Các nhà quản lý quỹ Trung Quốc: Từ ngôi sao trở thành tội đồ khi thị trường lao dốc

Các nhà quản lý quỹ Trung Quốc: Từ ngôi sao trở thành tội đồ khi thị trường lao dốc

Khi thị trường tăng và quỹ đạt thành tích cao, ai cũng vui và lên tiếng ca ngợi nhà quản lý quỹ, xem họ như người hùng hay ngôi sao, thậm chí còn lập fanclub cho các nhà quản lý quỹ này. Vậy mà khi thị trường lao dốc, họ nhanh chóng "trở mặt".

Theo báo cáo của 10 quỹ đầu tư và Alipay của Ant Group công bố hồi tháng 3/2021, hơn 70% nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ tương hỗ dưới 3 tháng đều lỗ, trong khi gần 90% người nắm giữ hơn 1 năm đều đang lãi. Nguồn: WSJ

Ngành quỹ tương hỗ Trung Quốc thu hút hàng loạt nhà đầu tư nhỏ lẻ trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh giữa dịch bệnh Covid-19. Giữa đà tăng mạnh, những nhà quản lý quỹ đạt thành tích cao được ca ngợi như ngôi sao hay vị anh hùng. Vào lúc thị trường lao dốc, các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại “lật mặt” và gọi những nhà quản lý quỹ này là tội đồ.

Sau khi nghe bạn bè và người thân rỉ tai không ngừng về những khoản lời béo bở từ quỹ tương hỗ, Li Qiushi, giáo viên tiếng Anh ở Bắc Kinh, bắt đầu bỏ tiền quỹ tương hỗ từ tháng 9/2020. Nhưng vào tháng 3/2021, cô đã bán hầu hết khoản nắm giữ và lỗ nặng.

“Mọi người đều là 'tỏi tây' mà thôi”, Li bức xúc nói. Trong tiếng lóng trên mạng xã hội Trung Quốc, “Tỏi tây” ý muốn chỉ những người bị lừa gạt, bị người khác trồng rồi khai thác giống như tỏi tây vậy.

“Tôi đành phải xem đây là bài học và rút kinh nghiệm sâu sắc. Có lẽ tôi nên tìm hiểu kỹ hơn về đầu tư trước khi mua chứng chỉ quỹ quỹ tương hỗ”, Li nói.

Quy mô ngành quản lý quỹ tại Trung Quốc 

Nguồn: WSJ

Tâm lý của cư dân mạng nhanh chóng đảo chiều khi thị trường lao dốc. Một số người dùng trên mạng bày tỏ sự hối tiếc khôn nguôi, dù đã đăng những bài đăng tích cực trước đó không lâu.

Nhiều người than phiền các khoản nắm giữ quỹ tương hỗ của họ giờ đã lỗ và một số hoài nghi về khả năng chọn cổ phiếu của những ngôi sao quản lý quỹ. Nhiều quỹ tập trung nắm những cổ phiếu tương tự nhau, chẳng hạn như cổ phiếu của hãng rượu lớn nhất Trung Quốc, Kweichow Moutai.

Zhang Kun – hiện đang quản lý quỹ tại E Fund Management và từng ca ngợi là ngôi sao lớn trong ngành quản lý quỹ – cũng không phải ngoại lệ. Ông Zhang quản lý khối tài sản lên tới 20.7 tỷ USD ở 4 quỹ khác nhau. Đây là lượng tiền quản lý cao nhất đối với nhà quản lý quỹ cổ phiếu tại Trung Quốc, dữ liệu từ Wind cho thấy.

“Đây là quỹ có thành tích kém nhất mà tôi từng bỏ tiền vào", một nhà đầu tư đăng bài than phiền về quỹ của ông Zhang.

Một người khác chỉ trích ông Zhang đã đổ quá nhiều tiền vào cổ phiếu các công ty rượu. “Cá nhân tôi thấy ngành rượu đang chuyển sang giai đoạn thoái trào trong dài hạn", người này viết trong một bài đăng. Một nhà đầu tư khác mô tả Zhang là “nỗi thất vọng lớn”.

Tuy nhiên, quỹ đầu tư cổ phiếu blue-chip của ông Zhang hiện đang tăng 2.4% từ đầu năm 2021, trong khi chỉ số CSI 300 giảm 0.5%, theo dữ liệu của Wind.

“Cũng dễ hiểu khi một số nhà đầu tư phàn nàn về khoản lỗ từ những biến động thị trường gần đây. Nhưng tôi hy vọng rằng chúng ta nhìn nhận các khoản đầu tư vào quỹ và hiệu suất của quỹ từ cái nhìn khách quan, toàn diện và dài hạn”, đại diện của E Fund tuyên bố.

