Vén màn sự sụp đổ đột ngột của Archegos

Vén màn sự sụp đổ đột ngột của Archegos

Trước khi đánh mất tất cả (20 tỷ USD), Bill Hwang từng là trader vĩ đại nhất mà rất ít người từng biết tới.

Khởi đầu từ năm 2013, ông đã âm thầm vun đắp cho khối tài sản từ 100 triệu USD thành hàng tỷ USD bằng cách đặt cược vào cổ phiếu. Nếu như ông quyết định chốt lời vào đầu tháng 3/2021, Hwang (57 tuổi) có lẽ đã lọt vào danh sách những tỷ phú trên thế giới. Dĩ nhiên, có những người giàu có hơn ông, nhưng tiền của họ phần lớn đều gắn chặt với công ty, bất động sản, khoản đầu tư phức tạp, đội bóng đá và tác phẩm nghệ thuật. Trong khi đó, khối tài sản 20 tỷ USD của Hwang có tính thanh khoản ngang với những tấm séc phát tiền của Chính phủ. Nhưng rồi chỉ trong 2 ngày, tất cả đều tan tành như bọt biển.

Tòa nhà đặt văn phòng của Archegos ở New York

Sự sụp đổ đột ngột của Archegos Capital Management vào cuối tháng 3/2021 là một trong những cú sụp ngoạn mục nhất trong lịch sử tài chính hiện đại: Chẳng ai lại mất tiền nhanh đến thế. Tại đỉnh điểm, tài sản của Hwang tích tắc vượt ngưỡng 30 tỷ USD.

Ngoài ra, ở ông Hwang cũng có một điều lạ thường. Không như các ngôi sao Phố Wall hay nhà đạt giải Nobel vận hành quỹ Long-Term Capital Management, chẳng ai biết tới ông Hwang ngoài một cộng đồng người công giáo, các đồng nghiệp cũ và cũng chỉ vài banker biết tới ông.

Rắc rối xuất hiện

Vào ngày 25/03, công ty đầu tư của Bill Hwang đã dàn xếp cuộc họp với các giám đốc tại một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất trên thế giới. Vấn đề cấp bách được đặt ra: Công ty quản lý tài sản gia đình Archegos Capital Management lỗ nặng vì một vài canh bạc tập trung ở một số cổ phiếu.

Vì các khoản đặt cược này được thực hiện một phần bằng hợp đồng hoán đổi tổng lợi nhuận (total-return swaps), các ngân hàng đã thay mặt cho Archegos để mua cổ phiếu. “Lóa mắt” trước các khoản phí béo bở từ anh chàng Hwang, các ngân hàng đã bỏ qua một sự thật khi thực hiện hợp đồng hoán đổi tổng lợi nhuận này: Họ khá mù mờ về giá trị vị thế của ông Hwang.

Và đến khi Archegos hé lộ về quy mô danh mục và khoản tiền mặt ít ỏi mà họ đang nắm giữ, các ngân hàng mới “há hốc mồm”, một nguồn tin thân cận nói với tờ Wall Street Journal (WSJ).

Hiện Phố Wall đang phải đối mặt với hậu quả của một trong những cú sụp lớn nhất của một công ty kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Bản thân ông Hwang mất khoảng 8 tỷ USD trong 10 ngày, dựa trên nguồn thông tin thân cận. Giới đầu tư cho rằng đây là một trong những khoản lỗ nhanh nhất mà họ từng được chứng kiến.

Sự đổ vỡ của Archegos gây tác động lan truyền trên thế giới tài chính, thổi bay hàng chục tỷ USD khỏi cổ phiếu của các tập đoàn truyền thông và ngân hàng đầu tư. Ngân hàng Nomura Holdings của Nhật Bản cảnh báo họ có khả năng thua lỗ hàng tỷ USD vì đợt call margin của Archegos. Trong khi đó, Credit Suisse ghi nhận lỗ 4.7 tỷ USD từ sự việc của Archegos, phải giảm cổ tức, đồng thời một vài vị giám đốc đã phải ra đi.

Đợt call margin của Archegos cũng thúc đẩy lời kêu gọi giám sát kỹ lưỡng hơn đối với việc sử dụng các hợp đồng hoán đổi và công ty quản lý tài sản gia đình – vốn quản lý tài sản cho các cá nhân giàu có. Các công ty quản lý tài sản gia đình đã tăng mạnh về quy mô trong những năm gần đây và quản lý hơn 2,000 tỷ USD. Vì các công ty quản lý tài sản gia đình dạng này không quảng bá công ty cho các nhà đầu tư bên ngoài, nên họ chịu ít sự giám sát hơn so với các quỹ đầu cơ thông thường.

