Lo ngại bong bóng bất động sản, Trung Quốc siết tăng trưởng tín dụng

Lo ngại bong bóng bất động sản, Trung Quốc siết tăng trưởng tín dụng

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại siết dòng vốn tín dụng khi mà đà tăng tín dụng trong 2 tháng đầu năm làm dấy lên lo ngại về sự hình thành bong bóng bất động sản, dựa trên nguồn tin thân cận.

Tại một cuộc họp với PBoC vào ngày 22/03, các ngân hàng được yêu cầu kiểm soát cấp vốn, sao cho lượng vốn mới trong năm 2021 chỉ tương đương mức của năm 2020, dựa trên nguồn tin thân cận. Một số ngân hàng nước ngoài cũng được yêu cầu kiểm soát cho vay thông qua hạn mức tín dụng, trần/sàn lãi suất, cho vay chỉ định (window guidance) sau đợt tăng trưởng tín dụng trong năm 2020.

Các nhận định trên làm rõ thêm ý định của các quan chức thuộc PBoC.

Trong năm 2020, các ngân hàng đã tung ra lượng tín dụng lên tới 19.6 ngàn tỷ Nhân dân tệ (3 ngàn tỷ USD), trong đó khoảng 1/5 được tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ. Nếu năm 2021 ngân hàng Trung Quốc cũng tung ra cùng một lượng tín dụng như thế, lượng nợ tồn đọng của nước này sẽ tăng lên 192 ngàn Nhân dân tệ, tương đương mức tăng trưởng 11% và là mức tăng trưởng chậm nhất trong hơn 15 năm.

Khi mà đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát phần lớn và nền kinh tế hồi phục, các nhà quyết sách đã khởi động lại chiến dịch kiểm soát rủi ro, nhất là trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Thậm chí nếu tín dụng tăng trưởng chậm lại, khả năng lãi suất cao hơn và ít nợ xâu hơn có thể thúc đẩy khả năng sinh lời của các ngân hàng. Biên lợi nhuận của các ngân hàng đã giảm sau khi họ bị chỉ đạo cho vay lãi suất thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch.

PBoC không lập tức nhận định về thông tin trên.

Các ngân hàng Trung Quốc đã thực hiện 4.9 ngàn tỷ Nhân dân tệ khoản vay mới trong 2 tháng đầu năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu chính thức cho thấy.

Hồi tháng 2/2021, PBoC đã yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát khoản vay mới sao cho lượng vốn cấp trong quý 1 chỉ bằng hoặc thấp hơn so với cùng kỳ 2020 - nguồn thạo tin tiết lộ với tờ Financial Times. Chỉ đạo này đồng nghĩa với việc lượng vốn tín dụng cấp mới trong tháng 3 phải giảm mạnh.

Các lệnh kìm hãm tín dụng sẽ hút cạn thanh khoản ra khỏi thị trường chứng khoán và gây áp lực lên các lĩnh vực đang được định giá cao, ông Ken Chen, Chuyên viên phân tích tại KGI Securities, cho hay.

Hãng sản xuất rượu Kweichow Moutai dẫn đầu làn sóng bán tháo trong nhóm cổ phiếu bluechip trong ngày 06/04, có lúc giảm tới 2.8%. Cổ phiếu WuXi AppTec cũng sụt 5.4%.

PBoC muốn các ngân hàng tập trung cho vay tới các lĩnh vực như công nghệ mới và sản xuất, các quan chức cho biết trong cuộc họp tháng 3/2021. Trước đó, Guo Shuqing, Chủ tịch của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), lên tiếng cảnh báo về hiện tượng bong bóng trên thị trường bất động sản và tài chính, từ đó làm dấy lên lo ngại các nhà quyết sách rồi sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chính phủ Trung Quốc đang tận dụng đà hồi phục kinh tế để giảm bớt đòn bẩy. Đây là một mục tiêu dài hạn của Trung Quốc, nhưng họ đã phải tạm ngưng trong suốt cuộc chiến thương mại với Mỹ và bị trì hoãn thêm vì đại dịch Covid-19. Các gói kích thích năm 2020 cũng đẩy tỷ lệ nợ lên 280% GDP.

Núi nợ khổng lồ của Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu – thời điểm họ phải sử dụng tới tín dụng để ngăn chặn đợt suy thoái kinh tế. Các nỗ lực giảm bớt đòn bẩy năm 2017 – nhất là ngành ngân hàng ngầm – đã đẩy lãi suất trên thị trường tiền tệ lên cao hơn và giá trái phiếu Chính phủ Trung Quốc suy giảm.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI