Ai phải chịu trách nhiệm khi nhà đầu tư “nhắm mắt đua lệnh” trên HOSE?

Ai phải chịu trách nhiệm khi nhà đầu tư “nhắm mắt đua lệnh” trên HOSE?

Từ cuối tháng 12/2020, khi thanh khoản thị trường tăng mạnh, tình trạng nghẽn lệnh bắt đầu diễn ra tại sàn giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Gần đây, khi thanh khoản tiếp tục tăng mạnh, tình trạng bất thường liên tục xảy ra trên sàn HOSE.

"Bịt mắt" đặt lệnh nhà đầu tư dễ gặp rủi ro khi đặt lệnh. Đồ họa: Tuấn Trần

Sàn đơ, nhà đầu tư “nhắm mắt đua lệnh”

Trong phiên sáng đầu tháng 6, chỉ số VN-Index thường xuyên rơi vào tình trạng “đơ”, đứng yên trong thời gian dài. Theo phản ánh của các môi giới chứng khoán, sàn HOSE thường trả lệnh chậm trong các phiên gần đây. Phiên 01/06, khi thanh khoản quá cao trong phiên sáng, HOSE đã phải ngưng giao dịch phiên chiều để đảm bảo an toàn cho hệ thống cho thấy tình trạng hệ thống của sàn HOSE tiếp tục nóng. Tới phiên 02/06, VN-Index đứng yên từ sau 10h20 cho tới cuối phiên sáng.

Trong điều kiện trả lệnh trễ, kết quả giao dịch trên bảng giá hiển thị sai lệch, nhưng nhà đầu tư vẫn không ngừng giao dịch. Thể hiện thanh khoản luôn ở mức cao trong các phiên sàn HOSE phát sinh sự cố hoặc bất thường gần đây. Chẳng hạn phiên 02/06, giá trị giao dịch sàn HOSE vẫn đạt tới hơn 26 ngàn tỷ đồng.

Từ khi tình trạng nghẽn lệnh phát sinh, HOSE đã ban hành nhiều giải pháp như nâng lô cổ phiếu tối thiểu lên 100, chuyển cổ phiếu niêm yết từ sàn HOSE sang HNX.

Song, những giải pháp này vẫn không giải quyết dứt điểm được tình trạng nghẽn lệnh. Theo HOSE, nâng lô đã giúp thanh khoản tăng được 15 - 18% như dự kiến. Nhưng khi nhà đầu tư tiếp tục giao dịch sôi động, sàn lại nghẽn lệnh. Giải pháp chuyển sàn chưa được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng (tới cuối tháng 5, có 14 doanh nghiệp chuyển về sàn HNX trong khi sàn HOSE có trên 300 cổ phiếu niêm yết) và các cổ phiếu này cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong dòng tiền chảy vào sàn HOSE. Mặt khác, dù dòng tiền đã phần nào chú ý tới sàn HNX hơn, tuy nhiên sàn HOSE vẫn là tâm điểm chính.

Gần đây, trước tình hình quá nóng, giải pháp ngừng cho sửa/hủy lệnh để giảm bớt số lệnh vào sàn đã được áp dụng ở nhiều công ty chứng khoán lớn. Ngay lập tức, việc ngừng hủy sửa lệnh giúp thị trường chứng khoán Việt lập kỷ lục mới về chỉ số và thanh khoản bất chấp chỉ số VN-Index vẫn “co giật”.

Tình trạng còn tệ hơn cho phiên giao dịch 07/06, chỉ số VN-Index sau khi cho kết quả tăng điểm sau phiên ATO thì gần như “treo” suốt cả phiên sáng, trong khi đó, nhóm chỉ số VN30 đã lao dốc thẳng đứng. Lúc này, giải pháp ngừng hủy, sửa lệnh một lần nữa bộc lộ tử huyệt. Tâm lý lo sợ khiến nhà đầu tư phải bán ra nhưng trong trạng thái “nhắm mắt đẩy lệnh” cho những cổ phiếu trên sàn HOSE.

