Góc nhìn 15/07: Canh mua nếu VN-Index giảm về 1,260 điểm?

Góc nhìn 15/07: Canh mua nếu VN-Index giảm về 1,260 điểm?

Đa phần các công ty chứng khoán (CTCK) nhận định VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm trong những phiên tới (kể từ 15/07). Nhà đầu tư được khuyến nghị nên hạn chế sử dụng margin, tuy nhiên có thể canh mua nếu chỉ số rơi về ngưỡng 1,260 điểm.

 

Tiếp tục dời về khu vực quanh 1,265

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): VN-Index xuất hiện áp lực bán khá mạnh từ giữa phiên sáng nhưng đà giảm đã phần nào được kiềm chế lại trong phiên chiều 14/07 và hiện chỉ số đang ở quanh ngưỡng 1,280. Dòng tiền đầu tư giảm mạnh với chỉ 2/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE và bán ròng trên sàn HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản gia tăng so với phiên trước. Theo đánh giá của BSC, VN-Index có thể tiếp tục dời về khu vực quanh 1,265 trước khi lực cầu bắt đáy quay trở lại.

Tiêu cực trong ngắn hạn

CTCK Mirae Asset: Sắc xanh vẫn chiếm ưu thế khi mở cửa phiên giao dịch, tuy nhiên áp lực bán mạnh xuyên suốt cả phiên giao dịch 14/07 đã khiến cho VN-Index chìm trong sắc đỏ khi kết phiên. VN-Index đóng cửa ở mốc 1,279 điểm tương ứng với mức giảm 1.36%. Một điểm đáng lưu ý đó là khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh phiên 14/07 ghi nhận mức tăng 13% so vơi phiên hôm trước đạt 553 triệu đơn vị. Điểm sáng tích cực của thị tường là diễn biến giao dịch của khối ngoại, khi mua ròng đạt hơn 326 tỷ trong phiên 14/07 ở trên cả hai sàn HOSEHNX. Điều này đã giúp cho khối này ghi nhận giá trị mua ròng hơn 3,800 tỷ ở trong 5 phiên gần nhất. HPGVHM là 2 mã thu hút dòng tiền mua ròng của khối ngoại nhiều nhất trong phiên 14/07 với giá trị lần lượt đạt 157 tỷ và 145 tỷ. Với áp lực bán mạnh trong phiên 14/07 đã khiến cho điểm số đánh giá kỹ thuật của VN-Index vẫn ở mức thấp nhất, giảm 7 điểm với trạng thái đánh giá ngắn hạn là tiêu cực.

Tiếp tục nắm giữ và xem xét mua thăm dò với tỷ trọng rất thấp

CTCK Yuanta: Các chỉ số vẫn tiếp tục giằng co quanh mức giá hiện tại trong phiên giao dịch 15/07 tới với khối lượng giao dịch ở mức thấp. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp cho thấy tâm lý bán tháo không còn diễn ra, đặc biệt chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn giao dịch trong vùng bi quan quá mức và mức định giá P/E TTM của chỉ số VN-Index về mức hấp dẫn cho thấy khả năng xác lập vùng đáy được Yuanta đánh giá cao. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm và rủi ro dịch bệnh vẫn còn cao cho nên kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, tức chỉ số VN-Index có thể giảm về mức hỗ trợ mạnh 1,210 điểm. Như vậy, tỷ lệ Reward/Risk kỳ vọng của Yuanta là hơn 2 lần (với kỳ vọng chỉ số VN-Index hồi phục về lại mức đỉnh cũ là 1,420 điểm) cho thấy vị thế mua hiện tại khá hấp dẫn trong ngắn hạn.

Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ và xem xét mua thăm dò với tỷ trọng rất thấp. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư ngắn hạn không có áp lực đòn bẩy cao thì có thể ngừng bán ở vùng giá hiện tại vì thị trường có khả năng sớm xác lập vùng đáy ngắn hạn.

 

Tiếp tục giảm điểm?

CTCK Asean (Aseansc): Aseansc nhận định nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch 14/07 là do sự suy yếu của nhóm cổ phiếu ngân hàng. CTCK này dự báo trong phiên giao dịch 15/07, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,260–1,270 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,240–1,250 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Về mặt kỹ thuật, đồ thị ngày 14/07 của VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài dạng "High wave" với giá đóng cửa nằm trên đường MA100 ngày, được xem là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên mua đang mạnh lên, và đà giảm bắt đầu chững lại.

Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1,280–1,290 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,300–1,310 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1,260–1,270 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,240–1,250 điểm.

