Ngành dược gặp khó, Vinapharm đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 “đi lùi”

Ngành dược gặp khó, Vinapharm đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 “đi lùi”

Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm, UPCoM: DVN) cho biết năm 2021 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thử thách đối với các doanh nghiệp ngành dược Việt Nam. Cùng với những khó khăn nội tại do các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (80-90%), đại dịch Covid-19 càng làm cho nguồn cung nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, tăng giá và không ổn định.

Kế hoạch kinh doanh đi lùi năm 2021

Theo nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2021, Vinapharm đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 5,420 tỷ đồng, tương đương so với thực hiện năm 2020; lãi trước thuế giảm 36%về mức 153 tỷ đồng.

Giải thích cho việc đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi trên, Công ty cho biết, năm 2021, Vinapharm nói riêng và ngành dược trong nước nói chung sẽ gặp khó khăn do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao và không ổn định. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các Công ty thành viên cũng bị ảnh hưởng do phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu, việc đăng ký mới, gia hạn và duy trì số đăng ký vẫn là vấn đề đáng lo ngại và thậm chí có thể dẫn đến việc đình trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp.

Cho biết thêm về kế hoạch kinh doanh quý 2/2021, Công ty mẹ Vinapharm dự kiến đạt 54 tỷ đồng doanh thu, gấp 6 lần so với thực hiện cùng kỳ năm trước và lãi trước thuế giảm nhẹ còn 50 tỷ đồng (trong đó cổ tức được nhận trong quý 2/2021 là 38.6 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết quả này còn tùy thuộc vào chỉ tiêu “dự phòng các khoản đầu tư” do biến động giá cổ phiếu của đơn vị thành viên của Công ty tại thời điểm 30/06.

Quá trình thoái vốn vẫn đang tìm hồi kết

Trong đại hội thường niên năm 2021, cổ đông của Vinapharm rất nóng lòng muốn biết về tiến độ thoái vốn Nhà nước của Công ty. Vinapharm cho biết, văn phòng Bộ Y tế đã thực hiện ký hợp đồng với đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm cổ phần và đơn vị tư vấn phương án thoái vốn tại Công ty. Thời điểm tiến hành thoái vốn nhà nước sẽ được công bố công khai cho các cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường sau khi các thủ tục, hồ sơ đăng ký với cơ quan Nhà nước được hoàn tất.

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg về việc thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020 được ban hành năm 2017, Vinapharm là doanh nghiệp thuộc danh mục mà Bộ Y tế phải giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 0%. Tuy nhiên, đến nay thì Bộ vẫn đang nắm 65% cổ phần tại doanh nghiệp này.

Nhập khẩu vắc xin Covid không mang lại lợi nhuận

Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố danh sách 36 đơn vị được nhập khẩu vắc xin, trong đó Vinapharm đã có 2 công ty con và 1 công ty liên kết nằm trong danh sách được Bộ y tế phê duyệt.

Bên cạnh đó, điểm sáng trong việc tiếp cận vắc xin là việc Vinapharm hiện đang sở hữu 30% vốn của Công ty Dược Phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam và 15% vốn điều lệ của CTCP Sanofi Việt Nam. Do vậy Công ty cho biết, khi Sanofi phát triển thành công vắc xin phòng ngừa Covid-19 và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt thì Tổng Công ty và 2 công ty con sẽ là một trong những tiếp cận sau khi Sanofi phát triển thành công vắc xin phòng ngừa Covid 19 (Tập đoàn Sanofi - một trong những tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới).

Nói về hiệu quả kinh tế từ việc phân phối vắc xin, Vinapharm cho biết hiện tại nhiều đơn vị sản xuất vắc xin như Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson... phần lớn cam kết chỉ bán cho Chính phủ. Do lượng cung đang còn hạn chế, việc nhập khẩu vắc xin Covid-19 phải cần thời gian. Do vậy, hầu hết trong giai đoạn vắc xin đang còn khan hiếm như hiện nay, nguồn tiếp cận chủ yếu vẫn do Chính phủ, các doanh nghiệp chưa có cơ hội tiếp cận được các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới. Hoạt động nhập khẩu vắc xin của các công ty dược phẩm chủ yếu với mục đích đa dạng nguồn tiếp cận vắc xin và không mang lại lợi nhuận cho nhóm doanh nghiệp.

Việt Phương

FILI