Thời gian tới, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục “nóng”, nhất là khi lượng tài khoản mở mới trong tháng 5 tiếp tục đạt kỷ lục mới, hơn 114 ngàn tài khoản, nâng tổng số mở mới 5 tháng đầu năm là hơn 482,700. Con số này phần nào cho thấy lượng tiền dồi dào đang nhằm vào thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư đang chú ý tới chứng khoán nhưng nếu không xây dựng được niềm tin đối với nhà đầu tư, họ sẽ chỉ bỏ tiền vào khi lúc chứng khoán đang dễ kiếm lời rồi rút ra khi đã đầy túi. Để giữ chân họ, trước tiên cần cung cấp cho nhà đầu tư một hạ tầng ổn định, đây là bước bảo vệ an toàn đầu tiên.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Luật Chứng khoán hiện hành, nghĩa vụ của Sở Giao dịch là bảo đảm hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán được tiến hành công khai, công bằng, trật tự, an toàn và hiệu quả. Giao dịch chứng khoán là một loại dịch vụ và được xác định là thiết yếu. Chất lượng dịch vụ là quan trọng nhất, thế nhưng những khách hàng ở thị trường Việt Nam lại không được tiếp cận hàng hóa tốt.

Tại thời điểm hiện tại, tình trạng nghẽn lệnh cộng với diễn biến bất thường trên sàn khiến giới đầu tư phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của Sở. Nghẽn lệnh kéo dài hơn nửa năm, nhà đầu tư phải “sống chung với lũ” nhưng chưa nhận được lời xin lỗi chính thức nào, không khó để hiểu được tâm trạng của các nhà đầu tư lúc này.

Song song đó, nhiều nhà đầu tư cũng đề xuất đóng cửa giao dịch tới khi sửa xong, thậm chí còn phẫn nộ đề nghị lãnh đạo HOSE từ chức.

Một nhà đầu tư còn bức xúc: "Tôi ủng hộ ý kiến đề nghị Lãnh đạo sàn chức khoán HOSE phải từ chức. Vì sao để một sàn chứng khoán đại diện cho một quốc gia mà chập chờn như hiện nay, mà chuyện này đâu phải mới xảy ra, cả hơn nửa năm rồi. Nhà đầu tư giao dịch trong sợ hãi".

Giải pháp xử lý hệ thống khả dĩ nhất hiện tại là FPT tham gia xử lý nghẽn lệnh của sàn HOSE cùng với đội ngũ nhân lực của HOSE từ ngày 15/03 và dự kiến trong vòng ba tháng sẽ xong. Ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HOSE cho biết cuối tháng 6 hoặc chậm nhất đầu tháng 7 sẽ nhận bàn giao hệ thống do FPT xây dựng và sớm đưa vào vận hành. Liệu có thể để sàn chứng khoán nghỉ giao dịch từ nay tới cuối tháng 6 hay đầu tháng 7?

Hồi tháng 3/2021, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác nhằm xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán. Bộ khẳng định Ban Chỉ đạo xử lý sự cố hệ thống giao dịch của HOSE do Lãnh đạo Bộ Tài chính làm Trưởng ban, Lãnh đạo UBCKNN làm Phó ban, cùng các đơn vị liên quan đang tích cực lựa chọn giải pháp xử lý tình trạng nghẽn lệnh. Tuy vậy, tình trạng nghẽn lệnh vẫn chưa thể được dứt điểm.

Lãnh đạo từ chức, nhận lỗi… nếu có sẽ tạm thời xoa dịu nhà đầu tư, tuy nhiên, cái họ cần nhất lúc này là được đảm bảo giao dịch thông suốt, an toàn hay chí ít là một lộ trình giải quyết nghẽn lệnh công khai, rõ ràng để yên tâm giao dịch. Nếu không, làn sóng phẫn nộ của nhà đầu tư sẽ còn cuồn cuộn trên sàn chứng khoán.

Yến Chi

FILI