“Cú sụp của Archegos Capital Management và khoản tổn thất hàng tỷ USD với các nhà đầu tư và những bên liên quan khác là một bằng chứng sinh động về những tác động mà các tổ chức đầu tư lớn có tên là ‘family offices’ có thể gây ra với thị trường tài chính”, Dan Berkovitz, thành viên thuộc Ủy ban Giao dịch Hợp đồng tương lai Hàng hóa Mỹ (CFTC), cho biết.

Đứng đằng sau khoản thua lỗ lớn là ông Hwang (57 tuổi) – một nhà đầu tư sinh ra ở Hàn Quốc và từng là học trò của huyền thoại quỹ đầu cơ Julian Robertson. Ông Hwang đã gầy dựng tài sản bằng những canh bạc táo bạo, thường chỉ tập trung danh mục vào một vài cổ phiếu và cũng chẳng chú ý phòng vệ vị thế và còn sử dụng đòn bẩy lớn để khuếch đại thành tích.

Julian Robertson và con trai

Trong năm 2012, quỹ​​ Tiger Asia Management của ông Hwang đã thừa nhận các cáo buộc hình sự tại Mỹ, trong đó có cả giao dịch nội gián. Ông Hwang bị cấm tham gia vào mảng quản lý tiền cho khách hàng tại Mỹ trong 5 năm. Ở tòa án Hồng Kông, Tiger Asia bị buộc phải thanh toán 5.8 triệu USD để giải quyết các cáo buộc liên quan.

Bill Hwang là ai?

Sung Kook “Bill” Hwang nhập cư tới Mỹ cùng với gia đình và sau đó đến học tại Đại học California trong thập niên 80. Là con của một cha xứ nhà thờ, ông Hwang trở thành nhà môi giới cổ phiếu tại Hyundai Securities và gây ấn tượng cho ông Robertson – nhà đầu tư nổi tiếng vận hành quỹ đầu cơ Tiger Management – đến nỗi ông phải tuyển Hwang làm việc cho mình.

Bill Hwang

Tại quỹ Tiger, Hwang ngồi gần văn phòng của ông Robertson, liên tục tìm kiếm cơ hội mua cổ phiếu. Không lâu sau đó, Hwang hối thúc Robertson “gom” cổ phiếu Hàn Quốc. Nghe theo lời của Hwang, ông Robertson mua vào và thắng lớn. Mối quan hệ giữa họ cũng tốt lên trông thấy kể từ phi vụ này.

Khi Tiger đóng quỹ trong năm 2000, ông Robertson ủng hộ Hwang tự lập quỹ đầu cơ cho riêng mình. Thế là trong năm 2001, ông Hwang lập nên quỹ Tiger Asia với lượng vốn ban đầu gần 100 triệu USD, dựa trên nguồn tin thân cận, và làm việc tại khu 101 Park Avenue ở trung tâm Manhattan cùng với các quỹ khác có quan hệ với ông Robertson. Những quỹ này gặp gỡ thường xuyên để bàn về các ý tưởng đầu tư, nhưng ông Hwang và các chuyên viên phân tích Tiger Asia thường hiếm khi tham gia vì muốn giữ bí mật về chiến lược đầu tư, theo nguồn tin thân cận.

Ông Hwang thậm chí không chia sẻ thông tin cho đội ngũ của mình, khiến họ phải ngẩn ngơ không biết ông ấy dựa vào đâu để đưa ra quyết định đầu tư.

Bill Hwang sử dụng nợ vay để mua hàng loạt cổ phiếu của các công ty trẻ và tăng trưởng nhanh, bao gồm cả LinkedIn. Khi những cổ phiếu này tăng vọt, quy mô của quỹ Tiger Asia cũng phình to, vượt 5 tỷ USD.

Ông Hwang sở hữu một danh mục cô đặc, tập trung vào một vài cổ phiếu và điều này dĩ nhiên khiến tỷ suất sinh lợi biến động mạnh. Ông thích tập trung vào những cổ phiếu bị bán khống nặng hoặc nắm giữ nhiều vị thế bán, theo nguồn tin thân cận.

