CPI Mỹ tăng 5% trong tháng 5, mạnh nhất kể từ năm 2008

CPI Mỹ tăng 5% trong tháng 5, mạnh nhất kể từ năm 2008

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng nhanh nhất trong gần 13 năm khi áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng trong nền kinh tế, Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày 10/06.

Trong tháng 5/2021, chỉ số giá CPI – vốn theo dõi một rổ hàng hóa bao gồm cả thực phẩm, năng lượng, hàng tạp hóa, chi phí nhà ở và nhiều hàng hóa khác – tăng 5% so với cùng kỳ, cao hơn dự báo tăng 4.7% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Đây là mức tăng CPI mạnh nhất kể từ tháng 8/2008, ngay trước khi cuộc khủng khoảng tài chính năm 2008 đẩy kinh tế Mỹ rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng đà tăng của CPI còn đến từ việc so với nền thấp của năm 2020 - thời điểm dịch bệnh đang hoành hành tại Mỹ.

Trong khi đó, chỉ số CPI lõi - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - tăng 3.8% so với cùng kỳ, cao hơn dự báo 3.5% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Một báo cáo khác trong ngày 10/06 cho thấy số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 05/06 ở mức 376,000 đơn, cao hơn ước tính là 370,000. Tuy nhiên, đây là con số thấp nhất trong thời dịch bệnh Covid-19.

So với tháng trước, CPI tổng tăng 0.8%, trong khi CPI lõi tăng 0.7%. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế dự báo CPI tổng và CPI lõi đều tăng 0.5%.

Áp lực giá tiếp tục leo thang trong khắp nền kinh tế khi các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu cung nguyên vật liệu, lao động và chưa thể bắt kịp với nhu cầu mạnh hiện tại. Tình trạng tắc nghẽn vận chuyển, chi phí đầu vào cao hơn và lương lao động cao hơn đang là thách thức đối với những doanh nghiệp đang muốn bảo vệ biên lợi nhuận.

Việc người tiêu dùng chi mạnh cho hàng hóa - một phần là do các gói kích thích của chính phủ - đã dẫn tới tình trạng tồn đọng đơn hàng và hàng tồn kho thấp. Ngoài ra, việc gỡ bỏ biện pháp kiểm soát dịch, đẩy mạnh tiêm vắc-xin và hàng loạt hoạt động xã hội khác đang thúc đẩy nhu cầu dịch vụ - cũng là một yếu tố có thể thúc đẩy lạm phát.

Mặc dù lạm phát đang tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, nhưng Fed dường như vẫn chưa quá lo ngại. Các quan chức Fed tin rằng đà tăng hiện tại chỉ xuất phát từ những yếu tố tạm thời và sẽ dần dần giảm bớt sau đó.

Kết quả là nhiều thành phần tham gia thị trường dự báo Fed sẽ không hành động tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Thị trường dường như cũng không quá lo ngại về con số lạm phát vừa công bố, trong đó các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đều đang tăng điểm.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI