Có nên mua BWE, VCB và SZC?

Có nên mua BWE, VCB và SZC?

Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị mua BWE nhờ kết quả kinh doanh tốt và không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; mua VCB do có thu nhập phí cao giúp thúc đẩy lợi nhuận; mua SZC do kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng và quỹ đất sạch còn rất lớn.

Mua BWE với giá mục tiêu 34,328 đồng/cp

Theo CTCK ACB (ACBS), CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (HOSE: BWE) đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 với doanh thu đạt 678 tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 204 tỷ đồng (tăng 35%), tương đương mức thực hiện 19% và 37% so với kế hoạch đề ra.

Doanh thu của BWE giảm chủ yếu do doanh thu khác giảm mạnh nhưng không có nhiều thông tin được công bố liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cũng phần nào ảnh hưởng đến công ty khi mà mảng nước ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, lãi sau thuế của BWE tăng nhờ hoàn nhập 30 tỷ đồng chi phí dự phòng giảm giá khoản đầu tư ở công ty liên kết, đồng thời biên lợi nhuận gộp của Công ty cũng tăng từ 38% lên 45% nhờ vào giá và tỷ trọng doanh thu của mảng nước tăng. Bên cạnh đó, Công ty còn ghi nhận 20 tỷ đồng cổ tức từ công ty liên kết trong khi cùng kỳ năm trước chưa ghi nhận khoản này.

Trong thời gian tới, ACBS dự kiến doanh thu BWE sẽ tăng tốc và đạt tốc độ tăng trưởng hai con số nhờ số lượng khách hàng tăng do số lượng các KCN ngày càng nhiều và tốc độ tăng dân số ở mức 3% do công tác đẩy mạnh đô thị hóa ở tỉnh Bình Dương, cùng với đó, giá nước sẽ tiếp tục tăng 5% mỗi năm cho đến năm 2022 theo lộ trình đề ra bởi tỉnh Bình Dương.

Riêng năm 2021, CTCK này dự kiến BWE sẽ đạt doanh thu 3,388 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 637 tỷ đồng, tương ứng tăng 12% và 19% so với mức thực hiện của năm 2020.

Dự phóng kết quả kinh doanh của BWE trong những năm tới
Nguồn: ACBS

Qua đó, ACBS khuyến nghị mua BWE với giá mục tiêu 34,328 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Mua VCB với giá mục tiêu 114,650 đồng/cp

Theo CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) công bố kết quả lãi ròng quý 1/2021 đạt 6.9 ngàn tỷ đồng (tăng 22% so với quý trước đó và tăng 65% so với cùng kỳ) phần lớn nhờ vào tăng trưởng thu nhập phí, phần lớn đến từ việc ghi nhận phí trả trước và doanh thu bancassurance, với mức tăng lần lượt 12% và 205%. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong quý 1/2021 đã hoàn thành 34% kế hoạch cả năm.

Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động ngoài lãi (không bao gồm thu nhập phí và những khoản thu nhập khác có liên quan đến việc thu hồi nợ xấu) ghi nhận 1.2 ngàn tỷ đồng, tương ứng mức 15% và 6%.

Về tín dụng, tăng trưởng cho vay của VCB đạt 3.8% kể từ đầu năm, hoàn thành 25% dự báo năm 2021 của YSVN. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tính đến quý 1/2021 của ngân hàng này đã tăng nhẹ 26 điểm cơ bản so với quý trước và 6 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 0.88%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) hiện tại của VCB là 279%, với con số này, VCB là ngân hàng có tỷ lệ LLR cao nhất trong ngành.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất trong ngành của VCB tiếp tục phản ảnh chính sách quản trị thận trọng đối với rủi ro tín dụng của ngân hàng thuộc nhóm Big4 này so với các ngân hàng khác. Tuy nhiên, tỷ lệ LLR của VCB đã giảm nhẹ trong quý 1/2021 (giảm 89 điểm phần trăm so với quý trước), điều này phần nào giúp tăng thu nhập và cho thấy VCB hoàn toàn linh hoạt hơn so với hầu hết các ngân hàng khác trong việc giảm trích lập dự phòng, và từ đó giúp thúc đẩy lợi nhuận năm 2021 mà không làm suy giảm chất lượng tài sản.

Với những luận điểm trên, YSVN khuyến nghị mua VCB với giá mục tiêu 114,650 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Mua SZC với giá mục tiêu 41,500 đồng/cp

Theo CTCK MB (MBS), trong quý 1/2021, CTCP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) đã tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng của năm 2020 khi doanh thu 3 tháng đầu năm đạt 178 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp đạt 175 tỷ đồng, tăng 70%.

Bên cạnh doanh thu, nhờ chi phí giá vốn đất rẻ từ trước 2020 và giá cho thuê đất tăng, biên lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 61.7%, mức cao nhất từ trước đến nay. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của SZC đạt 79 tỷ đồng, tăng 46%.

Hiện, KCN của Công ty đang được quy hoạch với diện tích 1,556 ha, trong đó diện tích đất cho thuê là 1,109 ha. Diện tích khu đô thị quy hoạch với 537 ha, trong đó tỷ lệ đất thương phẩm là khoảng 50%.

Trong năm 2020, SZC thực hiện phê duyệt phương án đền bù thêm 282 ha, chi trả kinh phí đền bù được 231 ha. Lũy kế đến cuối năm 2020, tổng diện tích đất lập phương án đền bù đạt 1,866 ha, diện tích chi trả kinh phí đạt 1,783 ha, nhận bàn giao mặt bằng đạt 1,543 ha.

Giá trị đền bù theo phương án đạt 2,827 tỷ đồng, giá trị chi trả đạt 2,628 tỷ đồng. Như vậy, đơn giá trung bình đạt 152 ngàn đồng/m2, riêng đơn giá đền bù trung bình năm 2020 là khoảng 520 ngàn đồng/m2, tăng rất nhanh so với thời kỳ từ 2019 trở về trước.

Từ thông tin quy hoạch trong năm 2020, MBS ước tính diện tích cho thuê KCN đến cuối 2020 còn khoảng 660 ha, trong đó diện tích sẵn sàng cho thuê là 260 ha. Đối với khu đô thị, toàn bộ diện tích đất thương phẩm với khoảng 240 ha là tiềm năng giúp SZC tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Nguồn: MBS

Qua đó, MBS khuyến nghị mua SZC với giá mục tiêu 41,500 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Hà Lễ

FILI