Nhờ đâu TNG báo lãi ròng quý 2 gần gấp đôi cùng kỳ?

Nhờ đâu TNG báo lãi ròng quý 2 gần gấp đôi cùng kỳ?

Cơ cấu doanh thu hàng FOB tăng trong khi loạt chi phí được tiết giảm đã giúp lãi ròng quý 2/2021 của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNXTNG) tăng vọt lên mức 61 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý 2/2021 của TNG. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 của TNG

Khép lại 6 tháng đầu năm, TNG ghi nhận doanh thu thuần tăng 29% so với cùng kỳ, đạt gần 2,371 tỷ đồng và lãi ròng tăng 30%, ghi nhận hơn 83 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh khiến biên lãi gộp giảm từ 17% xuống còn 13%.

Năm 2021, TNG dự kiến đem về 4,798 tỷ đồng doanh thu và 175 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 7% và 14% so với thực hiện năm trước. Ngoài ra, TNG dự kiến trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 16%, bằng mức cổ tức năm 2020. Đại diện TNG chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021: “Hiện nay, đơn hàng Công ty đã xác nhận với khách hàng đảm bảo sản xuất tại các chi nhánh đến hết tháng 8/2021, một số chi nhánh đến tháng 9/2021. Các chi nhánh và Công ty hiện chủ yếu làm việc để xác nhận, đàm phán các đơn hàng cho tháng 10/2021 trở đi”.

Như vậy, khép lại nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp dệt may đã thực hiện được 49% chỉ tiêu doanh thu và 47% chỉ tiêu lãi sau thuế 2021.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của TNG. Đvt: Tỷ đồng

Riêng trong quý 2, TNG ghi nhận doanh thu thuần tăng 37%, đạt 1,460 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn đã kéo biên lãi gộp giảm từ 16% xuống còn 13.6%.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 81%, đạt hơn 9 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng. Ngược lại, chi phí bán hàng giảm 35%.

Kết quả, TNG báo lãi ròng tăng 90%, ghi nhận 61 tỷ đồng. Theo TNG, ngay từ đầu năm Công ty đã định hướng việc tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB chủ đạo cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam cũng như xác định được rõ dòng hàng mục tiêu. Do vậy, TNG tập trung vào các dòng sản phẩm kỹ thuật, dòng sản phẩm cao cấp hơn cùng với việc áp dụng các giải pháp quản trị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cơ cấu doanh thu hàng FOB (Doanh nghiệp khi nhận đơn đặt hàng từ khách, sau khi cắt may và hoàn thiện sản phẩm thì chỉ cần vận chuyển hàng lên tàu ở cảng là hết trách nhiệm) tăng giúp tổng doanh thu tăng so với cùng kỳ. Đồng thời, các khoản chi phí được tiết giảm triệt để đã giúp lãi ròng tăng so với cùng kỳ.

Trong tháng 6, TNG ghi nhận doanh thu tiêu thụ đạt 622 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 7, TNG dự kiến doanh thu tiêu thụ đạt 625 tỷ đồng, cao nhất so với các tháng trong nửa đầu năm 2021.

Tính đến 30/06/2021, tổng tài sản của TNG ghi nhận gần 4,504 tỷ đồng, tăng 27% so với con số đầu năm. Các khoản phải thu tăng mạnh lên gần 984 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm.

Hàng tồn kho cũng tăng 24%, ghi nhận hơn 1,273 tỷ đồng. Trong đó, nguyên liệu, vật liệu chiếm 37%, thành phẩm chiếm 35%, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm 23%. Được biết, gần 48 tỷ đồng là chi phí dở dang xây dựng tòa nhà TNG Village (bất động sản kinh doanh).

Nợ phải trả tại thời điểm này cũng tăng 38%, ghi nhận gần 3,318 tỷ đồng với dư nợ vay ngắn hạn hơn 1,942 tỷ đồng, tăng 51% và dư nợ vay dài hạn tăng nhẹ, ghi nhận gần 593 tỷ đồng.

Trên thị trường, sau đợt tăng mạnh thiết lập đỉnh tại mức 26,600 đồng/cp (25/01/2021), giá đã điều chỉnh và hiện giao dịch quanh mức 20,600 đồng/cp (đầu phiên chiều 21/07), giảm 18% qua 1 tháng trở lại đây. Thanh khoản cổ phiếu TNG nửa đầu năm 2021 được cải thiện đáng kể so với năm 2020, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 2.5 triệu cp/phiên.

Diễn biến giá cổ phiếu TNG từ đầu năm 2021 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Tiên Tiên

FILI