ĐHĐCĐ Vinamilk: Vì sao đặt kế hoạch 2021 thận trọng?

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ Vinamilk: Vì sao đặt kế hoạch 2021 thận trọng?

Sáng ngày 26/04, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Năm 2021, VNM đặt kế hoạch doanh thu trên 62 ngàn tỷ đồng, tăng 4.1% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế (LNST) dự kiến đi ngang, xấp xỉ 11.2 ngàn tỷ đồng.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của VNM diễn ra sáng ngày 26/04 theo hình thức trực tuyến.
Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT phát biểu tại Đại hội

*Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của VNM

* Thảo luận:

Xem xét đầu tư các đơn vị, dự án phù hợp

Tình hình xuất khẩu của Công ty có bị ảnh hưởng bởi chi phí container và vận chuyển hàng hóa hay không?

Mai Kiều Liên - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: Chi phí này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí xuất khẩu của VNM. Việc lưu thông xuất khẩu không bị ảnh hưởng do VNM chủ yếu xuất hàng bằng đường thủy.

Tiến độ triển khai các dự án liên doanh với Philippines, liên doanh Vbev, liên doanh bò thịt?

Mai Kiều Liên: Đối với Vibev, liên doanh đã hoàn thành thủ tục liên doanh, dự kiến tung sản phẩm vào giữa năm 2021. Còn liên doanh với Philippines đang trong tiến độ hoàn thành thủ tục, dự kiến tung sản phẩm vào quý 4/2021.

Về dự án bò thịt, liên doanh đang làm thủ tục, giai đoạn đầu sẽ nhập bò thịt từ Nhật, nuôi theo công nghệ Nhật Bản. Giai đoạn tiếp theo Công ty sẽ đầu tư trang trại ở Vĩnh Phúc, quy mô khoảng 1,700 tỷ đồng, công suất khai thác 20,000 con bò mỗi năm.

Công ty có tính tăng giá bán sản phẩm không?

Mai Kiều Liên: Tùy tình hình thực tế, Công ty sẽ có phương án cụ thể. VNM đã chốt giá nguyên vật liệu sữa bột đến hết tháng 6/2021. Giá nguyên vật liệu trong quý 1/2021 không tăng cao so với cùng kỳ năm trước, song quý 2 tăng rất cao.

Kế hoạch phát hành ESOP?

Mai Kiều Liên: Hiện, cổ đông Nhà nước đang chiếm 36% vốn tại VNM. Cổ đông Nhà nước chưa đồng ý phát hành ESOP do làm pha loãng sở hữu, khiến tỷ lệ nắm giữ giảm xuống dưới 36%.

Chiến lược M&A?

Mai Kiều Liên: Hiện, Công ty chưa xem xét dự án sáp nhập nào cả. Chiến lược của VNM vẫn không thay đổi, Công ty tìm kiếm các dự án trong và ngoài nước phù hợp với định hướng để xem xét đầu tư.

Năm 2021, khu vực nào đạt doanh số tốt hơn? Nông thôn hay thành thị?

Mai Kiều Liên: Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể đoán định được. Mức độ tiêu thụ sữa chưa thể tăng mạnh. Theo thống kê của chúng tôi, do ảnh hưởng dịch, không có khu vực nào tăng trưởng doanh số nổi trội hơn trong các khu vực.

Việc sáp nhập GTNFoods (GTN) vào VLC có ảnh hưởng đến VNM như thế nào?

Mai Kiều Liên: Về lâu dài, sáp nhập sẽ tốt hơn do đơn giản cấu trúc của các công ty thành viên. Còn trong ngắn hạn, việc hạch toán kế toán phải chờ kết quả kiểm toán sau sáp nhập mới biết được.

Vì sao doanh thu, lợi nhuận 2021 dự báo không tăng trưởng cao?

Mai Kiều Liên: Không ai mong muốn tăng trưởng thấp cả, thực sự là như vậy. Giá nguyên vật liệu năm nay dự báo tăng cao trên thế giới. Chúng tôi mong cổ đông thông cảm và đồng ý với kế hoạch 2021 mà HĐQT đã trình.

Hoạt động kinh doanh còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là dịch Covid-19. Có những nơi trên thế giới, cứ nghĩ là yên bình thì lại đang gặp rất nhiều vấn đề của dịch Covid-19. Ấn Độ, Thái Lan hay Campuchia ngay sát chúng ta đều phải đối mặt tình cảnh đáng buồn.

Quý 1 bị ảnh hưởng Covid, giá cổ phiếu giảm nhưng vẫn được khuyến nghị tốt

Kết quả kinh doanh quý 1/2021 như thế nào?

