STK báo lãi ròng quý 2 'tăng phi mã' nhờ đâu?

STK báo lãi ròng quý 2 'tăng phi mã' nhờ đâu?

Sự phục hồi của thị trường xuất khẩu và doanh thu sợi tái chế tăng đã giúp lãi ròng quý 2/2021 của CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSESTK) ghi nhận sự đột phá.

Theo báo cáo hợp nhất, trong quý 2, STK ghi nhận doanh thu thuần gấp đôi cùng kỳ, đạt 510 tỷ đồng. Nhờ giá vốn tăng nhẹ hơn giúp lãi gộp “bứt tốc”, đạt 99 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp cải thiện từ 8% lên 19%.

Kỳ này, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 70% và 51% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 7 tỷ đồng và 19 tỷ đồng.

Kết quả, STK báo lãi ròng gần 71 tỷ đồng, gấp 24 lần cùng kỳ. Theo giải trình của STK, trong quý 2, nhờ sự hồi phục của các thị trường xuất khẩu dệt may chính như Mỹ, EU cũng như sự thích nghi của Công ty với bối cảnh thị trường, doanh số bán và giá bán đã được cải thiện hơn so với cùng kỳ. Mặc khác, doanh thu bán hàng Recycle (tái chế) tăng hơn so với cùng kỳ giúp cho biên lợi nhuận cao và vượt mức kế hoạch 6 tháng đầu năm.

Kết quả kinh doanh quý 2/2021 của STK. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 của STK

Lũy kế nửa đầu năm 2021, STK ghi nhận doanh thu thuần tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 1,077 tỷ đồng và lãi ròng gấp 2.6 lần, lên mức gần 141 tỷ đồng.

Trong năm 2021, STK dự kiến mang về gần 2,358 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 248 tỷ đồng lãi sau thuế 2021, lần lượt tăng 34% và 72% so với thực hiện năm 2020. Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Đặng Triệu Hòa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc STK cho biết, động lực tăng trưởng chính cho năm 2021 đến từ thị trường phục hồi, nhu cầu khách hàng tăng lên trong khi STK mạnh về sản xuất sợi tái chế.

Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp dệt may đã thực hiện được 46% chỉ tiêu doanh thu và 57% chỉ tiêu lợi nhuận 2021.

Tại thời điểm 30/06/2021, tổng tài sản của STK ghi nhận hơn 1,994 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng 37%, lên gần 549 tỷ đồng. Trong đó, thành phẩm chiếm 52%, nguyên liệu vật liệu chiếm 33% tổng giá trị hàng tồn kho. Đáng chú ý, khoản mục hàng mua đang đi đường tăng mạnh lên gần 91 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ.

Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6 ghi nhận gần 873 tỷ đồng, tăng 41%. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 316 tỷ đồng, tăng 42% và không ghi nhận nợ vay dài hạn (cùng kỳ ghi nhận gần 52 tỷ đồng).

Tiên Tiên

FILI