SHS ước lợi nhuận 6 tháng đạt 600 tỷ đồng 

SHS ước lợi nhuận 6 tháng đạt 600 tỷ đồng 

CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) ước đạt 600 tỷ đồng lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm 2021. Ban lãnh đạo dự báo nếu thị trường không có diễn biến xấu thì đến cuối năm, Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra, không bao gồm việc tăng giá cổ phiếu SHB.

SHS vừa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 vào ngày 16/06 với tất cả tờ trình đều được thông qua.

Ước lãi 600 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 

Năm 2021, SHS đặt kế hoạch doanh thu 1,887 tỷ đồng và lãi trước thuế 751 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và xấp xỉ kết quả 2020.

Chia sẻ tại Đại hội, Ban điều hành cho biết ước tính đạt 600 tỷ đồng lãi trước thuế sau 6 tháng, tức khoảng 80% kế hoạch cả năm. Trong kế hoạch 2021, SHS xác định đầu tư vào cổ phiếu SHB là dài hạn. Toàn bộ danh mục này được chuyển sang AFS (tài sản tài chính sẵn sàng để bán) và việc tăng giá cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội HNX:SHB) sẽ không phản ánh vào báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh 2021.

Năm 2020, Công ty đạt 938 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó phần tăng của SHB là 250 tỷ đồng. Như vậy, con số thực tế của các mảng khác là 680 tỷ đồng. Năm 2021, kế hoạch đề ra là 751 tỷ đồng, nếu cộng thêm tăng giá của SHB (hơn 400 tỷ đồng) thì con số này đạt tới 1,100 tỷ đồng.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT chia sẻ 30 triệu cp SHB của SHS không lớn với cả 2 đơn vị nhưng lại mang về nguồn lợi nhuận lớn, là cơ hội đầu tư và lợi thế do nắm bắt đúng thời thời điểm, giá vốn thấp. Công ty sẽ tùy theo diễn biến thị trường, chủ động quyết định thực hiện hóa khoản đầu tư này khi cơ hội đến.

Về vấn đề phí, lãi vay, Ban lãnh đạo SHS chỉ ra một số công ty chứng khoán hiện giảm mức phí về rất thấp, chia lại hoa hồng cho môi giới, thậm chí thua lỗ. Quan điểm của SHS nếu hoạt động như vậy để đảm bảo thị phần sẽ không có lợi cho cổ đông. Công ty xác định phát triển môi giới và cho vay margin những vẫn phải đảm bảo quyền lợi cổ đông.

Dư nợ margin của SHS trong 3 tháng đầu năm 2021 dao động ở mức 2,600 tỷ đồng, so với nhiều đơn vị cùng ngành thì SHS có nhiều dư địa nên nhiều cổ đông cho rằng Công ty không trọng tâm vào mảng này. Tăng trưởng cho vay margin của SHS trong tháng 4 và 5 cải thiện hơn, tỷ lệ tăng trưởng khoảng 30-40%. 

Phương án phát hành cổ phiếu

SHS dự kiến phát hành 10.36 triệu cp thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 5%, tương đương cổ đông sở hữu 100 cp được nhận 5 cp mới. Tổng giá trị theo mệnh giá gần 104 tỷ đồng, được sử dụng cho mục đích bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh của Công ty. Các cổ phiếu mới không bị hạn chế chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, cổ đông cũng đã thông qua phương án phát hành hơn 103.6 triệu cp để chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 2 cp được quyền mua 1 cp mới). Giá chào bán dự kiến là 13,500 đồng/cp. Về phương án sử dụng số vốn thu được từ đợt chào bán này, SHS sẽ chi 40% bổ sung vốn hoạt động cho vay ký quỹ margin và 40% cho hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu, giấy tờ có giá trên thị trường. Với 20% còn lại, Công ty lên kế hoạch cho hoạt động đầu tư cổ phiếu.

Về ESOP, SHS sẽ phát hành 4 triệu cp, tương đương 1.93% số cố phần đang lưu hành. Giá phát hành theo kế hoạch là 12,000 đồng/cp. Số cổ phiếu ESOP này bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Hiện tại, vốn điều lệ của SHS đạt gần 2,073 tỷ đồng. Nếu cả 3 đợt phát hành đều thành công, vốn điều lệ của Công ty dự kiến tăng lên hơn 3,250 tỷ đồng.

Duy Na

FILI