Góc nhìn đầu tư 2021: Ngành dệt may

Góc nhìn đầu tư 2021: Ngành dệt may

Nhờ không bị gián đoạn sản xuất, thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng trong năm 2020 và lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ, trong đó nhiều tháng đứng ở vị trí số 1 về thị phần. Dự báo, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Tình hình ngành dệt may trên thế giới

Theo báo cáo của McKinsey công bố cuối năm 2020, lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu đã giảm 93%. Đã có hơn 10 thương hiệu chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn phá sản. Ngoài ra, khoảng 200,000 lao động trong các chuỗi cung ứng thời trang tại Mỹ mất việc làm.

Cũng trong năm vừa qua, Inditex, chủ sở hữu thương hiệu Zara đã phải tuyên bố đóng cửa 1,200 cửa hàng. Tương tự, H&M từng đặt mục tiêu mở thêm 165 cửa hàng trong năm 2020, nhưng kế hoạch phải thay đổi vì dịch bệnh.

Hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo đã phải đóng cửa khoảng 350 cửa hàng, chiếm 7% số điểm bán của hãng này trên toàn thế giới.

Ngành dệt may Việt Nam có thể về mốc 39 tỷ USD?

Năm 2020 chính là năm đầu tiên sau 25 năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10.5%, chỉ đạt 35.2 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019.

Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo giá trị xuất khẩu năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 10.6% so với cùng kỳ, cao hơn so với CAGR giai đoạn 2015-2019 là 9.9%.

Nguồn: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương

Yếu tố FDI trong ngành dệt may

Nhờ không bị gián đoạn sản xuất, thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng trong năm 2020 và lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ.

Theo VITAS, dòng chảy vốn FDI đổ bộ vào các dự án trong ngành dệt may Việt Nam có sự tăng vọt trong một số thời điểm, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019. Thống kê cho thấy riêng năm 2015 chứng kiến lượng vốn “khủng” chưa từng thấy là 4.13 tỷ USD với 189 dự án.

Tuy nhiên trong năm 2020, dự án FDI mới trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi, dệt nhuộm chững lại tạm thời trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam trong ngành này là có và sẽ tiếp diễn nhưng chưa phải trong thời điểm hiện tại.

Kỳ vọng tăng trưởng nhờ các Hiệp định Thương mại Tự do đã ký kết

Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP) giúp khai thác tốt hơn thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Quy tắc xuất xứ đơn giản, giảm thời gian và chi phí từ đó tăng tỷ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường RCEP.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 01/08/2020, mở ra cơ hội hàng rào thuế quan lớn chưa từng có cho hàng Việt vào thị trường hơn 500 triệu dân EU. Với 42.5% dòng thuế áp dụng đối với các sản phẩm dệt may sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm. Quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, tức là vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam, hoặc sử dụng vải của Hàn Quốc hay một nước thứ 3 mà hai bên cùng ký FTA.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình). Với thị trường Canada, sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. Thuế nhập khẩu của hàng dệt may vào Mexico và Peru được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16.

Nguồn: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương

Các công ty tiêu biểu trong ngành

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM)

Khác với các doanh nghiệp cùng ngành chủ yếu sản xuất theo phương thức CMT, TCM với khả năng tự chủ nguyên liệu vải có thể sản xuất theo phương thức FOB. Tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là điểm vượt trội của TCM so với các doanh nghiệp khác trong ngành.

Theo đó, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn mua vải từ nhà cung cấp khác hoặc tự sản xuất. FOB là phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn so với phương thức CMT (nhận nguyên liệu từ bên đặt hàng và gia công).

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tuy nhiên, TCM đã đầu tư từ trước để sản xuất các đơn hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và phát triển vải kháng khuẩn, vải có tính năng vượt trội để đáp ứng yêu cầu cao và thời gian giao hàng gấp rút.

TCM đã cho ra đời thương hiệu thời trang mới INNOF hiện đang bán tại thị trường trong nước, phát triển thương hiệu thời trang ONLEE xuất khẩu vào thị trường Mỹ thông qua kênh bán hàng thương mại điện tử Amazon và bước đầu ghi nhận doanh thu. Bên cạnh đó, Công ty vừa cho ra đời trang thương mại điện tử với thương hiệu DE CLOSET chuyên về bán hàng thời trang.

Thời gian tới, TCM dự kiến đẩy mạnh đầu tư mở rộng các nhà máy May - Đan - Nhuộm để phục vụ đơn hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng các đơn hàng sợi và vải ngày càng cao cho các doanh nghiệp dệt may trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Về mặt hàng thời trang, Công ty lên kế hoạch phát triển theo hướng online thay vì mở chuỗi bán lẻ để bắt kịp xu hướng mua sắm hiện đại.

CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL)

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử ngày càng phát triển. Các công ty trước đây có sẵn kênh bán hàng online đang chứng kiến sự mở rộng hơn nữa. Đến cuối năm 2020, doanh số thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 4,206 tỷ USD và được dự báo sẽ đạt khoảng 6,500 tỷ USD vào năm 2023. Điều này cho thấy xu hướng gia tăng ổn định của thương mại điện tử.

Nguồn: Statista

Tỷ trọng thương mại điện tử ngày càng tăng và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ toàn cầu. Theo Statista, ước tính năm 2021 thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 18% doanh số bán lẻ toàn cầu. Sự tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, trong có Amazon. Amazon là nhà bán lẻ online hàng đầu tại Mỹ.

Nguồn: Statista

GIL là doanh nghiệp hưởng lợi theo Amazon trong cơn sóng thương mại điện tử. Kể từ khi hợp tác với Amazon (mặt hàng túi vải) năm 2016, hoạt động kinh doanh của GIL tăng trưởng rất tốt. Điều này được thể hiện qua sự tăng trưởng của lợi nhuận ròng từ mức 81 tỷ đồng năm 2016 lên 308 tỷ đồng năm 2020. Với việc thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ do dịch Covid-19 thay đổi thói quen tiêu dùng, doanh thu và lợi nhuận của GIL được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI