Ngành điện quý 1: Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận gấp 3 lần

Ngành điện quý 1: Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận gấp 3 lần

Nhìn chung, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp điện quý đầu năm nay đi lên chủ yếu nhờ thủy văn thuận lợi (đối với thủy điện) và giảm chi phí tài chính. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ cũng cải thiện so với giai đoạn dịch bệnh bùng phát vào năm trước.

Ngành điện "bừng sáng" trong quý 1/2021. Đồ họa: Tuấn Trần

Theo dữ liệu VietstockFinance, đến hết ngày 12/05, có 47 doanh nghiệp ngành điện (trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM) đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021. Các doanh nghiệp tạo ra tổng cộng khoảng 32.7 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14% so cùng kỳ. Tuy nhiên, con số lãi ròng đem về đạt tới gần 2.9 ngàn tỷ đồng, tăng 191% tức gấp 2.9 lần năm trước.

Trong đó, 23 doanh nghiệp tăng lãi, 7 doanh nghiệp giảm lãi, 9 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi, 3 doanh nghiệp chuyển lãi thành lỗ và 5 doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ.

Tổng quan tình hình kinh doanh quý 1/2021 của 47 doanh nghiệp ngành điện

Lợi nhuận đi lên nhờ thủy văn thuận lợi

Dẫn đầu về con số lợi nhuận tuyệt đối là Genco 3 (UPCoM: PGV) với 786 tỷ đồng lãi ròng, cải thiện rõ rệt so với khoản lỗ 379 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Con số lợi nhuận lớn trong kỳ có được nhờ việc Công ty chỉ ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá 1.2 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, trong khi cùng kỳ lỗ đến 927 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí lãi vay của PGV cũng giảm gần 46.5% xuống còn xấp xỉ 301 tỷ đồng trong quý 1/2021.

Lãi ròng của PGV giai đoạn từ quý 1/2020 - quý 1/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Quý 1 này, “ông lớn” PV Power (HOSE: POW) báo doanh thu thuần hợp nhất và lãi gộp lần lượt đi lùi 4% và 14% so với cùng kỳ, về mức 7,661 tỷ đồng và 876 tỷ đồng. Dù vậy, lãi ròng của POW vẫn tăng 14%, đạt 508 tỷ đồng. Kết quả đi lên chủ yếu do giảm đáng kể lãi vay và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện.

POW ghi nhận sản lượng điện các nhà máy điện Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1 giảm, còn nhà máy Vũng Áng 2 tăng so cùng kỳ. Bên cạnh đó, Công ty mẹ POW tăng 360 tỷ đồng doanh thu tài chính so cùng kỳ do tăng khoản lãi từ thoái vốn khỏi PV Machino (UPCoM: PVM).

Ngoài PGVPOW, 6 doanh nghiệp cũng báo lãi hơn trăm tỷ trong quý đầu năm là DNH, PPC, QTP, NT2, VSHDTK.

Top 10 doanh nghiệp điện báo lãi lớn nhất quý 1/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Có 23 doanh nghiệp trong ngành báo lãi tăng trưởng trong quý 1/2021, trong đó 11 đơn vị tăng lãi bằng lần.

Phát triển Điện lực Việt Nam (HOSE: VPD) “giật cúp” quán quân về tăng lợi nhuận với tỷ lệ 10,866% (gấp 109 lần). Trong kỳ, tổng sản lượng điện thương phẩm của VPD đạt trên 90 triệu kWh, tăng 75% so cùng kỳ. Doanh thu sản xuất điện đạt hơn 105 tỷ đồng, tăng 81%, dẫn đến con số lãi ròng 18 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ đạt chưa tới 200 triệu đồng).

Về phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (UPCoM: DNH), lãi ròng quý 1 đạt 342 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Kết quả khả quan nhờ thủy văn thuận lợi, tăng trưởng phụ tải hệ thống điện cao làm cho sản lượng và giá bán đều tăng.

Top 10 doanh nghiệp điện có tỷ lệ tăng lãi cao nhất quý 1/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Cùng với đó, thống kê chỉ ra 9 doanh nghiệp ngành điện đã chuyển lỗ cùng kỳ năm trước thành có lãi năm nay.

9 doanh nghiệp điện chuyển lỗ thành lãi trong quý 1/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Nhiệt điện “lép vế”

Dễ nhận thấy trong khi thủy điện trở mình, tình hình ở nhóm nhiệt điện lại kém sắc hơn hẳn. Các đại diện trong nhóm này ghi nhận tăng trưởng lãi với tỷ lệ thấp (PPC), giảm lãi (NT2, BTP) hoặc thậm chí thua lỗ (HND, NCP).

Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) ghi nhận doanh thu và các khoản thu nhập khác gần 1,667 tỷ đồng, giảm 4% so cùng kỳ, song lãi gộp giảm đến 40% về mức 148 tỷ đồng. Nguyên nhân điều này là do doanh thu sản xuất điện giảm 4% trong khi giá vốn tăng 1.5% so cùng kỳ. Lãi ròng đem về 115 tỷ đồng, giảm 36%.

7 doanh nghiệp điện có tỷ lệ giảm lãi cao nhất quý 1/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Tệ hơn, 2 đơn vị nhiệt điện là HNDNCP còn chuyển lãi thành lỗ trong quý đầu năm.

Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) báo lỗ trong quý 1/2021 với con số 11 tỷ đồng. Theo HND giải trình, sản lượng Qc giao trong kỳ thấp, bên cạnh đó giá điện cố định của hợp đồng mua bán điện giảm do hồ sơ giá bắt đầu từ năm 2021. Điều này dẫn đến doanh thu từ giá cố định không đủ bù đắp chi phí cố định dẫn tới thua lỗ.

Với Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (UPCoM: NCP), con số lỗ ròng gần 71 tỷ đồng do sản lượng điện và giá bán thấp hơn cùng kỳ, trong khi Công ty vẫn chịu các chi phí cố định.

Theo SSI Research, quý 1/2021, sản lượng hợp đồng Qc các nhà máy nhiệt điện giảm chủ yếu là do huy động sản lượng nhiều từ thuỷ điện và một phần đóng góp mới từ nhóm điện mặt trời. Nhóm nhiệt điện chịu tác động bất lợi do sản lượng hợp đồng thấp cùng với giá than và khí đầu vào tăng. Chi phí đầu vào cho hệ thống điện tăng chủ yếu do giá bán cao từ nhóm năng lượng tái tạo, cộng thêm giá khí cũng tăng khiến EVN phải cố gắng kiểm soát chi phí. Do đó, nhóm công ty năng lượng truyền thống có thể gặp khó khăn trong việc đàm phán/điều chỉnh hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN. Ngoài ra, áp lực để EVN tăng giá điện bán lẻ có xác suất cao do chi phí đầu vào tăng do nhóm năng lượng tái tạo giá khí tăng.

Đối với nhóm thua lỗ, con số nặng nề nhất thuộc về Điện lực Khánh Hòa (HOSE: KHP). Do kinh doanh dưới giá vốn, Công ty lỗ gộp 34 tỷ đồng và lỗ ròng 77 tỷ đồng trong quý 1/2021. Như vậy KHP đã quay lại vòng xoáy thua lỗ sau khi báo lãi lớn trong quý 4 liền trước (lãi ròng 314 tỷ đồng).

8 doanh nghiệp điện thua lỗ trong quý 1/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Duy Na

FILI