Dầu vượt mốc 72 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2019

Dầu vượt mốc 72 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2019

Giá dầu nới rộng đà tăng vào ngày thứ Sáu (04/6), vượt mốc 72 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2019, khi cam kết nguồn cung của OPEC+ và sự phục hồi nhu cầu lấn át lo ngại về việc triển khai vắc-xin Covid-19 không đồng đều trên toàn cầu.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh vào ngày 01/6 cho biết sẽ tuân thủ những yêu cầu hạn chế nguồn cung đã thống nhất. Một báo cáo nguồn cung định kỳ vào ngày 03/6 cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tuần trước.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 0.8% lên 71.89 USD/thùng. Hợp đồng này đã đạt mức cao nhất trong phiên 72.17 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2019. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.18% lên 69.62 USD/thùng và trước đó đã chạm mức 69.76 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018.

“Sau nhiều lần điều chỉnh, dầu Brent dường như đã tìm thấy ngôi nhà mới trên 70 USD”, Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM, chia sẻ. “Mùa hè và việc tái mở cửa kinh tế toàn cầu đã tác động tích cực đến nhu cầu dầu trong nửa cuối năm nay”.

Dầu Brent ghi nhận mức tăng 3.2% trong tuần qua, còn dầu WTI vọt 5%. Đây là tuần tăng thứ 2 liên tiếp của 2 hợp đồng này.

Cũng góp phần thúc đẩy giá dầu trong tuần này là sự chậm chạp trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran, điều này đã làm giảm kỳ vọng về sự gia tăng nguồn cung dầu thô của Iran.

Dầu đã nới rộng đà tăng sau khi báo cáo việc làm tại Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm được 559,000 việc làm trong tháng trước. Đồng USD suy yếu sau báo cáo này, qua đó làm dầu trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác và cung cấp hỗ trợ cho giá dầu.

Trong khi nhu cầu khởi sắc và tốc độ tiêm vắc-xin nhanh chóng ở nhiều quốc gia như Mỹ đã thúc đẩy giá dầu, sự chậm chạp trong việc triển khai tiêm vắc-xin và số ca nhiễm Covid-19 cao ở các nước như Ấn Độ và Brazil đang ảnh hưởng đến nhu cầu ở các thị trường dầu tăng trưởng cao.

An Trần (Theo CNBC)

FILI