhất trong ngày. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 8.43 điểm (giảm 0.64%), đóng cửa ở mức 1,301.12.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ vừa với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn MA3 ngày và MA5 ngày, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn trở nên tiêu cực hơn. Tuy nhiên, việc thanh khoản ở mức thấp hơn trung bình 20 ngày cho thấy độ tin cậy của cây nến này chưa cao. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,295-1,300 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,285-1,290 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1,305-1,310 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,315-1,320 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng suy yếu là nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 26/08. Tuy nhiên, dòng tiền lại có xu hướng đổ mạnh vào nhóm logistics, giúp nhiều mã ngược dòng thị trường tăng mạnh. Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 27/08 tới, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,295-1,300 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,285-1,290 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày 27/08.

Vẫn duy trì cơ hội hồi phục

CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index mở gap tăng điểm đầu phiên trước khi suy yếu và đảo chiều giảm điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên 26/08. Vùng kháng cự gần quanh 131x tiếp tục tạo áp lực cho đà hồi phục của chỉ số và một lần nữa VN-Index lại quay xuống dưới đường MA100.

Mặc dù vậy, KBSV cho rằng cơ hội duy trì xu hướng hồi phục của chỉ số vẫn được giữ vững chừng nào điểm đỡ quan trọng quanh 1,290 chưa bị phá vỡ. Đây cũng là chốt chặn phải được bảo toàn nếu không khả năng tiếp tục phá đáy ngắn hạn cần được tính đến. Sau khi linh hoạt bán quay vòng 1 phần tỷ trọng để trung bình giá vốn cho vị thế nắm giữ trung hạn, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư có thể kê mua trở lại phần trading ở các vùng giá thấp khi chỉ số lùi xuống điểm đỡ đã đề cập.

Trong ngắn hạn vẫn ở mức tiêu cực

CTCK Mirae Asset: Trong suốt thời gian giao dịch, VN-Index luôn duy trì vị thế cân bằng và sắc xanh nhẹ. Tuy nhiên, lực bán mạnh dần về cuối phiên ATC. Điều này khiến cho VN-Index giảm 8.43 điểm (giảm 0.64%) xuống còn 1,301 điểm.

Khối ngoại đã quay lại bán ròng với tổng giá trị hơn 386 tỷ trong phiên giao dịch 26/08 ở trên cả 2 sàn HNXHOSE. Trong đó, đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại là VHM với giá trị đạt hơn 205 tỷ. Còn ở chiều ngược lại, MBB ghi nhận giá trị mua ròng hơn 82 tỷ đồng. Mặc dù đóng cửa với sắc đỏ, nhưng VN-Index vẫn giữ được mốc trên 1,300 điểm đã khiến cho điểm số đánh giá kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index được cải thiện từ mức đánh giá -6 điểm lên mức -4 điểm. Mặc dù vậy, trạng thái ngắn hạn vẫn duy trì ở mức đánh giá tiêu cực

Canh phiên hồi phục để giảm tỷ trọng

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): VN-Index (giảm 0.64%) điều chỉnh trở lại trong phiên 26/08 nhưng với thanh khoản tuy gia tăng so với phiên hồi kỹ thuật trước đó nhưng vẫn là thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là không thực sự mạnh. Tuy nhiên, khối ngoại lại quay trở lại xu hướng bán ròng với gần 400 tỷ đồng trên hai sàn đã tạo áp lực lên thị trường. Và với một phiên điều chỉnh như phiên 26/08 thì về mặt kỹ thuật, xu hướng thị trường vẫn chưa có gì thay đổi.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 27/8, VN-Index có thể hồi phục kỹ thuật với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 1,335-1,340 điểm (MA20-50) nếu như ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1,300 điểm được giữ vững. Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đã chốt lời danh mục ngắn hạn trước đó có thể canh những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1,200-1,250 điểm để giải ngân trở lại.

Minh Hồng

FILI