VAFI đề xuất thanh tra tình trạng cổ phiếu rác, giả doanh thu lợi nhuận

VAFI đề xuất thanh tra tình trạng cổ phiếu rác, giả doanh thu lợi nhuận

Ngày 11/06, Hiệp Hội Các Nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) đã có đề xuất gửi đến Thanh tra Bộ Tài chính về việc cần mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán, trong đó kiến nghị thanh tra tình trạng các cổ phiếu rác, tình trạng doanh thu lợi nhuận giả, vốn điều lệ khống và tình trạng thổi giá chứng khoán thu lợi bất chính.

* VAFI đề xuất thanh tra HOSE: "Cần mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán"

Thanh tra tình trạng cổ phiếu rác

Theo đề xuất của VAFI, cần thanh tra tình trạng các cổ phiếu rác, thực chất là không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HOSE nhưng được lựa chọn vào chỉ số VN30 trong 6 năm từ 2014-2020.

VAFI cho rằng, những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị ngăn cản phát hiện từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ HOSE.

Hầu như tất cả các nhà đầu tư giá trị tránh xa cổ phiếu rác này và chỉ có hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán bị dụ lao vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội bán giấy thu lợi hàng ngàn tỷ đồng.

Có tình trạng giá cổ phiếu rác này thấp hơn nhiều so với mệnh giá cổ phần trong khoảng thời gian dài (dưới 10 ngàn đồng) nhưng chủ doanh nghiệp vẫn tiến hành nhiều đợt bán cổ phiếu mới bằng với mệnh giá cổ phần.

“Những thương vụ này nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường không mua nổi, nhà đầu tư giá trị cũng không mua vậy thì ai mua, ai tài trợ hay là chỉ là vấn đề được tăng vốn điều lệ để bán giấy?”, VAFI đặt vấn đề.

Theo VAFI, hầu như tất cả nhà đầu tư tham gia thị trường đều biết đến các loại cổ phiếu rác này. Tại sao những loại cổ phiếu rác này lại được tôn vinh là 1 trong 30 Hoa hậu đắt giá của thị trường chứng khoán Việt Nam? Ai có lợi trong việc này và ai bị thiệt hại trong việc này và chẳng lẽ không có ai chịu trách nhiệm trong việc này?

Thanh tra tình trạng doanh thu lợi nhuận giả, tạo lập vốn điều lệ khống

Có lẽ từ trước tới nay hầu như chưa có nội dung thanh tra toàn diện này tại doanh nghiệp được tiến hành bởi Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra tài chính, Thanh tra UBCKNN. Các cuộc thanh tra doanh nghiệp chủ yếu ở nội dung chấp hành về nghĩa vụ thuế, về tham nhũng tại doanh nghiệp. VAFI cho rằng đây là một khoảng trống trong việc thi hành pháp luật chứng khoán mà bản thân UBCKNN chưa chủ động đề xuất tiến hành một cuộc thanh tra nào như nội dung trên.

Trong tình hình Covid hiện nay, trước mắt có thể làm thí điểm một nhóm nhiều công ty nhưng thuộc một nhóm cổ đông chủ chốt sở hữu, tiến hành thanh tra đồng bộ, trong đó mấu chốt có công ty chứng khoán để làm rõ những vi phạm. VAFI đề xuất cụ thể hóa 3 nội dung thanh tra như sau :

Thứ nhất, thanh tra loại cổ phiếu rác mà các nhà đầu tư giá trị xa lánh, giá trị cổ phiếu dưới mức mệnh giá trong thời gian dài nhưng vẫn huy dộng được “nhà đầu tư chiến lược’’ để mua cổ phiếu mới phát hành bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường từ 40% - 50%.

Thứ hai, thanh tra việc tạo lập vốn điều lệ khống gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp bán giấy thu tiền về.

Với loại hình doanh nghiệp này, có bán cổ phiếu với giá 1,000 đồng/cp thì họ cũng thu lợi rất nhiều, tuy nhiên không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ tưởng lầm rằng giá đó là rất hấp dẫn.

Những dạng doanh nghiệp này thường đối phó để có báo cáo tài chính có vẻ hợp pháp bằng cách gần đến kỳ báo cáo họ tạo lập báo cáo giả để kiểm toán ghi nhận. Để thanh tra 1 đơn vị thì phải tiến hành kiểm tra sổ sách nhiều đơn vị liên quan.

Thứ ba, thanh tra công ty chứng khoán làm công cụ làm giá chứng khoán cho những ông chủ của mình.

Theo VAFI, cần xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân thích nhưng giao dịch hàng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện.

Không khó xác định khi người có thu nhập bình thường không thể thường xuyên có những giao dịch hàng chục, hàng trăm tỷ… Cần yêu cầu Trung tâm lưu ký cung cấp dữ liệu để xác định những đối tượng đầu tư giả.

Với những công ty chứng khoán không tin cậy thì hầu như không có nhà đầu tư lớn (không có quan hệ với nhóm lừa đảo), nhà đầu tư giá trị mở tài khoản tại đó, từ đó dễ dàng xác định được danh sách các nhà đầu tư giả được công ty chứng khoán sử dụng để thao túng giá chứng khoán.

Tại công ty chứng khoán này cũng xác định danh sách “nhà đầu tư nước ngoài’’ đang mở tại đó xác định xem giả hay thật, điều này không khó. Nhà đầu tư nước ngoài giả thường là lao động Việt ở nước ngoài và được lợi dụng.     

Theo VAFI, cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện như trên để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết, chỉ có cách làm sâu sắc như trên thì thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng.

PC

FILI