Trong nhiều năm qua, ông Hwang đạt tỷ suất sinh lời 40-80%/năm. Có một lần, cổ phiếu mà Hwang nắm giữ đã tăng mạnh và một người bạn hỏi ông đã chốt lời hay chưa. “Không, tôi vẫn đang mua vào”, ông Hwang đáp lời.

Khi lãi ngày càng tăng, ông Hwang đôi khi xem lợi nhuận của ông qua lăng kính của tôn giáo.

 “Liệu tôi nghĩ Chúa có yêu nó không? Dĩ nhiên rồi!”, ông Hwang cho biết trong một video, đề cập tới khoản đầu tư vào LinkedIn ở giai đoạn đầu phát triển. “Tôi giống như một đứa trẻ đang tìm kiếm điều mình có thể làm hôm nay, đầu tư vào đâu để làm vui lòng Chúa?”.

Ông cũng làm việc đến khuya vì để có thể giao dịch trên cả thị trường chứng khoán châu Á (vốn chênh lệch múi giờ với Mỹ). Nhà lãnh đạo của Tiger Asia tuyển các chuyên viên phân tích, nhưng chính ông mới là người đưa ra quyết định cuối cùng, đồng thời phát triển một cách tiếp cận độc đáo để thu thập thông tin từ các giám đốc và những người khác. Ông Hwang thích đặt một câu hỏi thăm dò và sau đó nói thêm một chút trong cuộc trò chuyện, chờ đợi để nghe những mẩu thông tin thú vị.

Trong mùa thu năm 2008, ông Hwang là một trong những nhà quản lý quỹ bị lỗ nặng trong vụ bán khống cổ phiếu Volkswagen (Đức). Tại thời điểm đó, cổ phiếu Volkswagen đã tăng vọt 348% trong 2 ngày.

Một cựu nhân viên cho biết cảm thấy bất ngờ với sự điềm tĩnh của ông Hwang trong khoảng thời gian đó, đôi khi Hwang còn chào các đồng nghiệp bằng một nụ cười thân thiện.

Tại thời điểm đó, Hwang đã là một tỷ phú. Đôi khi, ông làm việc trên một con thuyền lớn, nhưng sống một cuộc sống khá khiêm tốn so với những tỷ phú khác trên Phố Wall. Ông sở hữu một căn nhà 3 triệu USD ở Tenafly, N.J., nhưng đi một chiếc xe đời cũ.

Trong năm 2010, các cuộc điều tra liên quan về những cáo buộc giao dịch nội gián bắt đầu. Nhà lãnh đạo quỹ Tiger Asia cho biết các vấn đề pháp lý đã làm sống lại niềm tin vào tôn giáo của ông.

“Tôi thực sự gặp vấn đề kinh doanh rất tệ. Và tôi biết cho dù tôi có nhiều tiền đến mấy và mối quan hệ nhiều đến đâu, chúng cũng không thể giúp tôi”, ông Hwang cho biết trong cuộc phỏng vấn tại hội nghị công giáo năm 2018.

Trả lại tiền cho khách hàng

Ông Hwang đã trả lại tiền cho khách hàng trong năm 2012 và chuyển công ty thành một công ty quản lý tài sản gia đình (family office). Ông đặt tên công ty là Archegos – tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người dẫn dắt” và thường để ám chỉ đến Chúa Jesus.

Khoảng năm 2015, ông Hwang gặp phải rắc rối mới: Archegos – vận hành giống với quỹ Tiger Asia trước đó – trở nên quá lớn và không còn có thể tập trung vào cổ phiếu của các công ty châu Á. Những cổ phiếu này đôi khi quá nhỏ và việc Archegos mua/bán các cổ phiếu này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới giá.

Hwang quyết định mở rộng danh mục của Archegos sang các cổ phiếu vốn hóa lớn hơn tại Mỹ. Ông nói với bạn rằng ông thậm chí cảm thấy thoải mái hơn với những rủi ro trong giao dịch, vì công ty quản lý tiền của chính ông chứ không phải tiền của khách hàng.

Trong năm nay, Archegos đã xây dựng một mạng lưới ngân hàng – gọi là những nhà môi giới chính, sử dụng dịch vụ của 6 ngân hàng khác nhau là Goldman Sachs, Morgan Stanley, Credit Suisse, Nomura, Deutsche Bank và UBS. Việc ông sử dụng đòn bẩy cao và sẵn lòng trả phí mà không mặc cả giúp ông trở thành một khách hàng béo bở với các ngân hàng.

