VN-Index tăng mạnh nhất châu Á trong năm 2021, nhà đầu tư nhỏ lẻ dẫn dắt đà tăng

VN-Index tăng mạnh nhất châu Á trong năm 2021, nhà đầu tư nhỏ lẻ dẫn dắt đà tăng

Binh đoàn đầu tư nhỏ lẻ đang gia nhập vào thị trường chứng khoán Việt nhanh chưa từng thấy và trở thành lực lượng dẫn dắt đà tăng trên thị trường chứng khoán.

Chỉ số VN-Index tăng vọt 17% trong 3 tháng kết thúc vào ngày 30/04, đánh bại mọi chỉ số chứng khoán trong khu vực châu Á và gần như gấp đôi đà tăng của S&P 500.

Khối ngoại đến nay vẫn đang rút ròng 842 triệu USD ra khỏi chứng khoán Việt trong năm 2021, nhưng dòng chảy có thể xoay chiều. Các quỹ cổ phiếu Việt Nam ghi nhận tuần hút ròng kỷ lục trong tuần thứ 3 của tháng 4/2021, ngay cả khi các quỹ cổ phiếu thị trường mới nổi bị rút ròng mạnh kể từ tháng 1/2021, theo EPFR.

Góp phần thúc đẩy dòng vốn chảy vào Việt Nam, Tập đoàn tài chính Đài Loan Fubon Financial vừa lập một quỹ ETF tập trung vào thị trường Việt Nam. Hiện quỹ này đang chuẩn bị huy động hơn 300 triệu USD.

* Hơn 8,000 tỷ đồng sắp chảy vào thị trường chứng khoán Việt?

Sự trở lại của khối ngoại có thể thúc đẩy đà tăng tại thị trường đang thu hút sự quan tâm đông đảo của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Mức lãi suất thấp đã thôi thúc nhà đầu tư tay ngang mở gần 400,000 tài khoản mới trong năm 2020, một mức kỷ lục. Trong 3 tháng đầu năm 2021, họ đã mở gần 258,000 tài khoản mới, qua đó đẩy thanh khoản hàng ngày trên sàn HOSE lên kỷ lục.

“Thị trường chứng khoán hiện đang rất sôi động và nhiều người bạn của tôi đang kiếm tiền từ thị trường. Vì thế, tôi quyết định rút tiền ra khỏi ngân hàng và chuyển sang đầu tư chứng khoán để có được tỷ suất sinh lời tốt hơn”, chị Nguyễn Lan Hương, một nhân viên cửa hàng tạp hóa 30 tuổi tại quận Long Biên, Hà Nội, cho hay.

VN-Index tăng mạnh nhất châu Á

Chất xúc tác cho Việt Nam có thể đến từ sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư cá nhân Việt Nam thường hành động xoay quanh động thái của khối ngoại khi tìm kiếm lĩnh vực để đầu tư, theo CTCK SSI.

Việt Nam đang là một thị trường “có thể đầu tư” (investable market), theo HSBC Holdings. Dòng vốn nội đã thúc giá trị giao dịch tăng gấp 4 lần kể từ cuối năm 2019. Chỉ số VN-Index hiện có 11 cổ phiếu có vốn hóa vượt 5 tỷ USD, trong khi năm 2015 chỉ có 2 cổ phiếu như thế. Dẫn đầu về vốn hóa thị trường là Tập đoàn Vingroup – do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập.

Những cổ phiếu khác có tỷ trọng lớn bao gồm một số công ty sở hữu Nhà nước – như Vietinbank (HOSE: CTG), PV GAS (HOSE: GAS) – cũng như Hòa Phát (HOSE: HPG) và Vinamilk (HOSE: VNM).

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang leo dốc nhờ sự lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế của đất nước hình chữ S. Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì được tăng trưởng dương.

Ngoài ra, nền kinh tế đang lên này cũng có vị thế tốt khi Mỹ và Trung Quốc hồi phục từ đại dịch. Điều này là do Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung khi các công ty tiến hành đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

“Chúng tôi đã lạc quan về Việt Nam trong nhiều năm qua. Họ rõ ràng hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia kiểm soát dịch tốt nhất trên toàn cầu”, Jeff Gill, hiện đang quản lý gần 11 tỷ USD tài sản tại quỹ City of London Investment Management, cho hay.

Chờ đợi điểm vào

Vấn đề ở đây có thể là nhà đầu tư nước ngoài có thể đã bán hơi quá tay. Khối ngoại đến nay đã bán ròng 842 triệu USD cổ phiếu Việt, gần bằng mức bán ròng của cả năm 2020 (876 triệu USD). Điều này cũng diễn ra cùng lúc với làn sóng bán ròng ở khắp các thị trường châu Á mới nổi.

Sau khi bán cổ phiếu, khối ngoại dường như đang nắm giữ lượng tiền mặt rất lớn tại Việt Nam và cao hơn cả mức tiền mặt tại cuối năm 2020, theo ông Vũ Bằng, cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận một bước lùi trong tháng 3/2021, khi FTSE Russell chưa quyết định nâng hạng cho Việt Nam lên thị trường mới nổi hạng 2 (secondary emerging market) vì vấn đề phương pháp xử lý giao dịch. Ủy ban Chứng khoán kỳ vọng giải quyết ổn thỏa vấn đề này trong năm nay.

Nhà đầu tư cũng đề cập tới vấn đề “room” ngoại như một yếu tố có thể kìm hãm khả năng tăng giá của thị trường.

Các nhà quản lý quỹ từ Sempione Sim SpA cho tới Asia Frontier Capital và City of London Investment Management cho rằng họ đang tìm điểm vào (entry points). Các chuyên gia này đề cập tới triển vọng kinh tế tích cực, mức định giá tương đối hấp dẫn, dòng vốn đầu tư FDI ngày càng tăng và tăng trưởng lợi nhuận lành mạnh của doanh nghiệp như những lý do để lạc quan về thị trường. Chưa hết, họ cũng đặt niềm tin vào cách kiểm soát đại dịch của Chính phủ Việt Nam.

“Tôi thấy Việt Nam như một câu chuyện tăng trưởng đầy hấp dẫn trong ngắn, trung và dài hạn”, Federico Parenti, Chuyên gia quản lý quỹ tại Sempione Sim ở Milan, cho hay.

Anh Quý – một thầy giáo dạy bơi 33 tuổi – cũng sẵn lòng đầu tư vào chứng khoán Việt. Anh chưa từng nghĩ về chuyện mua cổ phiếu cho đến khi đại dịch Covid-19 khiến bể bơi phải đóng cửa và thu nhập của anh bị cắt giảm. Thế là anh dùng toàn bộ tiền tiết kiệm (khoảng 300 triệu đồng) để mua cổ phiếu. Năm 2020, anh có lãi 12%.

“Tôi không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp và cũng không có kinh nghiệm”, anh nói. Quý hiện đang cân nhắc mua cổ phiếu lướt sóng ngắn hạn. “Tôi nghĩ tôi chỉ lướt sóng cổ phiếu để kiếm lời từ thị trường”, anh chia sẻ.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI