VNM - Vì sao giảm?

VNM - Vì sao giảm?

“Do có nhiều người bán” - hẳn đó là lời giải thích phù hợp dù không đủ làm hài lòng những ai đi tìm nguyên nhân giảm giá cổ phiếu của đại gia ngành sữa.

Cổ phiếu Vinamilk (HOSE: VNM) tiếp tục đổ đèo, lần lượt các ngưỡng hỗ trợ bị xuyên thủng trong khi thị trường chung vẫn tích cực. Chốt phiên 07/05, giá cổ phiếu VNM dừng tại mức 87,000 đồng/cp, giảm hơn 20% trong 57 phiên giao dịch vừa qua. Nếu tính tại mức đỉnh gần đây nhất vào giữa tháng 1/2021, vốn hóa của VNM đã mất hơn 53,000 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ đô la Mỹ. Một con số quá sốc cho doanh nghiệp được mệnh danh là “anh cả” trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vậy, đâu là nguồn cơn sâu xa khiến cổ phiếu VNM đi ngược xu hướng chung của thị trường?

* VNM - Giá nào là hợp lý?

* PHS: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM

Có thể có nhiều lời giải thích cho thành tích đi ngược thị trường của VNM. Trước tiên, nhìn qua hoạt động kinh doanh của VNM, đà tăng trưởng không như kỳ vọng làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu.

VNM từng có giai đoạn tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, từ mức 56 tỷ đồng năm 2003 tăng gấp hơn 100 lần lên 9,300 tỷ đồng năm 2016. Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, tốc độ tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận của VNM có dấu hiệu chậm lại và không đạt được kỳ vọng của giới đầu tư.

Khóa học Online

PHÂN TÍCH VÀ ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU

 💡 Khai giảng: 26/05/2021

💡 Ưu đãi lên đến: 50%++          

Hotline: 0908 16 98 98

>> Tìm hiểu ngay

Trong 4 quý vừa qua, cả doanh thu và lợi nhuận gộp bắt đầu đi xuống. Biên lãi gộp bị co hẹp từ quý 2/2020 đến quý 1/2021. Một yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp lên biên lợi nhuận của VNM chính là giá nguyên vật liệu cao (hiện tăng 20% so với giá trung bình 2020). Điều này ám chỉ nếu tình trạng không thay đổi trong thời gian tới thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh của các công ty sữa nói chung và VNM nói riêng.

Một cổ phiếu muốn tăng, đầu tiên phải có câu chuyện về tăng trưởng và điều này VNM hiện không còn, dẫn đến sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư mất đi và hệ quả thì ai cũng thấy.

Một điểm nữa là ngành sữa hiện nay cạnh tranh quá khốc liệt khi thị trường liên tục cho ra đời hàng trăm sản phẩm mỗi năm. Nhiều công ty sữa hình thành và cạnh trạnh mạnh với VNM như TH Truemilk, VP Milk... Không những vậy, khi hiệp định CPTPP, EVFTA có hiệu lực thì những sản phẩm sửa từ các cường quốc như New Zealand, Nhật... với mức thuế 0% sẽ tạo ra sức ép vô cùng lớn.

Có một thực tế mà ít người nhắc đến là hiện nay con người cũng đang dần hạn chế sử dụng sữa trong nhu cầu tiêu dùng hàng ngày mà thay thế nhiều bằng các sản phẩm tự nhiên hơn. Trong báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cách đây 2 năm cho thấy nhu cầu tiêu dùng sữa tại Việt Nam đang chứng kiến sự phân hóa khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe bản thân, chuyển dịch sang tiêu dùng các loại sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, đồ uống có lợi cho sức khỏe. Vì thế, họ gia tăng nhu cầu tiêu thụ các dòng sữa cao cấp, sữa chua và sản phẩm sữa thay thế từ thực vật. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng hiện tại ở các nước phát triển như Mỹ, EU.

Thứ hai, khối ngoại tháo chạy khỏi VNM. Luôn được đánh giá là những “tay chơi” thứ thiệt trên sàn chứng khoán với khả năng “đánh hơi, săn mồi” cực tốt, khối ngoại luôn là chỉ báo để dòng tiền nội chạy theo. Do đó, động thái tháo chạy khỏi VNM của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tạo thêm áp lực giảm giá lớn lên cổ phiếu đầu ngành sữa.

Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy kể từ đầu năm 2021, VNM chính là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên thị trường, đạt giá trị đến hơn 6,000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE. Đáng lưu tâm là khối ngoại bán ròng hầu hết là những quỹ chủ động vốn đã nắm giữ VNM khá lâu với quan điểm đầu tư dài hạn nhờ định giá và tiềm năng của VNM.

Thứ ba, tâm lý nhà đầu tư trong nước tỏ ra không còn mặn mà với VNM. Thị trường chứng khoán đã chứng kiến đà tăng mạnh mẽ nhờ sự nhập cuộc của dòng tiền F0, nhiều cổ phiếu theo đó thiết lập đỉnh kỷ lục, thậm chí nhiều cổ phiếu “rác” còn tăng bằng lần bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ.

Tâm lý “đầu tư lãi lớn” trên thị trường chứng khoán lúc này trong giới đầu tư tăng cao hơn bao giờ hết. Và trong bối cảnh đó, VNM không còn làm hài lòng mức kỳ vọng lợi nhuận của họ. Tại sao phải mua một cổ phiếu thị giá cao nhưng không tăng (tăng ít hoặc đánh đổi rủi ro bắt đáy) mà không mua những cổ phiếu khác có dòng tiền vào mạnh, đang trong xu hướng tăng và có câu chuyện tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh!

Trong thời gian 1 năm qua, cổ phiếu VNM dường như không tạo ra sự đột biến trong kinh doanh, không có nhiều câu chuyện lan tỏa nên những giá trị mà khối nội mua lại của NĐTNN không hề nhỏ. Bị giữ lượng tiền lớn trong tài khoản trong khi thị trường đang sống nhờ vào câu chuyện thì rõ ràng việc nhà đầu tư bán cắt lỗ hoặc thoái VNM là đương nhiên. Vòng xoáy mua bắt đáy rồi bán cũng là một áp lực không nhỏ cho việc hồi phục của cổ phiếu này.

Ba lý do trên có thể là lý giải tốt nhất cho đà trượt giá của VNM, dù rằng sẽ có nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan tác động lên cổ phiếu từng được mệnh danh “không bao giờ thua lỗ”. Hay cũng có cách giải thích ngắn gọn hơn: “Do có nhiều người bán” - một lời giải thích chắc không đủ làm hài lòng những ai đi tìm nguyên nhân cho sự giảm giá cổ phiếu của đại gia ngành sữa.

Dù vậy, đó cũng chỉ là lời giải thích cho kết quả đã diễn ra trong quá khứ. Tương lai ra sao hãy chờ “Ngài thị trường” trả lời, cái gì đi xuống chưa chắc sẽ đi lên nhưng hãy tham lam một cách hợp lý.

Dũ Lang

FILI