Cơ hội nào cho vàng hồi về mốc 2,000 USD/oz?

Cơ hội nào cho vàng hồi về mốc 2,000 USD/oz?

Dù nỗi lo về lạm phát đang gia tăng, nhưng trong ngắn hạn đa phần các chuyên gia vẫn cho rằng giá vàng vẫn đang trên đà đi lên.

Năm qua, với ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tâm lý xem vàng là kênh trú ẩn an toàn đã đẩy vàng vượt mốc 2,000 USD/oz. Tuy nhiên sau đó, những tín hiệu tích cực về vaccine cùng nhiều yếu tố khác đã khiến giới đầu tư quay lưng với vàng, đẩy giá vàng trượt dốc về dưới 1,800 USD/oz. Tuy giá vàng đang lấy lại đà tăng, nhưng vẫn chưa có xu hướng nào được cho là chắc chắn khi các nỗi lo về lạm phát đang dần gia tăng.

Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm trở lại đây
Nguồn: Tradingview

Kỳ vọng chương trình vaccine Covid-19 hiệu quả và các kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ sẽ giúp nền kinh tế của quốc gia này tăng trưởng mạnh, đang thúc đẩy nhiều người dồn vốn vào cổ phiếu giúp thị trường chứng khoán Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đồng loạt đi lên. Do đó, dòng tiền chảy vào thị trường vàng có phần bị chi phối, cản trở xu hướng đi lên của giá vàng.

Đến tháng 05/2021, giá vàng đã xóa sạch đà giảm của năm 2021, khi đồng USD và lợi suất suy yếu thúc đẩy nhu cầu ở kim loại quý. Sự bất ổn xoay quanh đà hồi phục của kinh tế toàn cầu cũng làm gia tăng nhu cầu vàng. Giá vàng thế giới vượt lên 1,900 USD/oz (26/05), tức tăng khoảng 13% chỉ sau 2 tháng khi các nhà đầu tư tìm kiếm vàng như một kênh trú ẩn trong bối cảnh lạm phát leo thang. Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR đã thực hiện mua liên tục trong tháng 5 thay vì liên tục bán ra vào tháng 3 và 4. Lượng vàng mua ròng trong tháng 5 của quỹ này hơn 24.4 tấn vàng so với cuối tháng 4, lên 1,046.12 tấn.

Sau nhiều phiên lình xình tăng giảm, giá vàng thế giới quay trở lại đà tăng sau khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng nhiều hơn dự báo vào tháng trước, phiên 15/06 xoay quanh mức 1,864 USD/oz. Báo cáo mới nhất cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 5 với mức 0.6%, cao hơn so với mức dự tính 0.5%. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ mùa hè năm 2008, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi từ cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, việc chọn vàng làm kênh đầu tư trước những lo ngại lạm phát gia tăng là điều nên làm. Khi lạm phát tăng, chính sách tiền tệ cũng sẽ có sự thay đổi, dòng tiền trên thị trường đang rút dần sang các tài sản khác, chẳng hạn như chứng khoán, bất động sản tăng chậm hơn trước.

Vàng có thể hồi về mốc 2,000 USD/oz?

Ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của CTCK MBS cho biết, về lý thuyết nếu nền kinh tế phục hồi và rủi ro qua đi, trong những chu kỳ kinh tế trước đây, bao giờ giá vàng cũng có xu hướng giảm. Thời điểm năm 2008, giá vàng sau khi lên trên 2,000 USD/oz, sau đó nền kinh tế phục hồi dần vào năm 2009-2010 giá vàng cứ giảm dần và khi nền kinh tế hoàn toàn phục hồi, nó sụt giảm 1 cú rất mạnh.

Đáng lẽ ra trong bối cảnh dịch bệnh được kềm chế dần như hiện nay thì giá vàng phải giảm (thực ra đã có một nhịp điều chỉnh giảm từ trên 2,100 xuống mức 1,800 USD/oz). Tuy nhiên, các gói kích thích tiền tệ khiến cho lượng tiền trong các quỹ đầu cơ quá dồi dào, thậm chí các nhà đầu tư cá nhân cũng có rất nhiều tiền trong tài khoản, đặc biệt người dân ở các quốc gia phát triển, họ còn được phát tiền, trong khi dịch bệnh không tiêu được, cho nên họ đổ tiền vào các thị trường đầu cơ này.

Chính vì lượng tiền quá dồi dào nên giá vàng hiện nay lại đi ngược so với quy luật đáng lẽ phải xảy ra là giá vàng giảm với việc nền kinh tế phục hồi dần.

Dòng tiền đầu cơ đang rất khác, sau khi nhà đầu tư chốt lời Bitcoin thì họ lại đổ tiền vào vàng. Đây là câu chuyện của dòng tiền và mang yếu tố đầu cơ rất cao. Vậy giá vàng có khả năng lên lại 2,000 USD/oz”, ông Tuấn nói thêm.

Sau khi Bitcoin sụp đổ thì các quỹ đầu tư lại nhìn nhận cơ hội đầu cơ vào vàng khi có 2 yếu tố. Một là dòng tiền lỏng lẻo đang còn rất nhiều, họ bí cơ hội đầu tư để giải ngân. Thứ hai là áp lực lạm phát đã tăng một phần, không phải tăng quá mạnh. Tuy nhiên khi lạm phát tăng như vậy thì nhu cầu về vàng sẽ gia tăng cả tâm lý, lý thuyết, lẫn thực tiễn. Các yếu tố đó sẽ khiến các quỹ đầu tư mạnh tay giải ngân vào vàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cùng quan điểm khi nhận định giá vàng trên thế giới đang trong xu hướng tăng. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh đang trở nên nghiêm trọng. Trong tình hình này, đây là khủng hoảng của thế giới, và trong khủng hoảng bao giờ giá vàng cũng được đẩy lên.

Thứ hai, lạm phát trên thế giới đang tăng, với lượng tiền mà Chính phủ các nước đang đổ vào nền kinh tế để hỗ trợ nền kinh tế, đẩy lạm phát lên. Với xu hướng như thế, lạm phát trên thế giới tăng, giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước cũng trong xu hướng tăng.

Nhưng có thể giá vàng trong nước tăng chậm hơn thế giới, do không có sự liên thông giữa thị trường vàng thế giới và Việt Nam. Nhưng ông Hiếu vẫn dự báo thị trường vàng trong thời gian tới sẽ tăng. Tuy nhiên, không phải luôn luôn tiếp tục tăng, có thời điểm có thể rơi xuống vì đây là thị trường biến động khôn lường trong thời gian qua. Xu hướng chung sẽ tăng cho đến cuối năm.

Ông Phan Dũng Khánh bổ sung thêm, thật ra giá vàng đang tăng lại, do dòng tiền lớn đang di chuyển từ kênh đầu tư mạo hiểm (chứng khoán, bất động sản, ngoại hối…) sang an toàn (vàng). Chỉ trong khoảng 1 tuần mà lượng tiền từ cổ phiếu, bất động sản… được rút mạnh về dưới dạng tiền mặt, “theo tôi, trong năm nay giá vàng có khả năng quay về mốc 2,000 USD/oz”.

Cát Lam

FILI