'Nghịch lý' cổ phiếu QBS

'Nghịch lý' cổ phiếu QBS

CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HOSEQBS) báo lỗ năm thứ hai hơn 92 tỷ đồng. Dẫu vậy giá cổ phiếu QBS vẫn tăng mạnh thời gian gần đây. Tính tới phiên 13/04, giá cổ phiếu tăng 68% so với đầu năm 2021.

Vì sao cổ phiếu QBS lại tăng?

Diễn biến giá cổ phiếu QBS từ đầu năm 2021 đến phiên 13/04/2021

Cổ phiếu QBS bắt đầu “đổi vận” từ phiên 29/03 khi tăng trần lên mức 3,190 đồng/cp. Đà tăng trần tiếp tục được giữ đến phiên 30/03, lên mức 3,410 đồng/cp.

Sau đó, giá cổ phiếu QBS đều đặn tăng. Tới phiên 08/04 thì chạm mốc 4,700 đồng/cp, gấp rưỡi chỉ trong 10 phiên. Tuy nhiên, hai phiên gần đây (12 - 13/04), cổ phiếu này đang có nhịp điều chỉnh về mức giá 4,150 đồng/cp.

Xôn xao trên các diễn đàn chứng khoán, giới đầu tư cho rằng, cổ phiếu QBS tăng mạnh trong 2 tuần trở lại đây chủ yếu là do Công ty vẫn sở hữu nhiều bất động sản có giá trị và người nội bộ Công ty đã bán cổ phiếu cho “tay to” theo phương thức thỏa thuận.

Thực tế thì một loạt lãnh đạo QBS đăng ký bán hết cổ phiếu gồm Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại, Thành viên Ban kiểm soát...

Cụ thể, ông Hoàng Văn Hưng - Tổng Giám đốc QBS đăng ký bán hết 1.92 triệu cp, chiếm 2.77% vốn điều lệ vì lý do cá nhân. Thời gian dự kiến từ ngày 02/04-29/04 theo phương thức giao dịch thoả thuận.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Thành viên BKS đăng ký bán hết 305,750 cp, chiếm 0.44%; Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc phục trách đối ngoại QBS đăng ký bán hết 5 triệu cp, chiếm 7.21% đang sở hữu vì lý do cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ 01/04 đến 29/04/2021.

Cùng với đó, bà Lê Thị Lê, chị dâu ông Nguyễn Thanh Bình đăng ký bán hết 739,370 cp QBS, chiếm 1.07% cũng vì lý do cá nhân, từ 02/04-29/04.

Ông Nguyễn Văn Khoái, bố của bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Chủ tịch HĐQT QBS cũng đăng ký bán hết 2 triệu cp, chiếm 2.88% vì lý do cá nhân. Trong khi đó, bà Thanh Hương hiện đang nắm giữ hơn 9.2 triệu cp QBS.

Theo tìm hiểu, QBS là nhà xuất khẩu về mặt hàng phân bón DAP với khoảng 60% thị phần xuất khẩu phân DAP. Công ty cũng sản xuất phân bón với thị phần ngành khoảng 20%, đồng thời là nhà nhập khẩu và phân phối lưu huỳnh và axit Sulfuric. 

Công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy NPK Đình Vũ tại Thủy Nguyên - Hải Phòng, chuyên sản xuất phân NPK và phân lân mang thương hiệu Đình Vũ với công suất 80,000 tấn/năm. Bên cạnh đó, Công ty cũng góp vốn đầu tư xây dựng Nhà máy Barite tại Xavannakhet – Lào, chuyên sản xuất bột Barite xuất khẩu với công suất 50,000 tấn/năm. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của Viện Dầu mỏ Mỹ. Ngoài ra Công ty cũng là cổ đông chiến lược duy nhất của Công ty DAP Đình Vũ - công ty sản xuất phân bón DAP, trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Công ty hiện đã đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi ngoại quan, điểm tập kết hàng hóa tại các cảng biển và cửa khẩu lớn như: Kho ngoại quan tại Hải Phòng, diện tích 15,000 m2; Kho ngoại quan tại thành phố Lào Cai - tỉnh Lào Cai, diện tích trên 8,000 m2; Bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu với diện tích trên 25,000 m2 tại khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng; Bãi trung chuyển và kiểm hóa tại Mường Chà, Mường Nhé tỉnh Điện Biên, tổng diện tích lên đến 12,000 m2

Mục tiêu thoát lỗ, thoái vốn tại ICD Quảng Bình – Đình Vũ

Kết quả kinh doanh các năm của QBS và kế hoạch 2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Năm 2020, QBS ghi nhận doanh thu gần đạt 1,204 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2019. Giá vốn vượt doanh thu khiến Công ty lỗ gộp gần 20 tỷ đồng. Hơn nữa, chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay chiếm hơn 79 tỷ đồng dẫn đến Công ty lỗ ròng hơn 97 tỷ đồng, trong khi năm 2019, Công ty lỗ hơn 173 tỷ đồng. Theo đó, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2020 hơn 93 tỷ đồng.

Theo giải trình của QBS, hoạt động sản xuất kinh doanh của QBS gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 do dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất nhập khẩu và dịch vụ cảng ICD của Công ty. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tiếp diễn, khô hạn kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước, lũ lụt tại miền Trung và xâm nhập mặn kéo dài trên diện rộng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã làm giảm diện tích canh tác, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất cây trồng và trực tiếp làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón của bà con nông dân từ 18-25% so với mọi năm.

Sang năm 2021, Công ty đặt mục tiêu có lãi 12 tỷ đồng, với doanh thu dự kiến đạt 800-1,000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, QBS cũng có ý định thoái vốn toàn bộ vốn góp 432 tỷ đồng tại CTCP Cảng cạn Quảng Bình – Đình Vũ (ICD Quảng Bình – Đình Vũ) vào quý 4/2021 để cơ cấu lại danh mục tài sản nhằm đảm bảo khả năng thanh toán.

Trước đó, việc đầu tư dự án ICD Quảng Bình – Đình Vũ được QBS kỳ vọng sẽ là bước đi đột phá trong hoạt động cung ứng dịch vụ kho bãi ngoại quan, xuất nhập khẩu, tạm nhập – tái xuất khẩu; nâng cao tỷ trọng lĩnh vực Logistics trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Công ty.

Khang Di

FILI