Dầu tăng tháng thứ 5 trong 6 tháng bất chấp đà suy giảm trong phiên

Dầu tăng tháng thứ 5 trong 6 tháng bất chấp đà suy giảm trong phiên

Giá dầu quay đầu giảm vào ngày thứ Sáu (30/4), tạm chững lại sau khi chạm mức cao nhất trong 6 tuần do lo ngại việc phong tỏa rộng hơn ở Ấn Độ và Brazil để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan đã lấn át triển vọng tích cực về nhu cầu nhiên liệu trong mùa hè và đà phục hồi kinh tế.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent lùi 1.31 USD (tương đương 1.91%) xuống 67.25 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1.43 USD (tương đương 2.2%) còn 63.58 USD/thùng.

“Đà phục hồi nhu cầu sau Covid-19 vẫn chưa đồng đều và sự tăng vọt số ca nhiễm ở Ấn Độ là một lời nhắc nhở kịp thời rằng bất kỳ đà tăng nào lên 70 USD/thùng đều là quá sớm”, chuyên gia phân tích tại Energy Aspects cho biết.

Mức giá đó chỉ có thể đạt được trong quý 3 năm nay, khi nhu cầu vật chất được cải thiện và tình trạng tồn kho kết thúc, nhóm phân tích chia sẻ.

Dầu Brent đã tăng 8% trong tháng 4, còn dầu WTI leo dốc gần 10% trong tháng qua. Đây là tháng tăng thứ 5 trong  6 tháng khi nhu cầu toàn cầu gần như đã trở lại mức trước đại dịch nhờ vào gói kích thích tài khóa và việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở một số quốc gia, trong khi động thái cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga đã làm giảm bớt tình trạng dư cung dầu thô.

Việc áp dụng rộng rãi tiêm vắc-xin Covid-19 cũng đang khôi phục niềm tin về ngành du lịch, qua đó thúc đẩy nhu cầu dầu.

Kỳ nghỉ lễ Lao động sắp tới ở Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới.

“Sự lạc quan mới mẻ này đang làm lu mờ những rào cản ở Ấn Độ, nơi diễn ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 đang dẫn đến những hạn chế đi lại mới được đặt ra”, chuyên gia phân tích tại ANZ nhận định.

Quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đang rơi vào khủng hoảng sâu sắc, với tình trạng bệnh viện và nhà xác quá tải, khi số ca nhiễm Covid-19 lên đến 18 triệu người vào ngày 29/4.

Vào ngày thứ Sáu, một cuộc thăm dò ở lĩnh vực tư nhân cho thấy hoạt động sản xuất nhà máy của Nhật Bản đã mở rộng trong tháng 4 với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm 2018 do nhu cầu toàn cầu phục hồi, mặc dù các biện pháp hạn chế mới vì dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế chung.

Trong khi đó, dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng hoạt động sản xuất nhà máy của Trung Quốc chậm hơn dự báo.

An Trần (Theo CNBC)

FILI