YTC: Kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về công nợ, giá cổ phiếu rơi sàn

YTC: Kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về công nợ, giá cổ phiếu rơi sàn

Ngay khi CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (UPCoM: YTC) công bố BCTC năm 2020 có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về công nợ và nhấn mạnh nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Công ty, giá cổ phiếu lập tức giảm sàn, từ 89,400 đồng/cp rơi xuống còn 76,000 đồng/cp, tương đương giảm 13,400 đồng.

Kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ về công nợ

Theo ý kiến kiểm toán ngoại trừ, năm 2020, YTC có sự thay đổi trong Ban điều hành và các thành viên quản lý chủ chốt. Do quy trình theo dõi, quản lý công nợ chưa chặt chẽ và hạn chế về thời gian nên Ban điều hành chưa thể kiểm tra, đối chiếu để làm rõ một số khoản công nợ có giá trị theo sổ sách, bao gồm khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, phải thu ngắn hạn khác, người mua trả tiền trước ngắn hạn, phải trả ngắn hạn khác.

Với các tài liệu và thông tin hiện có của Công ty, kiểm toán cũng không thể kiểm tra được các khoản công nợ trên bằng các thủ tục kiểm toán khác.

Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Bên cạnh đó, kiểm toán còn nhấn mạnh việc YTC lỗ hơn 12 tỷ đồng trong năm 2020 và lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2020 hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, tại ngày này, các khoản nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn (42 tỷ đồng). Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Một vấn đề nữa mà kiểm toán nhấn mạnh là Thanh tra TPHCM đang đề nghị YTC nộp thuế nhà thầu cho các hợp động nhập khẩu ủy thác có bao gồm dịch vụ lắp đặt. Công ty đang phối hợp với đơn vị nhập khẩu kiểm tra lại các hợp đồng này. Trường hợp phải nộp thuế nhà thầu, Công ty sẽ yêu cầu đơn vị nhập khẩu hoàn lại tiền thuế nhà thầu phải nộp.

YTC giải trình về khoản mục điều chỉnh hồi tố

Trước các ý kiến của kiểm toán, YTC đưa ra giải trình các khoản mục điều chỉnh hồi tố. Cụ thể, trong năm 2020, Công ty đã có sự thay đổi trong Ban điều hành và các thành viên quản lý chủ chốt, đồng thời được sự đồng ý của ĐHĐCĐ, Công ty đã thay đổi đơn vị kiểm toán BCTC năm 2020. Trong quá trình bàn giao và rà soát lại dữ liệu sổ sách, Công  ty nhận thấy có những sai sót trong BCTC tổng hợp cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019.

Do đó, Ban Tổng Giám đốc đã quyết định điều chỉnh hồi tố các số liệu năm 2019 liên quan đến trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, doanh thu, giá vốn, chi phí thuê đất, chi phí lương thưởng cho nhân viên, trình bày lại một số chỉ tiêu cho phù hợp.

Sau khi điều chỉnh hồi tố, YTC chuyển từ lãi ròng hơn 15 tỷ đồng sang lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng trong năm 2019.

YTC giải trình về ý kiến ngoại trừ công nợ của kiểm toán

Đối với ý kiến ngoại trừ công nợ của kiểm toán, YTC lý giải tại thời điểm thay đổi, Ban điều hành và đội ngũ kế toán mới đã nhận bàn giao lại số liệu kèm hồ sơ sổ sách chứng từ. Tuy nhiên, Ban điều hành mới nhận thấy thực trạng các quy trình theo dõi và quản lý công nợ lỏng lẻo và phải có thời gian để kiểm toán hồ sơ sổ sách đối chiếu với các đối tác cho từng đối tượng công nợ nhằm làm rõ số liệu của từng đối tượng.

Tại BCTC kiểm toán năm 2020 (sau khi điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2019), mặc dù doanh thu thuần của YTC đạt hơn 566 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019, nhưng do giá vốn tăng đến 32% nên Công ty tiếp tục lỗ ròng hơn 12 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu YTC từ đầu năm 2020 đến phiên 21/05/2021

Kể từ ngày 29/12/2020, cổ phiếu YTC hoàn toàn không có thanh khoản nên giá nằm im tại mức 89,400 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay khi công bố BCTC năm 2020 với các ý kiến của kiểm toán, giá cổ phiếu YTC lập tức giảm sàn trong phiên 21/05/2021, rơi thẳng 15% so với phiên trước, với khối lượng khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 200 cp. 

Khang Di

FILI