DPM đặt kế hoạch lãi sau thuế 365 tỷ đồng trong 2021

DPM đặt kế hoạch lãi sau thuế 365 tỷ đồng trong 2021

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HOSE: DPM) dự kiến năm 2021 sẽ sản xuất 766 ngàn tấn Đạm Phú Mỹ, 150 ngàn tấn NPK Phú Mỹ. Sản lượng tiêu thụ đối với 2 sản phẩm này ước đạt 770 ngàn tấn và 140 ngàn tấn.

Năm 2021, DPM dự kiến sản xuất 766 ngàn tấn Đạm Phú Mỹ, 150 ngàn tấn NPK Phú Mỹ. Sản lượng tiêu thụ đối với riêng 2 sản phẩm này là 770 ngàn tấn và 140 ngàn tấn.

Mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2021 sẽ đạt 8,331 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện trong 2020; lãi sau thuế đạt 365 tỷ đồng, bằng 52% kết quả năm trước.

Chỉ tiêu sản lượng năm 2021 của DPM
Nguồn: DPM
Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của DPM
Nguồn: DPM

Trong đó, Công ty mẹ được giao thực hiện 7,859 tỷ đồng tổng doanh thu và 355 tỷ đồng lãi sau thuế; tỷ lệ chia cổ tức là 10%. DPM cho biết phương án cổ tức này là tạm tính trên cơ sở giá khí giả định cho sản xuất Đạm Phú Mỹ. Công ty chỉ được tiến hành chi trả cổ tức năm 2021 khi giá khí/cước phí vận chuyển khí cho sản xuất Đạm Phú Mỹ năm 2021 được phê duyệt.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư năm 2021 hơn 364 tỷ đồng, trong đó 314 tỷ đồng dùng đầu tư xây dựng cơ bản. Nguồn vốn thực hiện lấy từ vốn chủ sở hữu 50%, từ vốn vay và nguồn khác 50%.

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 (dự kiến diễn ra ngày 27/04 tới), HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua việc được uỷ quyền điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình hoạt động.

Có thể thấy chỉ tiêu lợi nhuận 2021 của DPM thấp hơn phân nửa so với năm 2020 đem về (702 tỷ đồng). Thực tế trong 2020, Công ty đã vượt tới 62% kế hoạch đề ra.

Về phân phối lợi nhuận, DPM sẽ dùng 547 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2020, tương ứng với tỷ lệ 14% (Công ty đã trả tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 7%). Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 dự kiến là 10%.

DPM đặt mục tiêu lãi sau thuế năm 2021 đạt 365 tỷ đồng

Theo Báo cáo ngành phân bón năm 2021, Chứng khoán Bảo Việt (BVS) cho rằng doanh thu và lãi sau thuế có thể đạt 8,110 tỷ đồng và 666 tỷ đồng. Nhận định này đến từ các yếu tố: (1) Sản lượng tiêu thụ phân bón Urea, NPK và NH3 ước tính tiếp tục tăng nhờ nhu cầu phân bón hồi phục ;(2) giá bán phân bón cũng hồi phục do nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên lợi nhuận lại suy giảm do giá dầu tăng cao. Theo giả định của BVS, giá dầu FO trung bình tăng lên mức 320 USD/mmBTU ( tăng 32% so với năm trước) khiến giá bán Urea và NPK hồi phục nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí tăng do giá dầu.

Thêm vào đó, đề xuất thuế VAT 5% áp dụng lên các mặt hàng phân bón sẽ được trình trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 03/2021. Nếu luật thuế VAT mới được thông qua sẽ giúp DPM hoàn thuế VAT các chi phí nguyên vật liệu đầu vào, theo ước tính thuế VAT có thể giúp Công ty tiết kiệm khoảng 270-300 tỷ đồng mỗi năm.

Duy Na

FILI