Dầu tăng hơn 1% lên cao nhất trong 8 tuần

Dầu tăng hơn 1% lên cao nhất trong 8 tuần

Giá dầu tăng hơn 1% vào ngày thứ Tư (12/5), đưa các hợp đồng ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong gần 8 tuần, khi kim ngạch xuất khẩu dầu thô tại Mỹ giảm cùng với những dấu hiệu về đà phục hồi kinh tế nhanh chóng và dự báo lạc quan về nhu cầu năng lượng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 74 xu (tương đương 1.1%) lên 69.29 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 75 xu (tương đương 1.2%) lên 66.03 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng đều ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 11/3/2021. Hồi đầu phiên, hợp đồng dầu WTI đã có lúc ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 29/10/2018 và dầu Brent ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 28/5/2019.

Kim ngạch xuất khẩu dầu thô tại Mỹ đã giảm trong tuần trước xuống khoảng 1.8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, với dự trữ dầu thô giảm 0.4 triệu thùng, thấp hơn so với dự báo sụt 2.8 triệu thùng, dữ liệu định kỳ của Chính phủ cho thấy.

Nhà đầu tư lưu ý đến 1 yếu tố ảnh hưởng đến giá vào chiều nay là báo cáo dự trữ tại Mỹ cũng cho thấy tổng nguồn cung sản lượng dầu giảm 2.2 triệu thùng/ngày xuống còn 17.5 triệu thùng/ngày. Đây là mức giảm hàng tuần mạnh nhất và là mức nhu cầu hàng tuần thấp nhất kể từ tháng 01/2021.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo định kỳ hàng tháng rằng nhu cầu dầu đã vượt nguồn cung và sự thiết hụt dự kiến sẽ tăng ngay cả khi Iran tăng cường xuất khẩu.

Tương tự, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào ngày 11/5 đã đưa ra dự báo về sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu dầu trên thế giới trong năm 2021, với tăng trưởng tại Trung Quốc và Mỹ đã lấn át những tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ.

Dầu cũng tìm thấy hỗ trợ từ dữ liệu kinh tế tích cực. Tăng trưởng kinh tế ở Anh mạnh hơn so với dự báo trong tháng 3/2021, trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI vào tháng 4 tại Mỹ tăng mạnh nhất trong gần 12 năm do nhu cầu bùng nổ trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại.

Trong khi đó, số trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ vượt 250,000 người trong 24 giờ qua kể từ khi khi đại dịch bùng phát.

Tại Mỹ, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu tồi tệ hơn do việc đóng cửa Colonial Pipeline, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất quốc gia, bước sang ngày thứ 6 và các trạm xăng từ Florida đến Virginia đã cạn kiệt nguồn cung ở một số thành phố.

Colonial, vốn vận chuyển hơn 2.5 triệu thùng/ngày, cho biết họ hy vọng sẽ khởi động lại phần lớn hệ thống vào cuối tuần.

An Trần (Theo CNBC)

FILI