Đẩy mạnh đầu tư công sẽ là yếu tố dẫn dắt ngành bất động sản nửa cuối năm 2021

Đẩy mạnh đầu tư công sẽ là yếu tố dẫn dắt ngành bất động sản nửa cuối năm 2021

Đó là dự báo được VDSC đề cập trong Báo cáo triển vọng ngành bất động sản vừa công bố. Theo đó, VDSC tin rằng việc đẩy mạnh đầu tư công tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông theo chủ trương của Chính phủ sẽ là yếu tố chính dẫn dắt ngành bất động sản trong nửa cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, các điều kiện pháp lý sẽ thuận lợi hơn đến từ những thay đổi tích cực trong Luật Xây Dựng sửa đổi 2020, Luật Đầu Tư 2020 (hiệu lực từ ngày 01/01/2021) và Nghị Định 148/2020/NĐ-CP (hiệu lực từ ngày 08/02/2021). Ngoài ra, việc lãi suất cho vay mua nhà vẫn đang duy trì ở mức thấp sẽ hỗ trợ nguồn cầu tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, lo ngại chính vẫn đến từ việc dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong quý 2, tại TP.HCM, nguồn cung hồi phục nhanh chóng nhưng có xu hướng giảm khi dịch bùng lại trong tháng 6. Lượng cung đến từ khu Tây (31%), Nam (26%) và Đông (22%). Trong đó, Pi City (Quận 12), VHM Grand Park (Quận 9) và Grand Marina (Quận 1) là những dự án đóng góp chính. Thị trường ghi nhận doanh thu khả quan từ khu Đông (Quận 9) nhờ vào việc thành lập Thành phố Thủ Đức và vị trí đắc địa với nhiều cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khu vực: Metro số 1, Sân bay Long Thành, Cầu Thủ Thiêm 2.

Còn tại Hà Nội, nguồn cung quý 2 giảm so với quý trước do dịch bùng trở lại từ tháng 5. Lượng cung chủ yếu đến từ khu Tây và Đông (xấp xỉ 80%). Trong đó, Panorama Hoàng Văn Thụ, Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City là các dự án đóng góp chính.

Các dự án khu đô thị chiếm khoảng 60% số căn bán được trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Nam Từ Liêm (44%), Gia Lâm (18%), Cầu Giấy (12%) là những khu vực trọng điểm đóng góp chính vào tổng số căn bán được.

Đáng chú ý, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh hơn và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, các nhà phát triển BĐS cũng tận dụng các kênh trực tuyến để đáp ứng theo kịp tình hình mới.

Cơ sở hạ tầng là chất xúc tác chính trong trung và dài hạn

VDSC dự báo tổng mức vốn ngân sách dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 lên tới 2.87 triệu tỷ đồng (120 tỷ USD), tăng 43% so với giai đoạn 2016-2020 (2 triệu tỷ đồng, hay 87 tỷ USD). Chủ yếu là vốn dành cho đầu tư hạ tầng giao thông ở các tỉnh thành.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23/5/2021 về đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, VDSC kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Cầu Thủ Thiêm 2, Metro 1 và Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là những dự án quy mô lớn đáng chú ý dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2022.

Trong số các tỉnh thành, nổi bật hơn cả phải kể đến TPHCM, Hà Nội, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Đây là những địa phương vừa có lợi thế về cơ sở hạ tầng cùng với năng lực cạnh tranh tốt. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm GRDP cùng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn nằm trong top đầu cả nước.

Ngoài ra, VDSC cho biết các nghị định và luật mới ban hành sửa đổi cho thấy sự thống nhất trong hệ thống pháp lý nhằm hỗ trợ một số quy trình đầu tư BĐS. Đầu năm 2021, nhiều bộ luật và nghị định mới có hiệu lực giúp đem lại sự thống nhất cho hệ thống pháp lý ngành BĐS. Tuy nhiên vẫn tồn tại những bất cập chưa giải quyết triệt để. Đơn cử như vấn đề dự án 100% đất nông nghiệp/phi nông nghiệp nhưng không phải đất ở vẫn chưa thuộc diện được công nhận là chủ đầu tư, gây ách tắc dự án trong nhiều năm mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết.

Tính đến tháng 6/2021, các ngân hàng trong nước vẫn duy trì lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp và thậm chí tiếp tục giảm nhẹ so với cuối năm ngoái. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, VDSC tin rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục diễn ra nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. Do đó, mặt bằng lãi suất thấp sẽ còn được duy trì ít nhất là đến hết năm nay.

Minh Hồng

FILI