Hạn chế sử dụng margin

CTCK MB (MBS): MBS cho rằng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, áp lực từ lượng hàng T+3 sẽ về tài khoản trong phiên 15/07 cũng khiến nhà đầu tư cắt lỗ khi chỉ số VN-Index có thời điểm xuyên qua mức thấp nhất ở phiên 12/07.

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang ở gần vùng hỗ trợ MA100 và mức đáy phiên 12/07, trong trường hợp vùng hỗ trợ này bị xuyên qua sẽ kích hoạt thêm một nhịp bán mạnh. Do đó, nhà đầu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá.

Sớm hồi phục về quanh vùng 1,330 điểm

CTCK Tân Việt (TVSI): TVSI đánh giá VN-Index trong phiên 14/07 vẫn tiếp tục với cây nến Bearish Engufling và giảm điểm trở lại do tín hiệu suy yếu rõ rệt của nhóm ngành bán lẻ và nhóm ngành ngân hàng. VN-Index tạm thời vẫn giữ được vùng hỗ trợ mạnh quanh 1,270–1,275 điểm dù cho đã có lúc mức giá trị này bị xuyên thủng. Lực chờ mua vùng giá thấp vẫn đang rất mạnh, biểu hiện qua việc 3 cây nến gần nhất đều có tín hiệu rút chân tại vùng giá trị thấp.

Việc nhóm ngành ngân hàng suy yếu mạnh trong phiên 14/07 cho thấy khả năng nhóm ngân hàng bật tăng dẫn dắt thị trường tiếp tục trong giai đoạn tới là rất khó.

Mặt khác, thị trường vẫn kỳ vọng sẽ có những nhịp hồi phục trở lại khi nhiều chỉ báo kỹ thuật đã chạm vùng quá bán. Mốc kháng cự ngắn hiện tại nếu VN-Index có nhịp hồi phục là vùng tích lũy trước đó quanh giá trị 1,330 điểm. Xu thế chính của thị trường cần chờ đến sau đáo hạn phái sinh mới thể hiện chắc chắn.

CTCK này đưa ra dự báo thị trường sẽ tăng điểm về trung hạn và dài hạn. Còn trong ngắn hạn, VN-Index dự báo sẽ sớm có nhịp hồi phục về quanh vùng 1,330 điểm khi các tín hiệu quá bán ngày càng rõ rệt. Hỗ trợ mạnh hiện tại là vùng giá trị 1,270–1,275 điểm.

Sẽ có biến động bất ngờ?

CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): SHS đánh giá VN-Index giảm khá mạnh trong phiên 14/07, dù thanh khoản tăng nhẹ so với phiên 13/07 nhưng vẫn dưới mức trung bình, điều này cho thấy áp lực bán ra là không thực sự mạnh. Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn nghiêng về tiêu cực với việc VN-Index đóng cửa với 5 cây nến đỏ liên tiếp. Trên góc nhìn sóng elliott, VN-Index tiếp tục di chuyển trong sóng điều chỉnh a sau khi đánh mất đường hỗ trợ MA20 ngày vào phiên 06/07 với target theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1,210 điểm.

Phiên giao dịch tiếp theo 15/7 là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 7/2021 nên những diễn biến bất ngờ trong phiên ATC là có thể xảy ra như những lần trước đó, nhà đầu tư cần lưu ý điều này để tránh bị động. CTCK này dự báo trong phiên giao dịch 15/07, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1,260-1,300 điểm (fibonacci retracement 31.8% sóng tăng 5 - ngưỡng tâm lý). Nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy một phần nhỏ tỷ trọng quanh ngưỡng tâm lý 1,300 điểm trong phiên 12/7 nên tiếp tục theo dõi thị trường trong phiên 15/07 và có thể gia tăng tỷ trọng nếu VN-Index có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 1,260 điểm.

Canh mua tại ngưỡng 1,260 điểm

CTCK KB Việt Nam (KBSV): KBSV đánh giá VN-Index trong phiên 14/07 đã xuất hiện sắc xanh đầu phiên trước khi lui về thử thách lại vùng hỗ trợ ngắn hạn. Việc chỉ số giảm điểm nhưng với thanh khoản giảm trong hai phiên gần đây cho thấy áp lực phân phối ở các vùng giá thấp không quá lớn, ngay cả tại các nhịp phá đáy. Vùng hỗ trợ 1,26x vẫn đang là điểm đỡ đáng lưu ý cho chỉ số trong ngắn hạn và tín hiệu phục hồi khi chạm hỗ trợ về cuối phiên đang để ngỏ khả năng bước vào nhịp hồi phục trong những phiên tới.

CTCK này khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục gia tăng vị thế trading khi chỉ số lùi xuống vùng hỗ trợ 1,26x.

Thượng Ngọc

FILI