Góc nhìn 20/07: Đối mặt với downtrend?

Góc nhìn 20/07: Đối mặt với downtrend?

Một số công ty chứng khoán cho rằng VN-Index có thể sẽ rơi vào downtrend nếu xuyên thủng vùng hỗ trợ 1,200 - 1,230 điểm. Nhà đầu tư chưa nên vội bắt đáy, thay vào đó là nên tiếp tục đứng ngoài quan sát.

Tiếp tục giảm điểm?

CTCK Asean (Aseansc): Aseansc nhận định diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng với việc thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm, đã tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch 19/07. Dự báo trong phiên giao dịch 20/07, áp lực giải chấp có thể khiến chỉ số VN-Index giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,230–1,240 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,210–1,220 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Về mặt kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài với giá đóng cửa nằm dưới đường MA100 ngày, và một ‘Gap down’ tại vùng 1,276–1,296 điểm, đây được xem là những tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế. Tuy nhiên, ‘Gap down’ này cũng có thể là một ‘Exhaustion gap’, cho tín hiệu đảo chiều tại vùng đáy. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,230–1,240 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,210–1,220 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1,250–1,260 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,270–1,280 điểm.

Chờ thị trường tìm điểm cân bằng mới

CTCK Đông Á (DAS): DAS đánh giá xu hướng giảm ngắn hạn của thị trường vẫn tiếp tục trong phiên đầu tuần 19/07 khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trước những lo ngại về tình hình dịch bệnh. Tâm lý nhà đầu tư tiêu cực trên đa số các nhóm ngành nên khó có thể tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trong xu hướng giảm hiện nay. Trong hai tuần tới sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021, qua đó nhà đầu tư sẽ có đánh giá rõ hơn về tác động của dịch bệnh lên lợi nhuận doanh nghiệp.

CTCK này khuyến nghị nhà đầu tư có thể lựa chọn giải ngân tích lũy một số cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung hạn, cũng như quan tâm cổ phiếu của các công ty có dự báo kết quả kinh doanh tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021.

Thị trường có nguy cơ vào downtrend dài hạn

CTCK Tân Việt (TVSI): Theo TVSI, dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index đóng cửa phiên 19/07 với cây nến Bearish Enguffling đi kèm gap down cho thấy bên bán đã chiếm ưu thế ngay từ sớm. Nhìn chung, VN-Index đã có phiên giảm sốc đi kèm thanh khoản lớn cho thấy một bộ phận nhà đầu tư cầm nắm cổ phiếu cuối cùng cũng đã bán ra. VN-Index tiếp tục thủng hỗ trợ mạnh MA(20) tuần, xác nhận rằng đà tăng trong trung hạn tạm thời mất đi. Đà giảm điểm của phiên 19/07 đến từ 3 nhóm ngành gồm nhóm ngành dầu khí, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán.

Nhìn chung, VN-Index sắp tiến về vùng hỗ trợ rất mạnh là vùng hội tụ giữa fibo 61.8% tính từ đỉnh 1,420 và vùng đỉnh giao dịch trong suốt 20 năm qua là vùng 1,200–1,230 điểm. Kỳ vọng với ngưỡng hỗ trợ này, VN-Index sẽ có nhịp hồi phục trở lại và lấp gap down quanh mốc 1,280 điểm của ngày 19/07. Nếu mất vùng hỗ trợ trên, VN-Index chính thức bước vào xu hướng dowtrend và nếu mất nốt vùng hỗ trợ quanh MA(20) tại 1,150 điểm thì VN-Index sẽ bước vào dowtrend dài hạn.

Tìm lực cầu ở quanh mốc 1,200 điểm

CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): VCBS đánh giá, nhìn chung, VN-Index đang chịu nhiều áp lực bán, bắt nguồn từ các thông tin tiêu cực từ ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Trước các triển vọng kém khả quan trong ngắn hạn, CTCK này cho rằng chỉ số nhiều khả năng sẽ tìm được lực cầu tiềm năng dồi dào hơn ở vùng hỗ trợ tiếp theo quanh 1,200 điểm.

VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ tỉ trọng tiền mặt lớn, hạn chế giải ngân mạnh hoặc sử dụng margin trong giai đoạn thị trường đang trong xu hướng “Giảm sâu” và “Mò đáy”. Nhà đầu nên tập trung vào các doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt và được toàn thị trường đánh giá cao.

Đà giảm sẽ còn tiếp diễn

CTCK MB (MBS): MBS cho rằng việc phiên giảm điểm 19/07 là phiên giảm thứ 7 trong 11 phiền gần nhất, cùng với việc kể từ đầu tháng 7 cho tới nay thị trường đã có 3 phiên giảm gần 4%, đồng nghĩa với việc phần lớn các cổ phiếu đều giảm gần giá sàn. Điều đó cho thấy quán tính giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại khi áp lực từ thị trường thế giới biến động.

Về kỹ thuật, các ngưỡng hỗ trợ gần như không đủ tin cậy khi áp lực bán với các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa có dấu hiệu lệnh cân đối ứng tương xứng, quá trình tìm vùng hỗ trợ mới có thể còn tiếp diễn trong các phiên ở tuần này. Do vậy nhà đầu tư chưa vội bắt đáy, chiến lược đứng ngoài quan sát cũng có thể được áp dụng.

Vận động trong vùng 1,200-1,280 điểm

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Sau thông tin giãn cách xã hội tại 16 tỉnh miền Nam và Hà Nội, thị trường điều chỉnh mạnh trong cả phiên giao dịch 19/07. Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy yếu khi chỉ có đúng 1/19 nhóm ngành vận động khả quan. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX trong khi mua ròng tại sàn HNX. Thanh khoản thị trường tăng trở lại và độ rộng thị trường tiêu cực phản ánh tâm xu hướng bán mạnh của nhà đầu tư.

Trước các thông tin tiêu cực, với xu hướng như trên, VN-Index có thể vận động trong vùng 1,200 -1,280 điểm trong tuần này (19-23/07).

Giằng co và rung lắc quanh 1,210-1,260 điểm

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): VN-Index giảm mạnh (-4.29%) trong phiên đầu tuần với thanh khoản vượt trên mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là khá mạnh. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang đi trong sóng điều chỉnh a với target theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1,210 điểm nên dư địa giảm là vẫn còn. Tuy nhiên, thường thì sau một phiên giảm mạnh với thanh khoản cao thì thị trường sẽ dần có diễn biến ổn định hơn khi bên mua và bên bán tìm được vùng cân bằng trong ngắn hạn.

Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 20/7, thị trường có thể sẽ biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1,210-1,260 điểm (fibonacci retracement 31.8% - 50% sóng tăng 5). Nhà đầu tư đã nâng tỷ trọng cổ phiếu lên mức trung bình trong phiên 19/07 quanh ngưỡng 1,260 điểm nên tiếp tục quan sát thị trường trong các phiên tới và có thể nâng thêm tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-Index điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 1,210 điểm.

Nâng dần tỷ trọng cho vị thế ngắn hạn tại vùng hỗ trợ

CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index tạo gap giảm điểm ngay từ thời điểm mở cửa và tiếp tục lao dốc mạnh về cuối phiên 19/07. Sau khi đánh mất vùng hỗ trợ gần, việc chỉ số giảm sâu với thanh khoản tăng trở lại cho thấy áp lực của bên bán đang có phần chiếm ưu thế. Mặc dù vậy, sau nhịp giảm sâu, VN-Index sẽ sớm nhận được lực đỡ tại vùng hỗ trợ mạnh quanh 1,220 (+/-10). Bên cạnh đó, kết hợp quan sát một số mã bluechips cũng đang về lại các điểm đỡ đáng chú ý, dòng tiền bắt đáy sẽ sớm gia tăng trong những phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nâng dần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn tại vùng hỗ trợ.

Thượng Ngọc

FILI