Dầu tăng nhẹ khi sản lượng tại Libya giảm

Dầu tăng nhẹ khi sản lượng tại Libya giảm

Giá dầu gần như đi ngang vào ngày thứ Năm (23/4) khi lo ngại về sự sụt giảm sản lượng dầu thô ở Libya bù đắp cho dự báo rằng sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ và Nhật Bản sẽ khiến nhu cầu năng lượng giảm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent tiến 0.12% lên 65.40 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 0.13% lên 61.43 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng này đều trồi sụt vài lần vào ngày thứ Năm. Nếu giảm, đây là sẽ phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp. Hiện cả 2 hợp đồng đều đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 13/4/2021.

“Thị trường nhận ra rằng sự hồi phục nhu cầu dầu toàn cầu không thể đến nếu không có sự trở lại của các nền kinh tế lớn nhất thế giới”, Bjornar Tonhaugen, Giám đốc thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận định. “Ấn Độ đang khủng hoảng nghiêm trọng với số ca nhiễm Covid-19 lập kỷ lục mới mỗi ngày”.

Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới, vào ngày thứ Năm đã ghi nhận mức tăng hàng ngày cao nhất thế giới cho đến nay với 314,835 ca nhiễm mới trong 1 ngày.

Nhà máy lọc dầu Indian Oil Corp (IOC) đang hoạt động với khoảng 95% công suất, giảm so với mức 100% cùng thời điểm này tháng trước, Reuters đưa tin.

Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 4 thế giới, dự kiến sẽ thông báo đợt phong tỏa thứ 3 đến Tokyo và 3 tỉnh phía Tây nước này, truyền thông đưa tin.

Tâm lý giảm giá cơ bản cũng được đẩy lên bởi tiến trình đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các nhà phân tích cho biết Iran có khả năng cung cấp thêm khoảng 1-2 triệu thùng dầu/ngày nếu thỏa thuận được nối lại.

Bất kỳ sự gia tăng nguồn cung nào từ Iran đều sẽ vượt sản lượng dầu bổ sung từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga, một nhóm được gọi chung là OPEC+, vốn lên kế hoạch tăng sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong 3 tháng tới.

Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Libya vào ngày thứ Năm cho biết sản lượng dầu của nước này đã giảm xuống 1 triệu thùng/ngày trong những ngày gần đây và có thể giảm hơn nữa do các vấn đề về ngân sách.

Trong dài hạn, nhu cầu dầu có thể bị ảnh hưởng khi ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng các chính sách chống biến đổi khí hậu.

Chính quyền ông Biden hôm thứ Năm đã cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Mỹ với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới rằng sẽ cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ vào năm 2030.

Nhật Bản đã nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon lên 46% vào năm 2030.  

An Trần (Theo CNBC)

FILI