HSBC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6.1%

HSBC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6.1%

Trước đó, vào đầu tháng 3/2021, HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 ở mức 7%. Sau đó đến đầu tháng 4/2021, HSBC hạ dự báo tăng trưởng xuống 6.6% và mới đây tiếp tục hạ xuống mức 6.1%. Dự báo này phản ánh tác động của đợt bùng dịch gần đây.

Trong báo cáo mang tên "Vietnam at a glance", các chuyên gia của HSBC đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 2/2021 đạt 6.6% là do kết quả cùng kỳ năm trước rất thấp.

Thực tế, các chỉ số kinh tế phản ánh cụ thể những thách thức Việt Nam gặp phải trong bối cảnh diễn ra đợt bùng dịch nặng nề nhất từ trước tới giờ. Tổng ca nhiễm Covid-19 vượt qua mốc 20,000 ca theo thống kê mới nhất, 85% trong đó xuất hiện trong vòng hai tháng gần đây. Số ca mắc mới mỗi ngày vẫn tăng đều. Do đó, HSBC dự báo nền kinh tế sẽ còn chững lại ít nhất tới quý 3/2021.

Ngành dịch vụ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đóng góp của ngành này cho tăng trưởng kinh tế giảm từ 45% trước đại dịch xuống còn khoảng 20% trong quý 2/2021. Các ngành liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận tải và lưu trú, tiếp tục tình trạng ảm đạm. Việt Nam đã nhanh chóng siết chặt biên giới hơn kể từ đợt bùng dịch gần đây, ngành hàng không đã bị ảnh hưởng rõ rệt với số lượng chuyến bay ở sân bay Hà Nội giảm 50% từ quý 1/2021. Đồng thời, ngành dịch vụ ăn uống cũng bị thu hẹp, nguyên nhân chủ yếu là do lệnh cấm bán hàng ăn uống tại chỗ tại các thành phố lớn.

Trong khi đó, nhu cầu trong nước của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu trồi sụt. Mặc dù không có dữ liệu về tiêu dùng cá nhân trong quý, HSBC đưa ra số liều về doanh số của ngành bán lẻ để tham chiếu. Trong khi ngành bán lẻ vẫn tăng trưởng tích cực ở mức 3.4% trong quý 2/2021 so với cùng kỳ năm trước, kết quả này có được là nhờ mức giá cơ sở thấp trong cùng kỳ năm ngoái.

Nếu xét kỹ, tăng trưởng ngành bán lẻ trong quý 2/2021 đạt mức thấp nhất kể từ sau đợt giãn cách toàn xã hội trong quý 2/2020.

Thực tế, kể từ đợt bùng dịch Covid-19 thứ 4, số liệu tháng 5 và 6 cho thấy tăng trưởng bán lẻ giảm liên tiếp hai tháng so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu này phản ánh mức độ ảnh hưởng của đợt bùng dịch này nghiêm trọng hơn nhiều so với hai đợt trước. Nói chung, khả năng đi lại của người dân ở Việt Nam đã giảm mạnh tương đương 30% so với trước đại dịch, mức giảm cao thứ hai so với các nước ASEAN.

Ngoài ra, đợt bùng dịch này khiến điểm yếu của thị trường lao động càng trầm trọng thêm. Theo đánh giá chung, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2.4% trong quý 1/2021 lên 2.6% trong quý 2/2021, với tổng số lượng việc làm giảm 65,000 lao động so với quý trước, hoặc thấp hơn 9% so với trước đại dịch. Khác với các nước phát triển đã áp dụng giải pháp trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho hộ gia đình, những nước đang phát triển như Việt Nam có khả năng phải chờ một thời gian khá dài mới chứng kiến tiêu dùng trong nước tăng rõ rệt cho đến khi thị trường việc làm phục hồi hoàn toàn và bền vững.

Trái ngược với nhu cầu trong nước chịu tác động rõ rệt, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục bền vững đáng ngạc nhiên trong quý 2/2021. Xuất khẩu tăng 33% trong quý 2/2021 so với cùng kỳ năm trước, một phần là nhờ hiệu ứng cơ sở thuận lợi. Đáng lưu ý, Việt Nam vẫn hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao đối với sản phẩm liên quan đến dịch bệnh, bao gồm điện tử và máy móc. Thêm vào đó, ngành sản xuất truyền thống giúp tăng trưởng xuất khẩu ổn định nhờ nhu cầu toàn cầu được cải thiện và lượng tiền lớn người tiêu dùng các nước phương Tây nhận được.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại lớn trong quý 2/2021 tương đương 4.3 tỉ USD. Thâm hụt cán cân thương mại lớn không nhất thiết là dấu hiệu suy giảm vị thế thương mại. Trong khi Việt Nam vươn mình trở thành một đầu mối sản xuất quan trọng của thế giới, hoạt động sản xuất trong nước đương nhiên đòi hỏi một khối lượng nhập khẩu lớn. Khi phần lớn hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian dùng trong sản xuất để xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu ổn định báo hiệu một chu kỳ xuất khẩu mạnh mẽ ổn định.

Mặc dù “bức tranh” xuất nhập khẩu khá tươi sáng, các chỉ số dự báo vẫn chỉ ra những nguy cơ ngắn hạn của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Chỉ số PMI tháng 6 lao dốc xuống 44.1 chạm mức thấp nhất trong vòng một năm, với các chỉ số trọng yếu cùng giảm mạnh. Nói chung, các khu công nghiệp lớn đều bị ảnh hưởng và tác động lên sản xuất sẽ còn tiếp tục gia tăng khi tâm dịch giờ đây chính là thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), trung tâm thương mại của cả nước.

Với diễn biến kinh tế quý 2/2021, các chuyên gia của HSBC vừa điều chỉnh giảm tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống còn 6.1%, phản ánh tác động của đợt bùng dịch mới nhất.

Tuy vậy, HSBC cũng tin rằng triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn tươi sáng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang có những dấu hiệu cải thiện tích cực.

Ví dụ như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ số phản ánh mức độ tin tưởng dài hạn của nhà đầu tư, đã vượt qua những thách thức gần đây. Vốn FDI đăng ký cấp mới tăng 13% trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn FDI giải ngân tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.

Về lạm phát, lạm phát toàn phần tăng 2.4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát quý 2/2021 tăng bình quân 2.7%. Trong khi lạm phát năng lượng bắt đầu có tác động trong quý 2/2021, giá thực phẩm bình ổn đã bù đắp phần nhiều cho mức tăng giá trong vận tải như HSBC kỳ vọng.

Trong bối cảnh thị trường lao động còn yếu, HSBC không kỳ vọng tình trạng này có thể tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo đó, HSBC kỳ vọng lạm phát trung bình năm 2021 đạt mức 2.8%, khá thấp so với mức lạm phát trần 4% do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra, mức trần cho phép NHNN có thể linh hoạt trong vận dụng chính sách tiền tệ thích ứng nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Khang Di

FILI