Myanmar: Chỉ số PMI sản xuất giảm mạnh vì đảo chính

Myanmar: Chỉ số PMI sản xuất giảm mạnh vì đảo chính

Tình trạng hỗn loạn tại Myanmar tiếp tục tác động đến các doanh nghiệp, được phản ánh qua dữ liệu về hoạt động sản xuất mới nhất, với nhiều cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề do lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng.

* Đảo chính và những tổn thất đối với kinh tế Myanmar

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Myanmar trong tháng 3, IHS Markit công bố hôm 01/04, đã giảm từ mức 27.7 còn 27.5, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập.

Khảo sát PMI được thực hiện nhằm thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến những thay đổi về sản lượng, đơn đặt hàng mới và các điều kiện kinh doanh tại thời điểm được khảo sát so với một tháng trước đó. Chỉ số này dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp và trên 50 thể hiện sự mở rộng. Hồi tháng 1, trước khi đảo chính diễn ra tại Myanmar, chỉ số PMI ở mức 47.8

“Dữ liệu tháng 3 phản ánh sự suy giảm nghiêm trọng khác về điều kiện kinh doanh trong toàn bộ lĩnh vực sản xuất tại Myanmar. Biểu tình, đóng cửa nhà máy và bất ổn chính trị trên khắp nước đang kéo triển vọng tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất đi xuống đáng kể”, Chuyên gia kinh tế Shreeya Patel của HIS nhận xét.

Theo kết quả khảo sát, hoạt động vận tải trì hoãn do khủng hoảng kéo dài đã làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng. Gần 70% những người được khảo sát cho biết khối lượng đơn hàng mới đã giảm đáng kể.

Tình trạng thiếu nguyên vật liệu và đồng nội tệ (Kyat) suy yếu so với USD càng làm tăng áp lực lạm phát trong tháng 3. Kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra hôm 01/02, Kyat đã giảm 5% so với USD. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát còn cho thấy, giá cả đầu vào của các nhà sản, tính luôn tháng 3, đã tăng 6 tháng liên tục, từ khi Myanmar đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 2 tại nước này.

Về triển vọng tăng trưởng, các tổ chức quốc tế gần đây đã hạ thấp dự báo của họ về tăng trưởng kinh tế Myanmar. Trong báo cáo Cập nhật Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương công bố hôm 26/03,  Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng kinh tế Myanmar sẽ suy giảm 10% trong năm tài chính hiện tại (kết thúc ngày vào cuối tháng 09/2021) sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 1.7% trong năm tài chính vừa qua.

Hôm 31/03, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã dự báo kinh tế Myanmar sẽ giảm 2.6% trong năm tài chính này, theo báo cáo triển vọng kinh tế khu vực của AMRO.

Báo cáo của AMRO nêu: “Quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm hồi đầu tháng 2 đã gây ra bất ổn đáng kể và có thể kiềm chế nền kinh tế tiến triển. Đà tăng trưởng vẫn yếu trong ngắn hạn, triển vọng phụ thuộc vào tiến trình tiêm chủng vắc-xin và diễn biến của tình hình chính trị”.

Khai Tâm (Theo Nikkei Asia)

FILI