Thanh khoản sụt giảm có phải dấu hiệu đáng lo ngại?

Thanh khoản sụt giảm có phải dấu hiệu đáng lo ngại?

Thanh khoản sụt giảm mạnh ngay sau khi thị trường khoán có phiên giảm sâu, nhà đầu tư có nên lo lắng?

Ngay sau phiên giảm điểm mạnh ngày 12/07, thanh khoản thị trường chứng khoán ghi nhận phiên sụt giảm mạnh ngày 13/07. Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn (HOSE, HNX và UPCoM) ở mức hơn 19.3 ngàn tỷ đồng, trong đó sàn HOSE chỉ đạt hơn 15.9 ngàn tỷ đồng.

Trong phiên 14/07, giá trị giao dịch toàn thị trường (3 sàn HOSE, HNX và UPCoM) ghi nhận ở mức trên 22 ngàn tỷ đồng, mức thanh khoản này khá thấp so với nhiều tháng trở lại đây. Bình quân ở vùng điểm 1,400 của VN-Index, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên 27 ngàn tỷ đồng, đặc biệt, có những phiên lên tới hơn 30 ngàn tỷ đồng.

Trở lại câu chuyện tăng trưởng của thị trường thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng sự sôi động của dòng tiền chính là động lực để đẩy thị trường đi lên. Thanh khoản sụt giảm mạnh ngay sau khi thị trường có phiên giảm sâu đang khiến nhà đầu tư đặt ra lo ngại về triển vọng của thị trường.

Trong một chương trình tư vấn đầu tư chứng khoán tổ chức ngày 14/07, các chuyên gia từ CTCK SSI đã đưa ra bình luận về điều này.

Theo ông Nguyễn Chí Trung – Phó Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán – KHCN CTCK SSI, khi theo dõi thị trường thì nên tính thanh khoản bình quân vì sẽ có những phiên rất cao nhưng sẽ có những phiên thanh khoản thấp gọi là thăm dò thị trường. Hiện tại, thị trường có đợt giảm mạnh sau khi tăng nóng thì nhà đầu tư sẽ suy xét rất kỹ về việc mua bán dẫn tới thanh khoản thấp trong một số phiên. Tuy vậy, thanh khoản thị trường bình quân hiện tại vẫn vào khoảng 20 ngàn tỷ đồng, vượt hơn nhiều so với mức kỳ vọng của CTCK.

Về mặt kỹ thuật, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Chuyên gia Chiến lược Đầu tư SSI nhận định, về mặt kỹ thuật, trong 3 phiên gần đây, cụm nến của VN-Index vẫn chưa về lại mức thấp nhất mà chỉ số ghi nhận trong phiên giảm hôm trước. Thanh khoản duy trì ở mức thấp trong một tháng qua có thể kết luận rằng bên mua đang thận trọng, đây là điều hiểu được sau một đợt biến động mạnh. Ở phía bên bán, họ cũng không đẩy mạnh ra nữa, đây là điểm khả quan với thị trường.

Có thể thấy, thị trường đang tìm ngưỡng cân bằng mới sau đợt sụt giảm mạnh.

Nói về áp lực thị trường hiện tại, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Phân tích của SSI nhận định, chắc chắn những lo ngại của nhà đầu tư đang ảnh hưởng tới thị trường. Hiện tại, có thể thấy 1 số vấn đề như dịch Covid, phong tỏa ở các thành phố lớn khiến nhà đầu tư phải băn khoăn. Điều quan trọng hiện tại là giữ được hoạt động sản xuất kinh doanh (đặc biệt ở khu công nghiệp phía Nam) suôn sẻ vì sắp tới là mùa xuất khẩu tới các thị trường lớn như Mỹ, EU. Hiện tại rất cần hoạt động xuất khẩu để nâng đỡ kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm nay.

Đồng thời, tháng 7 là vào mùa kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, chắc hẳn thị trường đã phản ánh một phần vào giá. Nhà đầu tư hiện tại lo ngại liệu kết quả kinh doanh trong quý 3 có chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh và bức tranh triển vọng quý 4.

Theo bà Phương, nếu tính PE theo lợi nhuận ước tính của năm 2021 thì chỉ số này đạt vào khoảng 16 lần. PE này đã phản ánh kỳ vọng lợi nhuận của nửa cuối năm 2021. Nếu loại bỏ PE của ngân hàng ra khỏi mức tổng thì PE còn lại vào khoảng gần 18 lần.

Trước đây, PE Việt Nam trong thời gian dài chỉ đạt mức cao nhất là 14 - 15 lần. Trong 3 năm gần đây, khi thị trường phát triển thì mức cao là 21 lần vào đầu năm 2018. Mức 18 không phải là mức cao nhưng không còn nhiều dư địa để tăng từ mức PE hiện tại.

Chí Kiên

FILI