Dầu ghi nhận tuần tăng giá bất chấp đà suy yếu trong phiên

Dầu ghi nhận tuần tăng giá bất chấp đà suy yếu trong phiên

Dầu giữ dao động gần mức 67 USD/thùng vào ngày thứ Sáu (16/4) và ghi nhận mức tăng trong tuần qua, khi triển vọng nhu cầu mạnh hơn và các dấu hiệu về đà phục hồi kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ đã bù đắp cho sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở một số nền kinh tế lớn khác.

Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu chính thức cho thấy GDP quý đầu tiên của Trung Quốc vọt 18.3% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu vào ngày 15/4 cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tăng vọt và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent lùi 0.24% xuống 66.77 USD/thùng, nhưng vẫn vọt 6.2% trong tuần qua sau khi tăng trong 4 phiên trước đó. Hợp đồng dầu WTI mất 0.52% còn 63.13 USD/thùng.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga, một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, vì cáo buộc can thiệp kết quả bầu cử cũng có thể hỗ trợ giá dầu.

“Mặc dù chúng không ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực dầu mỏ, nhưng các biện pháp trừng phạt có thể dẫn đến chi phí tài chính cao hơn và sự bất ổn chung trong thương mại với Nga”, Chuyên gia phân tích Eugen Weinberg của Commerzbank cho biết.

Hỗ trợ đà tăng trong tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều đưa ra những sửa đổi về dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2021.

Số liệu vào ngày 14/4 cũng cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 5.9 triệu thùng.

Những hy vọng về nhu cầu đã bù đắp nỗi lo về sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở những nền kinh tế lớn khác. Tỷ lệ lây nhiễm ở Ấn Độ đã vọt lên mức cao kỷ lục, trong khi nước Đức vào ngày thứ Sáu cho biết làn sóng lây nhiễm thứ 3 của nước này đang trong tầm kiểm soát.

Dầu đã phục hồi từ các mức đáy do đại dịch gây ra hồi năm ngoái, nhờ vào việc cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục của OPEC và các đồng minh, được biết chung là nhóm OPEC+.

An Trần (Theo CNBC)

FILI