Chủ tịch HPG Trần Đình Long: "Không ai có thể làm thép mãi được"

Chủ tịch HPG Trần Đình Long: "Không ai có thể làm thép mãi được"

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của HPG, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết HPG đang tính toán kế hoạch mở rộng đa ngành, bởi mảng thép rồi sẽ phát triển lên quy mô rất lớn sau khi Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động ổn định.

Sáng ngày 22/04, ĐHĐCĐ thường niên 2021 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã được tổ chức.

* Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021

ĐHĐCĐ thường niên 2021 của HPG

Tại Đại hội lần này, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết sau khi Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động ổn định thì HPG có thể đạt doanh thu trên 200 ngàn tỷ đồng. HPG hiện đang tính đến các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn từ thép, tuy nhiên, Công ty sẽ quan tâm hơn đến việc mở rộng sang các lĩnh vực khác trong kế hoạch dài hạn.

“Không ai có thể làm thép mãi được”, ông Long nói. “HPG sớm muộn cũng như các tập đoàn lớn khác, chúng ta phải mở rộng đa ngành và một trong đó là mảng bất động sản”.

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết trong tương lai HPG tập trung vào bất động sản nhà ở nhiều hơn so với bất động sản công nghiệp.

Lãi quý 1 đạt 7 ngàn tỷ đồng

Theo chia sẻ của Chủ tịch Trần Đình Long tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, HPG đạt doanh thu thuần khoảng 31 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế 7 ngàn tỷ đồng trong quý 1/2021, trong đó, 500 tỷ đồng lợi nhuận đến từ việc bán công ty nội thất. “Nếu tình hình thị trường cứ tốt như bây giờ thì kết quả các quý sau cũng sẽ rất tốt”, ông Long nói.

Sau một năm kinh doanh với mức lợi nhuận kỷ lục, hãng thép lớn nhất Việt Nam dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 35% cho năm 2020, trong đó tỷ lệ 5% được chia bằng tiền mặt và phần còn lại là cổ tức cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh HPG từ năm 2017
Tỷ đồng

HPG dự kiến đạt doanh thu thuần 120 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế 18 ngàn tỷ đồng trong năm 2021, đều tăng trưởng 33% so với kết quả năm trước. Ban lãnh đạo Công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 30% cho 2021.

Song, tại Đại hội, trước ý kiến cổ đông về mong muốn tăng mức chia cổ tức, Ban lãnh đạo HPG thay đổi đề xuất chia cổ tức cho năm 2020 từ mức 35% lên mức 40% (5% là tiền mặt và 35% là cổ phiếu). Cùng với đó, mức chi trả dự kiến cổ tức cho năm 2021 cũng được điều chỉnh từ mức 30% lên mức 40%.

Tại Đại hội lần này, cổ đông HPG cũng tiến hành bầu 7 Thành viên HĐQT và 4 Thành viên Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2021-2026.

Hòa Phát Dung Quất 2 tập trung sản xuất thép HRC, cơ cấu tài chính lành mạnh

Ban lãnh đạo HPG trình cổ đông thông qua phương án đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang Thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất 5.6 triệu tấn/năm (chủ yếu là thép HRC), tổng mức đầu tư 85 ngàn tỷ đồng, và dự kiến sẽ kịp thời sản xuất trong năm 2024 theo thông tin tại Đại hội.

Chủ tịch Long cho biết mức vốn đầu tư dự án cao vì đây là nhà máy tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) với máy móc hiện đại hơn so với Dung Quất 1. Bên cạnh đó, việc giá thép tăng cao trong thời gian qua cũng khiến chi phí đầu tư cao hơn, do 70-80% kết cấu, máy móc của nhà máy cũng làm bằng sắt thép. Ngoài ra, HPG cũng dự kiến triển khai đầu tư mở rộng cảng biển bởi ở quy mô hiện tại thì sẽ không đáp ứng đủ cho cả giai đoạn 1 và 2 của Dự án Hòa Phát Dung Quất.

Tại Đại hội, cổ đông bày tỏ sự quan tâm về tình hình tài chính của HPG khi liên tiếp đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng vào dự án Hòa Phát Dung Quất. Theo Chủ tịch Long, HPG đang sử dụng tài chính rất tốt. Hiện, vay nợ của HPG vẫn thấp và “rất an toàn so với cách hoạt động của một tập đoàn sản xuất công nghiệp. Có chủ ngân hàng còn nói với tôi là HPG thận trọng quá, tỷ lệ dùng đòn bẩy thấp quá".

Chủ tịch HPG cho biết tỷ lệ vay nợ thường thấy đối với các dự án như Dung Quất là 80% nguồn vốn đến từ đi vay, nhưng HPG thực tế luôn cố gắng cơ cấu ở mức 50%.