Bài Mai Kiều Liên: Quý 1/2021, tổng doanh thu đạt 13,241 tỷ đồng (21.3% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế 2,597 tỷ đồng (23.17% kế hoạch). Tình hình kinh doanh có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chúng tôi dự báo kết quả đến hết năm 2021 ở góc nhìn khả quan. Nếu lợi nhuận quý 1 thiếu hụt bao nhiêu thì chúng tôi sẽ bù lại trong 9 tháng cuối năm. Khi đã bù lại về mặt doanh số thì lợi nhuận sẽ bù lại.

Cổ phiếu VNM giảm trong thời gian qua, Ban lãnh đạo có thể làm điều gì để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư?

Một thành viên HĐQT khác: Giá cổ phiếu VNM ghi nhận giảm khoảng 7% so với đầu năm 2021. Biến động giá này đến từ nhiều yếu tố, khách quan có, nội tại có.

Dù gặp một số khó khăn trong quý 1, song một số tổ chức tài chính/công ty chứng khoán gần đây vẫn đưa ra những khuyến nghị tích cực với giá cổ phiếu VNM.

Về phía VNM, tại thời điểm giá cổ phiếu giảm sâu trong năm 2020, Ban điều hành cũng đưa ra nhiều biện pháp ứng phó, trong đó dự kiến mua cổ phiếu quỹ để ổn định giá trên thị trường. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, Công ty đã quyết định dừng lại việc này.

Hiệp định EVFTA ảnh hưởng thế nào với VNM trong thời gian tới?

Mai Kiều Liên: Hiệp định đã ký khá lâu rồi, tác động của hiệp định đến VNM không quá nhiều. Theo tôi, việc xuất khẩu sữa vào Châu Âu chưa thuận lợi lắm. Công ty vẫn tập trung xuất khẩu vào những khu vực khác trên thế giới.

Ở góc nhìn khác, một phần trong hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 là Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Châu Âu về mức 3.5-0% so với mức 15-5% như hiện tại trong vòng 3-5 năm tới. Lãnh đạo VNM cho rằng điều này sẽ khiến thị trường sữa cạnh tranh hơn khi sữa nhập khẩu từ Châu Âu được hưởng lợi, nhưng đồng thời là động lực thúc đẩy các công ty sữa nội địa gia tăng năng lực để cung cấp ra thị trường các sản phẩm chất lượng hơn. Bên cạnh đó, một số công ty sữa nội địa đang nhập khẩu nguyên liệu bột sữa từ Châu Âu nên khi mức thuế giảm sẽ giúp các công ty này cải thiện biên lợi nhuận.

Tình hình thực hiện thương mại điện tử của VNM như thế nào?

Mai Kiều Liên: Về thương mại điện tử, chúng tôi cũng có chú trọng mấy năm nay, song thực tế chưa hiệu quả nhiều. Kênh thương mại điện tử, tôi nghĩ là phù hợp hơn với hàng hóa tiêu dùng so với hàng hóa tiêu dùng nhanh.

Chúng tôi đang tiến hành mở các cửa hàng Giấc mơ Sữa Việt, sẽ tiếp tục phục vụ người tiêu dùng. Số lượng cửa hàng trong quý 1 đã đạt đến mốc 500 và dự kiến tiếp tục tăng nữa. Các cửa hàng này chuyên bán sản phẩm của VNM, giới thiệu và phục vụ các sản phẩm VNM. Đây cũng là hướng đi trong 3-5 năm tới.

Tình hình xuất khẩu sang Mỹ dự kiến khả quan hơn trong thời gian tới?

Mai Kiều Liên: Trong khi các nơi khác đang gặp khó do dịch Covid-19 thì tình hình xuất khẩu sang Mỹ có thể khả quan hơn trong thời gian tới. Bởi lẽ, Mỹ có khoảng 300 triệu dân thì giờ đã có khoảng 200 triệu dân được tiêm vaccine. Dự báo đến tháng 5/2021, Mỹ sẽ công bố việc tiêm vaccine toàn dân.

Kế hoạch LNST 2021 đi ngang

Năm 2021, VNM đặt mục tiêu duy trì vị trí số 1 tại Việt Nam và hướng tới top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu. Trong nước, Công ty tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp, nhất là ở khu vực thành thị, song song đó mở rộng thâm nhập bao phủ khu vực nông thôn với các dòng sản phẩm phổ thông.

Mai Kiều Liên - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc báo cáo tại Đại hội.