Archegos thường xuyên đặt cọc 15 USD tài sản thế chấp để vay tới 85 USD, một giám đốc ngân hàng thân cận cho biết. Một số ngân hàng không chịu các điều khoản mà Hwang đưa ra, nhưng sau đó ông lại tìm thấy các ngân hàng khác sẵn sàng hợp tác.

Trong 12 tháng qua, Hwang liên tục nhận tin vui. Những cổ phiếu trong danh mục của Archegos – ViacomCBS, Discovery và một công ty giáo dục trực tuyến Trung Quốc niêm yết tại sàn Mỹ GSX Techedu – đều tăng mạnh và nhờ đó, Archegos lãi hàng tỷ USD. Thông qua các hợp đồng hoán đổi tổng lợi nhuận, Archegos sở hữu 25% cổ phần tại một số công ty, dựa trên nguồn tin thân cận.

Các ngân hàng của Archegos cho biết họ không biết được ông có thực hiện giao dịch với các ngân hàng khác hay không và giá trị bao nhiêu. Nếu biết được, họ có thể không dám cho Hwang vay quá nhiều. Các ngân hàng có thể yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về các khoản vay từ các ngân hàng khác, nhưng khách hàng không nhất thiết buộc phải tiết lộ thông tin hoặc vị thế của họ.

Vụ call margin lớn nhất trong lịch sử

Vào ngày 29/03, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Cổ phiếu ViacomCBS, một trong những khoản nắm giữ lớn nhất của ông, thông báo sẽ phát hành cổ phiếu sau đà tăng hơn 150% trong năm 2021. Thông tin phát hành cổ phiếu gây áp lực lên cổ phiếu ViacomCBS và giá đã giảm hơn 25% sau thông báo này.

Vì danh mục của Archegos rất cô đặc, đà giảm mạnh của ViacomCBS giáng đòn nặng nề tới cả danh mục. Nhiều người trên thị trường tin rằng Archegos bắt đầu bán ra các cổ phiếu khác trong danh mục để giảm bớt tác động của ViacomCBS. Đợt bán này lại kéo theo đà giảm của những cổ phiếu khác, như Discovery.

Đột nhiên, những tài sản thế chấp mà Archegos gửi tại các ngân hàng không còn đủ để hậu thuẫn cho các khoản vay. Các ngân hàng lúc đầu đã gặp Archegos, nhưng khi cổ phiếu ViacomCBS rớt thêm trong ngày 31/03, công ty cho biết không có tiền để bỏ thêm vào tài khoản. Thế là các ngân hàng đành phải thực hiện call margin với Archegos.

Động thái các ngân hàng phải bán ra các cổ phiếu của Archegos, thậm chí khi giá vẫn đang giảm, khiến làn sóng bán tháo càng thêm tồi tệ. Archegos giảm bớt tỷ trọng trong ngày 01/04 và cổ phiếu ViacomCBS giảm còn mạnh hơn nữa.

Khi Archegos gọi điện cho các ngân hàng, họ đưa ra các ý kiến khác nhau về cách xử lý tình huống hiện tại của Archegos.

Các đại diện từ Credit Suisse và Nomura – vốn là hai ngân hàng có thể chịu lỗ nặng nhất – đề nghị phối hợp cùng nhau thoái cổ phiếu của Archegos trong 1 tháng. Họ thừa nhận sẽ có những trở ngại khi làm vậy, nhất là khi mỗi ngân hàng sẽ cần phải tiến tới thỏa thuận riêng với Archegos để tránh vấn đề độc quyền.

Các đại diện từ Morgan Stanley và Goldman Sachs không đồng tình với ý tưởng đó, cho rằng chỉ trong 1 hoặc 2 ngày, thị trường sẽ đồng loạt bán và đẩy giá giảm mạnh. Cuộc họp trong đêm 01/04 kết thúc mà chưa có thỏa thuận nào đưa ra.

Ông Hwang cố gắng vực dậy tinh thần của nhân viên. Ngày 02/04, ông tổ chức gọi nhóm, nói với họ rằng họ đều ở trên thuyền cùng nhau và yêu cầu họ đừng nghỉ việc. Một số nhân viên đoán Archegos sẽ nộp đơn phá sản, dựa trên nguồn tin thân cận.

“Đây sẽ là thời điểm đầy thách thức cho Archegos Capital Management, đối tác và các nhân viên của Archegos”, một phát ngôn viên cho biết. “Tất cả kế hoạch đang được bàn luận và ông Hwang cũng như đội ngũ của ông sẽ quyết định con đường tốt nhất sắp tới”.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI