IR không phải đánh bóng, thổi phồng

IR không phải đánh bóng, thổi phồng

Mặc dù niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng có doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) hoặc triển khai nhưng còn hạn chế, chưa đúng.

Về cơ bản, doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã ý thức hơn trong việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin và quản trị công ty theo quy định...

Tuy nhiên, một số DNNY vẫn vi phạm các lỗi phổ biến về minh bạch thông tin gồm: Công bố thông tin, báo cáo không đúng hạn, kịp thời; công bố thông tin không chính xác, đầy đủ; không công bố thông tin, báo cáo các thông tin quan trọng, bất thường... Những vi phạm này có ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Điều đáng bàn hơn là doanh nghiệp quan tâm đến IR nhưng triển khai chưa đúng. 

Chưa chú trọng hoặc IR chưa đúng

Hầu hết hoạt động IR hiện nay chủ yếu là công bố thông tin theo quy định, hoạt động khác là tổ chức đại hội đồng cổ đông, thiếu hoạt động kết nối với nhà đầu tư giữa các kỳ đại hội. Doanh nghiệp ít giao tiếp, không tạo được mối quan hệ tốt với nhà đầu tư; không phản hồi kịp thời ý kiến của cổ đông, nhà đầu tư. Các bản tin IR trên website của doanh nghiệp chưa cập nhật thường xuyên.

Một số doanh nghiệp quan tâm đến hoạt động IR nhưng thực hiện chưa đúng cách. Điều này thể hiện qua việc doanh nghiệp che giấu thông tin (nhất là thông tin xấu), đưa thông tin một chiều; thông tin không được công bố rộng rãi, đầy đủ, chính xác; không cập nhật thông tin thường xuyên hoặc theo định kỳ…

Một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hoạt động IR khi cần. Có doanh nghiệp thuê dịch vụ IR trong vòng 3-6 tháng để phục vụ mục tiêu tăng vốn, phát hành thêm. Có doanh nghiệp khi triển khai hoạt động IR chỉ quan tâm làm thế nào để giá cổ phiếu tăng nhanh nhất có thể, cố gắng thổi phồng, đánh bóng doanh nghiệp. Việc làm này có thể gây tác dụng ngược.

Nâng chất IR

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được phát triển hoạt động IR sẽ giúp xây dựng niềm tin với cổ đông, nhà đầu tư, từ đó thu hút được các nguồn vốn tốt và dài hạn; cải thiện và tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, đồng thời phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp, ngăn ngừa rủi ro và kiểm soát tốt khủng hoảng.

Để nâng chất hoạt động IR, doanh nghiệp cần xác định IR là nhiệm vụ lâu dài; hướng đến văn hóa đối thoại cởi mở hơn với các cổ đông, nhà đầu tư hiện hữu cũng như tiềm năng, chuyên viên phân tích và báo chí. Bên cạnh công bố thông tin đúng hạn, chất lượng nội dung công bố cũng cần được chú trọng.

Điều quan trọng là doanh nghiệp cần cởi bỏ tâm lý “xấu che, tốt khoe”. Trong cuốn sách Using Investor Relations to Maximize Equity Valuation của hai tác giả Thomas M.Ryan và Cha A.Jacobs, đã xuất bản bằng tiếng Việt với tên Vai trò của Quan hệ Nhà đầu tư (IR) trong việc tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, một vấn đề được nhấn mạnh trong việc công bố thông tin là không nên che giấu. Theo đó, ban lãnh đạo không nên che đậy những khó khăn của doanh nghiệp. Các nhà quản lý sẽ phạm phải sai lầm lớn và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp nếu chỉ đề cập đến câu chuyện tích cực trong lúc đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Ban lãnh đạo nên công bố sự thật, các nguyên nhân đằng sau và biện pháp vượt qua thách thức. Ban lãnh đạo không nên để ý quá nhiều đến câu chuyện không đạt được kế hoạch kinh doanh vì đây là điều rất bình thường trên TTCK. Lãnh đạo doanh nghiệp nên chủ động và sẵn sàng giải trình mọi việc.

Ở góc độ quản lý, UBCKNN cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trước hết là cho lãnh đạo doanh nghiệp, về tuân thủ quy định minh bạch thông tin, quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất, cải thiện quan hệ nhà đầu tư... đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo về công bố thông tin.

Minh Liêu

FILI

Đọc thêm:

>> Truyền thông tài chính: Có hiểu mới thương