Dầu tăng 1% trước dữ liệu nhập khẩu mạnh mẽ từ Trung Quốc

Dầu tăng 1% trước dữ liệu nhập khẩu mạnh mẽ từ Trung Quốc

Giá dầu tăng 1% vào ngày thứ Ba (13/4) nhờ dữ liệu nhập khẩu mạnh mẽ từ Trung Quốc, nhưng đà tăng đã bị kiềm hãm do lo ngại rằng việc tạm ngưng triển khai vắc-xin của Johnson & Johnson có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế và hạn chế tăng trưởng nhu cầu dầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tiến 64 xu (tương đương 1%) lên 63.91 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 48 xu lên 60.18 USD/thùng.

Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng với tốc độ mạnh mẽ trong tháng 3, đồng thời là một động lực khác thúc đẩy phục hồi kinh tế quốc gia, khi nhu cầu toàn cầu tăng lên trong bối cảnh tiến triển trong tiêm ngừa vắc-xin Covid-19. Tăng trưởng nhập khẩu tăng cao nhất trong 4 năm.

Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc đã vọt 21% trong tháng 3 từ mức thấp một năm trước khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo định kỳ hàng tháng vào ngày thứ Ba đã nâng dự báo nhu cầu dầu trong năm 2021 thêm 70,000 thùng/ngày từ dự báo trước đó lên 5.95 triệu thùng/ngày, tương đương tăng 6.6%.

Cũng góp phần hỗ trợ giá dầu trước dữ liệu định kỳ hàng tuần, dự trữ dầu thô tại Mỹ được dự báo giảm trong tuần trước, giảm tuần thứ 3 liên tiếp, trong khi dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất có thể tăng, theo các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.

Tuy nhiên, sản lượng dầu của Mỹ từ 7 mỏ khoan đá phiến lớn nhất được dự báo tăng tháng thứ 3 liên tiếp, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết vào ngày 12/4.

Tốc độ tiêm chủng vắc-xin chậm chạp ở châu Âu và dự báo nguồn cung dầu tăng thêm từ Iran trong những tháng tới đã kiềm hãm đà tăng của giá dầu.

Johnson & Johnson cho biết sẽ hoãn lại việc triển khai vắc-xin Covid-19 ở châu Âu và đang xem xét các trường hợp đông máu cực kỳ hiếm gặp ở người, sau khi các cơ quan y tế liên bang Mỹ khuyến nghị tạm ngưng sử dụng vắc-xin sau khi 6 phụ nữ dưới 50 tuổi phát triển các cục máu đông hiếm gặp sau khi nhận được tiêm chủng.

An Trần (Theo CNBC)

FILI