VNM định hướng trở thành công ty sữa tạo ra nhiều giá trị nhất Đông Nam Á. Công ty sẵn sàng cho các hoạt động M&A và mở rộng quan hệ hợp tác theo 3 hướng tích hợp dọc, ngang và kết hợp. Trong đó, ưu tiên tìm kiếm công ty sữa tại các quốc gia khác nhằm mở rộng thị trường, tăng doanh số.

Công ty tiếp tục thâm nhập các thị trường mới với chiến lược chuyển đổi mô hình xuất khẩu hàng hóa truyền thống sang hình thức hợp tác sâu với đối tác phân phối tại các thị trường trọng điểm mới.

Về chỉ tiêu tài chính, VNM đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2021 đạt 62,160 tỷ đồng, tăng 4.1% so với thực hiện năm 2020. LNST dự kiến đi ngang, đạt 11,240 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh từ 2017-2020 và kế hoạch 2021 của VNM
Đvt: Tỷ đồng

Dự chi tạm ứng cổ tức 2021 tổng tỷ lệ 29%

Cổ tức năm 2021 của VNM dự kiến tối thiểu 50% trên LNST mang về. HĐQT lên phương án thanh toán 2 đợt đầu tiên lần lượt với tỷ lệ 15% (vào tháng 9/2021) và 14% (vào tháng 2/2022). Phần còn lại sẽ do ĐHĐCĐ thường niên 2022 quyết định.

Kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 của VNM
Nguồn: VNM

Năm 2020, doanh thu thuần và LNST của VNM đạt lần lượt 59,723 tỷ đồng và 11,236 tỷ đồng, tăng 6% và 6.5% so với năm 2019. Riêng Sữa Mộc Châu (MCM), sau một năm về với VNM đã ghi nhận sự bứt phá, với doanh thu thuần năm 2020 đạt 2,823 tỷ đồng, tăng 10.3%, và LNST đạt 281 tỷ đồng, tăng 68.2% so với năm 2019.

Với kết quả trên, HĐQT VNM trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức đợt 3/2020 với tỷ lệ 11% (1 cp nhận 1,100 đồng), dự kiến thanh toán vào tháng 6/2021. Trước đó, Công ty đã 2 lần chi tạm ứng cổ tức với tổng tỷ lệ 30%.

Dịch Covid-19 kìm hãm tăng trưởng của ngành sữa năm 2020

Theo báo cáo thường niên, Ban lãnh đạo VNM dẫn số liệu Tổng cục Thống kê cho biết GDP năm 2020 tăng 2.91%, tuy là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Các biện pháp giãn cách xã hội, ở khía cạnh tích cực giúp kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, nhưng đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng tại chỗ (on-premise) khi nhiều cơ sở du lịch, ăn uống, trường học phải đóng cửa, trong khi mức tăng của tiêu dùng tại nhà (off-premise) không đủ bù đắp cho sự sụt giảm này.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng còn bị ảnh hưởng khi cả nước có tới 32.1 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh và thu nhập bình quân của người lao động giảm 2.3% (GSO). Theo đó, ngành hàng tiêu dùng nhanh ghi nhận mức giảm 7% về giá trị và riêng ngành sữa giảm 6% (AC Nielsen).

Các thương vụ hợp nhất giữa công ty nội địa tiếp tục diễn ra

Thị trường sữa Việt Nam giai đoạn 2019-2020 chứng kiến 2 thương vụ mua bán sáp nhập quy mô khi Sữa Mộc Châu (MCM) trở thành thành viên của VNM và Sữa Quốc Tế (IDP) được CTCP Blue Point thâu tóm. Ngay sau đó, cả MCMIDP đều đã niêm yết lên sàn UPCoM, giúp các nhà đầu tư có thêm lựa chọn trong ngành sữa.

VNM đánh giá quá trình hợp nhất giúp các công ty nhỏ hơn tiếp cận các thực hành quản trị và công nghệ sản xuất tiên tiến, qua đó nhanh chóng gia tăng quy mô và hiệu quả hoạt động để cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ ngoại.

Bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT

Cuộc họp kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua. Cổ đông đã chấp thuận việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với bà Nguyễn Thị Thắm và thành viên HĐQT độc lập đối với ông Nguyễn Bá Dương vì lý do cá nhân.

Hai cái tên được bầu bổ sung vào HĐQT là ông Hoàng Ngọc Thạch và bà Tiêu Yến Trinh (độc lập). Theo sơ yếu lý lịch, ông Thạch hiện là Phó Trưởng Ban Quản lý rủi ro của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC). Bà Trinh hiện là nhà sáng lập và CEO CTCP Kết Nối Nhân Tài (Talent Corporation), đồng thời đang giữ chức Thành viên HĐQT độc lập tại CTCP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ).

Xuân Nghĩa

FILI