Trong bản cập nhật quỹ quý 1/2021, ông Zhang kêu gọi nhà đầu tư đánh giá các công ty dựa trên giá trị nội tại. Ông viết “nếu không làm như thế, bạn sẽ thật dễ bị cuốn vào những lần mua đỉnh bán đáy”.

Những đồng nghiệp của ông Zhang cũng kêu gọi mọi người đầu tư với góc nhìn dài hạn hơn. Theo báo cáo của 10 quỹ đầu tư và Alipay của Ant Group công bố hồi tháng 3/2021, hơn 70% nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ tương hỗ dưới 3 tháng đều lỗ, trong khi gần 90% người nắm giữ hơn 1 năm đều đang lãi. Nghiên cứu này bao gồm hơn 100 chứng chỉ quỹ đầu tư tập trung vào cổ phiếu được bán trên Alipay.

Dĩ nhiên, ngành quỹ tương hỗ gặp nhiều thách thức trong năm 2021, nhưng họ vẫn đang đánh bại thị trường chung.

Tính tới ngày 13/05, các quỹ tương hỗ tập trung vào cổ phiếu của Trung Quốc có thành tích trung bình là -0.8% trong năm 2021, theo dữ liệu từ Morningstar. Trong khi đó, chỉ số chuẩn CSI 300 của Trung Quốc giảm 4.1% trong cùng kỳ. Các con số này tính toán trên cơ sở tổng lợi nhuận, tức có bao gồm cổ tức.

Kể từ đầu năm 2018, các quỹ tương hỗ này có hiệu suất trung bình 12.7%/năm, trong khi CSI 300 chỉ đạt 8.7%/năm.

Lượng tiền huy động được từ các quỹ tương hỗ mới

Nguồn: WSJ

Đến nay, một số công ty đã ngừng tung ra quỹ mới vì thiếu sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy vậy, tổng tài sản quản lý của các quỹ tương hỗ vẫn tiếp tục tăng dù chậm hơn. Tính tới tháng 4/2021, các quỹ mở và quỹ đóng đang quản lý 3.38 ngàn tỷ USD, theo dữ liệu từ Wind.

Trải nghiệm đau đớn cho các nhà quản lý quỹ

Tuy nhiên, đây là một trải nghiệm đau đớn cho một ngành đã phát triển thịnh vượng trong bối cảnh Covid-19.

Giữa đại dịch, hàng triệu người trẻ tuổi bị mắc kẹt tại nhà và cảm thấy lo ngại về tương lai tài chính của bản thân. Vì thế, họ bị thu hút bởi những khoản lời béo bở và thành tích đánh bại thị trường của các quỹ tương hỗ. Ngoài ra, lý do còn đến từ sự nhiệt thành của những người dùng mạng xã hội và các ứng dụng đầu tư tiên tiến – chỉ cần vài xu, họ cũng có thể đầu tư. Nhiều quỹ đã được phân phối qua các ứng dụng điện thoại phổ biến như Ant Group và Tencent Holdings.

Một số nhà đầu tư thậm chí còn lập câu lạc bộ fan hâm mộ và tạo meme về các nhà quản lý quỹ ưa thích của họ. Trong khi đó, người khác rỉ tai về những khoản lời béo bở cho bạn bè và người thân. Các nhà quản lý quỹ đã tung ra hơn 1,400 quỹ mới trong năm 2020, huy động tổng cộng 487 tỷ USD.

Một số cho rằng ngành quỹ của Trung Quốc sẽ hưởng lợi nếu như nhà đầu tư giảm sự tập trung vào các ngôi sao quản lý quỹ.

Những nhà đầu tư cần phải hiểu lý do đằng sau thành tích cao của các quỹ đầu tư, như phong cách đầu tư và điểm mạnh của nhà quản lý quỹ, Rachel Wang, Giám đốc nghiên cứu quỹ đầu tư tại Morningstar ở Trung Quốc. “Nhà đầu tư không nên đuổi theo các ngôi sao trong ngành quản lý quỹ một cách mù quáng”, bà nói.

Thể hiện cho sự thay đổi tâm lý nhanh chóng của nhà đầu tư nhỏ lẻ, các quỹ tương hỗ từng rất “hot” trước đó bị rút ròng hơn 3 tỷ USD. Trước đó, các quỹ này quảng bá rằng họ có khả năng tiếp cận tới đợt IPO bom tấn của Ant Group và điều này thu hút đông đảo nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi đợt IPO bị trì hoãn, nhà đầu tư lập tức tháo chạy.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI