Lợi nhuận quý 1/2021 của VNP gấp gần 3 lần cùng kỳ

Lợi nhuận quý 1/2021 của VNP gấp gần 3 lần cùng kỳ

CTCP Nhựa Việt Nam (UPCoM: VNP) báo lãi hơn 21 tỷ đồng trong quý 1/2021, gấp 2.8 lần cùng kỳ. Song song với tình hình kinh doanh khả quan, cổ phiếu VNP trên thị trường cũng đang thể hiện bộ mặt khá tích cực.

Lãi ròng quý 1/2021 gấp 2.8 lần cùng kỳ

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2021 của VNP. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 của VNP

Kết thúc quý đầu năm 2021, VNP đem về hơn 127 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 5.4 lần cùng kỳ; lợi nhuận gộp thu về gần 9 tỷ đồng, tăng 57%.

Trên thị trường, giá hạt nhựa PVC (sản phẩm chính của VNP) lên cao kỷ lục giữa tháng 3/2021, chạm 1,400 USD/tấn. Giá PVC cũng như giá dầu tại thời điểm này đang cao hơn so với đầu năm là kết quả của sự gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu do đại dịch và tình trạng thiếu điện ở Mỹ khiến các nhà máy lọc dầu ngừng sản xuất.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPAS), dù giá PVC tăng cao song các nhà sản xuất ống nhựa tại Việt Nam lại đang gặp khó khăn trong việc nâng giá bán. Giá bán nhiều khả năng dù tăng nhưng sẽ chỉ bù đắp một phần nhỏ ảnh hưởng của giá đầu vào trong khi phần lớn tác động sẽ ăn mòn lợi nhuận của các nhà sản xuất.

Dù lãi gộp chưa tới 9 tỷ đồng nhưng VNP vẫn báo lãi ròng trên 21 tỷ đồng, gấp 2.8 lần cùng kỳ. Kết quả này phần lớn nhờ sự hỗ trợ bởi khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết gần 19 tỷ đồng.

Hiện VNP đang rót tổng cộng 122 tỷ đồng đầu tư vào 3 công ty liên doanh, liên kết gồm CTCP Nhựa Vân Đồn (nắm 20.69%), Công ty TNHH Việt Thái Plastchem (nắm 27.51%) và Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina (nắm 15%). Trong đó, Việt Thái Plastchem và TPC Vina đều có hoạt động chính là sản xuất hạt nhựa PVC.

Bột nhựa (hình đầu tiên) là sản phẩm chính của VNP cùng một số công ty liên doanh, liên kết. Nguồn: VNP

Tổng giá trị tài sản của VNP không quá biến động trong quý đầu năm, ghi nhận giá trị 447 tỷ đồng tại 31/03/2021. Công ty đã nâng lượng tiền nắm giữ lên 5 lần, đạt 31 tỷ đồng. Ngược lại các khoản phải thu ngắn hạn giảm 36% về mức 55 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021

Ban điều hành VNP nhận định 2021 tiếp tục là năm chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra. Theo Báo cáo thường niên 2020, Công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế 2021 giảm 42% so với thực hiện năm trước, về mức 15.4 tỷ đồng. VNP dự kiến sẽ không chia cổ tức như 2 năm trước đó.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của VNP
Nguồn: Báo cáo thường niên 2021 của VNP

Một số định hướng hoạt động trong năm 2021 kể đến như đẩy mạnh kinh doanh nguyên liệu nhựa, kinh doanh màng BOPP, kinh doanh chuỗi cách điện.,… Công ty cũng sẽ tiếp tục xin ý kiến Bộ tài chính và các cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đối với những tồn tại trước đây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh như xin xử lý rủi ro đối với khoản nợ ODA của Chính phủ Trung Quốc do sử dụng không hiệu quả khoản vay này, xử lý chênh lệch tỷ giá…

Trong năm 2021, VNP sẽ không triển khai dự án đầu tư mới nào, chỉ tiếp tục thực hiện 2 dự án gồm: Dự án khuôn mẫu và trục in bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc; dự án đầu tư màng nhựa BOPP.

Cổ phiếu tăng giá tích cực

Song song với tình hình kinh doanh khả quan, cổ phiếu VNP trên thị trường cũng đang thể hiện bộ mặt tích cực. VNP đã tăng giá 173% sau 12 tháng gần đây, khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 110,000 đơn vị/phiên. Cổ phiếu VNP đang được giao dịch quanh mức 11,700 đồng/cp (10h20 ngày 20/04).

Diễn biến giá cổ phiếu VNP từ năm 2020 đến hết phiên 19/04/2021

Duy Na

FILI