Nếu giá thép giảm thì HPG sẽ là người cuối cùng chịu ảnh hưởng có hại

Trả lời cổ đông về dự án đầu tư nhà máy sản xuất container, ông Long cho biết HPG có nhiều lợi thế để triển khai thành công. Thứ nhất, 50-60% giá thành sản xuất container đến từ loại thép kháng thời tiết đặc biệt mà HPG có khả năng sản xuất được, thay vì phải nhập khẩu nguyên liệu. Thứ hai, hiện nay đang có quá trình chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc đến những quốc gia khác có chi phí lao động rẻ hơn, cạnh tranh hơn, và Việt Nam nằm trong đó. Thứ ba, nhu cầu container đang tăng trưởng rất nhanh giữa bối cảnh hiện nay.

Mới đây, hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ điều tra về diễn biến giá thép tăng quá nóng. Theo Chủ tịch Long thì “đây là việc bình thường, bởi bản thân HPG nếu thấy giá nguyên liệu đầu vào tăng thì cũng làm y như họ”. Vị Chủ tịch HPG cho biết giá thép và giá nguyên liệu sản xuất thép trên thị trường thế giới đang tăng rất cao giữa bối cảnh các nền kinh tế phục hồi. Những kiến nghị từ hiệp hội nhà thầu sẽ không ảnh hưởng đến biên lợi nhuận hay kết quả kinh doanh của HPG.

“Chúng ta kinh doanh tính toán làm sao ở điều kiện khó khăn nhất thì vẫn phát triển được. Nếu giá thép giảm thì HPG sẽ là người cuối cùng chịu ảnh hưởng có hại.” - ông Trần Đình Long chia sẻ.

60% sản lượng tôn mạ là xuất khẩu

Tại Đại hội, lãnh đạo HPG cũng chia sẻ về mảng ống thép và tôn mạ, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm này đang tăng cao trên thế giới. Trong năm 2020, mảng ống thép đạt sản lượng xấp xỉ 820 ngàn tấn và dự kiến sẽ nâng lên mức 920 ngàn tấn trong 2021.

“Chúng tôi liên tục đầu tư chiều sâu đối với các nhà máy sản xuất ống thép. Đến cuối năm nay, công suất các nhà máy ống thép sẽ tăng lên mức 1.3 triệu tấn/năm”, Phó Chủ tịch HPG Nguyễn Mạnh Tuấn nói.

Ở mảng tôn, HPG hiện đạt sản lượng 320 ngàn tấn/năm. Trong quý 1, các thị trường tiêu thụ tôn như Mỹ, Mexico, Canada và châu Âu đều có mức tăng trưởng. Ông Tuấn cho biết hiện nay tỷ lệ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trong mảng tôn là 60:40 nghiêng về xuất khẩu.

HPG hiện đang phải đi đàm phán thuê gia công tôn mạ vì đơn hàng nhiều. Trong thời gian tới, Công ty có kế hoạch thuê đất và đầu tư thêm nhà máy. Tuy nhiên, Chủ tịch Long lưu ý rằng HPG vẫn dành sự tập trung lớn hơn vào mảng sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) so với việc sản xuất sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ.

Chưa có kế hoạch IPO các công ty trong hệ thống, hướng đến sản xuất sản phẩm thép giá trị cao hơn

Chủ tịch Long cho biết HPG chưa có kế hoạch IPO các công ty trong hệ thống ở giai đoạn 3 năm sắp tới.

Trong năm 2020, sản lượng xuất khẩu của HPG sang Trung Quốc tăng mạnh, tuy nhiên, lãnh đạo Công ty cho biết xuất khẩu phôi thép không phải là hướng đi cốt lõi trong tương lai. Theo đó, HPG hướng đến việc hoàn thiện khu liên hợp sản xuất, đủ khả năng làm ra các sản phẩm hạ nguồn, sản phẩm chế tạo,… “Khi hoàn thiện thì chúng ta sẽ không còn thừa phôi để xuất khẩu mà sẽ làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, mang lại kết quả tốt hơn”, Chủ tịch HPG cho biết.

Cho phép cha con Chủ tịch nâng sở hữu không cần chào mua công khai

Cũng tại Đại hội lần này, Ban lãnh đạo Tập đoàn trình cổ đông thông qua việc cho phép Chủ tịch Trần Đình Long và con trai là ông Trần Vũ Minh có thể nhận chuyển nhượng cổ phiếu HPG mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai. 

Ông Trần Đình Long cho biết điều này nhằm tránh đi những thủ tục rườm rà khi thực hiện giao dịch. “Như tôi đã nói nhiều lần là cam kết không bán cổ phiếu HPG. Bản thân tôi và gia đình cũng mong muốn nâng sở hữu tại doanh nghiệp… Mỗi lần đi mua thì trình tự xin phép chào mua công khai phức tạp, rất lâu và mất thời cơ.”

Ngoài việc không cần làm thủ tục chào mua công khai, ông Long cho biết các giao dịch vẫn sẽ được báo cáo theo đúng quy định. “Không vì thế mà mang lại lợi ích cho tôi nhiều hơn những cổ đông khác đâu”, ông nói.

ĐHĐCĐ thường niên 2021 của HPG kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua. Trong đó, kế hoạch chia cổ tức cho năm 2020 và 2021 sẽ được điều chỉnh lên mức 40% cho cả hai năm.

Thừa Vân

FILI