Chủ tịch HĐQT Transimex: "Công ty lớn về logistics nhưng không lớn về xin quy hoạch"

Chủ tịch HĐQT Transimex: "Công ty lớn về logistics nhưng không lớn về xin quy hoạch"

Tại ĐHĐCĐ thường niên, đại diện CTCP Transimex (HOSE: TMS) cho biết một số dự án của Công ty vẫn đang vướng phải các vấn đề pháp lý về cấp phép xây dựng, gây chậm tiến độ công trình.

* Tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của TMS

ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của TMS tổ chức sáng ngày 29/04/2021

Lãi trước thuế quý 1 đạt 115 tỷ đồng

Năm 2021, TMS đề ra mục tiêu kinh doanh với gần 3,315 tỷ đồng doanh thu, giảm 3% so với mức thực hiện năm 2020 nhưng lại kỳ vọng lãi trước thuế năm nay sẽ đạt hơn 425 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.

Giải thích lý do tại sao lại có sự ngược chiều giữa hai chỉ tiêu hoạt động trong kế hoạch 2021, tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT TMS – ông Bùi Tuấn Ngọc chia sẻ một số khoản lợi nhuận từ năm trước sẽ được ghi nhận vào BCTC quý 2/2021, nhờ đó nâng cao mức lợi nhuận ghi nhận trong năm 2021.

Còn việc đặt mục tiêu doanh thu giảm, ông Ngọc cho biết năm 2020, trong khi các ngành khác chịu thiệt hại vì dịch bệnh thì TMS phần nào được hưởng lợi, dẫn đến ghi nhận mức doanh thu lớn trong năm trước.

Đến năm 2021, dù kết quả kinh doanh quý 1 tương đối khả quan, một số công ty liên kết ghi nhận doanh thu kỷ lục nhưng Công ty chưa dám chắc tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục đi đúng dự báo. Vì vậy, trên cơ sở thận trọng, Công ty đã đặt mục tiêu doanh thu thấp hơn so với năm 2020.

Về kết quả kinh doanh quý 1/2021, ông Lê Văn Hùng – Giám đốc Tài chính TMS cho biết ước doanh thu hợp nhất của Công ty đạt 1,080 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 115 tỷ đồng, tăng 76%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của TMS
Nguồn: Tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của TMS

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về việc CTCP Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam thay thế Casco Investments Limited trở thành cổ đông lớn nhất tại TMS, ông Bùi Tuấn Ngọc chia sẻ "Casco có vốn 100% từ Ryobi (Nhật Bản) nên không có chuyện Ryobi mua lại Casco hay thay thế Casco tại TMS.

Xoay quanh các tin tức về việc thâu tóm, từ khi Ryobi Việt Nam trở thành cổ đông lớn của TMS đến nay thì Công ty này vẫn chưa thể hiện ý định M&A. Đến khi nào cổ đông lớn này đưa ra lời đề nghị thì Công ty mới có thể bàn tiếp xem nên phòng thủ hay tấn công".

Tình hình các dự án của TMS

Trong năm nay, với mục tiêu hoàn thiện chuỗi cung ứng logistics trên toàn quốc, TMS sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các trung tâm logistics như dự án Trung tâm Logistics Vĩnh Lộc, dự án Tăng Long Logistics giai đoạn 2, dự án trung tâm Logisics Vinatrans Đà Nẵng, xây dựng kho lạnh tại trung tâm Logistics Khu công nghệ cao TP.HCM. Đồng thời, khai thác có hiệu quả dịch vụ cảng biển tại cảng Mipec, Hải Phòng.

Về tình hình dự án Trung tâm Logistics Vĩnh Lộc, ông Bùi Tuấn Ngọc cho biết hiện dự án chỉ vừa động thổ và đang bị chậm tiến độ giai đoạn 1 do Công ty chưa xin được giấy phép xây dựng vì thiết kế chiều cao 35m của dự án. Công ty dự kiến sau khi được cấp phép sẽ gộp hai giai đoạn lại và đẩy mạnh xây dựng để kịp tiến độ theo kế hoạch.

Về việc phát triển cảng Mipec, đại diện Công ty cho biết TMS thông qua CTCP Vinafreight (HNX: VNF) và CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương (HNX: VNT) đã sở hữu hơn 50% CTCP Cảng Mipec. Tuy nhiên, hiện dự án đang lỗ kế hoạch và Công ty đang quá trình tìm kiếm các hãng tàu lớn để có thể khai thác hiệu quả cảng này. Công ty cũng đã có ý định kêu gọi thêm nhà đầu tư nhưng gặp vấn đề về tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước.

Còn trong việc phát triển logistics xanh, ông Lê Duy Hiệp – Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch TMS cho biết đây đang là xu hướng chung của thế giới. Hiện, Công ty đã trang bị hệ thống điện mặt trời áp mái cho Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao và cảng ICD Transimex, nhờ đó góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm lượng điện tiêu thụ từ lưới điện. Sắp tới, Công ty sẽ lắp đặt hệ thống này cho toàn bộ các trung tâm logistics của Công ty.

TMS lớn về logistics nhưng không lớn về việc xin quy hoạch

Trả lời ý kiến cổ đông về định hướng 5-10 năm tới, Chủ tịch Công ty đánh giá TMS có thể lớn về logistics nhưng không lớn về việc xin quy hoạch. Càng khó khăn hơn khi Công ty không có sẵn dòng tiền dồi dào để đầu tư ngay vào các dự án có tiềm năng. Đây là lý do Công ty liên tục phải huy động vốn trong những năm gần đây.

Trong năm nay, TMS dự định thực hiện chào bán riêng lẻ số lượng cổ phiếu tối đa bằng 15% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Bên cạnh đó, TMS sẽ tiếp tục huy động vốn thông qua chào bán 2 triệu trái phiếu chuyển đổi trong năm 2021-2022 theo tỷ lệ 40.72:1 cho các cổ đông hiện hữu sau khi có sự chấp thuận từ UBCK Nhà nước.

Tỷ lệ chi trả cổ tức 2020 được ĐHĐCĐ TMS thông qua với tỷ lệ 20%, trong đó, 5% là tiền mặt và 15% là cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2021 dự kiến vẫn sẽ ở mức 20% nhưng chưa quyết định hình thức chi trả.

Kết quả kinh doanh các năm gần đây của TMS. Đvt: Tỷ đồng

Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Công ty đạt lần lượt 3,418 tỷ đồng và 354 tỷ đồng,tăng 46% và 38% so với năm 2019. So với kế hoạch 2020, trong khi chỉ tiêu doanh thu vượt hơn 50% mục tiêu đề ra thì mức độ thực hiện của chỉ tiêu lãi trước thuế chỉ thực hiện hơn 96%.

Nguyên nhân chỉ tiêu lãi trước thuế không hoàn thành kế hoạch năm là do Công ty chưa hoàn tất thực hiện việc chuyển nhượng tài sản của Công ty TNHH MTV Trung tâm phân phối Transimex nên chưa thể ghi nhận khoản lợi nhuận tài chính này.

Hà Lễ

FILI