Chiến lược mảng công nghệ của FPT giai đoạn 2021-2023 có gì?

Dịch vụ

Chiến lược mảng công nghệ của FPT giai đoạn 2021-2023 có gì?

Nhắc tới FPT hiện nay là nhắc tới 3 lĩnh vực công nghệ, viễn thông và giáo dục. Trong 3 mảng kinh doanh này, tập đoàn xác định trọng tâm ba năm tới sẽ là công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số.

FPT công bố mục tiêu tăng trưởng 2021 ổn định ở ngưỡng hai con số, với doanh thu dự kiến tăng hơn 16%. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) mục tiêu tăng 18% lên trên 6,200 tỷ đồng. Kết thúc quý đầu tiên của năm 2021, FPT ghi nhận tăng trưởng doanh thu và LNTT cao, lần lượt ở mức 14.4% và 22.3%, trong đó đóng góp 40% vào tổng LNTT và 55% vào tổng doanh thu của toàn Tập đoàn tại Khối kinh doanh chủ lực: Công nghệ.

"Chú trọng vào lợi nhuận, năng suất và đổi mới hướng tới mục tiêu lớn dài hạn là trở thành doanh nghiệp số và đứng trong Top 50 Công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030", báo cáo thường niên của FPT năm 2020 viết về mục tiêu của tập đoàn trong tương lai xa. Để làm được điều này, một trong những điều kiện kiên quyết là duy trì đà tăng trưởng ổn định trong thời gian dài.

Thời thế của FPT

Trong 2020 - năm Covid-19 tàn phá kinh tế và hoạt động doanh nghiệp, tại sao FPT vẫn tăng trưởng hai chữ số, câu chuyện này đã được Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình nhắc tới tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

Theo ông, Covid-19 ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, nên họ phải chọn sách lược "Do more with less" (làm nhiều với chi phí thấp). Chính điều này đã tạo ra cơ hội cho FPT.

Một công ty ô tô hàng đầu nước Mỹ cần chọn đối tác chuyển đổi số. Nếu không có Covid-19, khối lượng công việc khổng lồ trị giá 150 triệu USD của khách hàng này sẽ được chia thành nhiều dự án cho nhiều đối tác. Nhưng giai đoạn này, họ muốn xử lý với mức chi phí tối thiểu, và việc giành toàn bộ lượng công việc này trở thành cuộc đua của 193 công ty. "Trong số này, có những tên tuổi mà chúng tôi ngưỡng mộ từ lâu như IBM (Mỹ), Tata (Ấn Độ) và chúng tôi đã thắng cuộc đua vào danh sách 3 đối tác ưu tiên", ông Bình nói.

Gói thầu này chỉ là một trong ba hợp đồng chuyển đổi số trị giá trên 100 triệu USDFPT giành được trong năm 2020, điều theo ông Bình là chưa từng xuất hiện trước khi đại dịch xảy ra.

FPT sẽ không thể làm được nếu không có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước về năng lực công nghệ, nguồn nhân lực cũng như sản phẩm giải pháp số. Chiến lược xuyên suốt của FPT gần đây là tập trung vào mảng công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số, với chiến lược trọng tâm "Data Driven & Customer Centric" - lấy khách hàng làm trọng tâm, lấy dữ liệu làm nền tảng.

Với khách hàng doanh nghiệp lớn, FPT tập trung cung cấp các dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện từ khâu tư vấn đến triển khai, cung cấp các nền tảng, giải pháp công nghệ mới như RPA (nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp bằng robot), Lowcode (nền tảng mã ít), AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi khối),… và các dịch vụ chuyển đổi, quản trị vận hành hạ tầng CNTT trên nền tảng điện toán đám mây.

Với khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các giải pháp Made by FPT sẽ được triển khai để hướng tới một nền tảng quản trị duy nhất.

Ông Bình lấy ví dụ một ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong ba năm gần đây không tăng nhân sự nhưng tạo ra lợi nhuận gấp ba lần nhờ sử dụng robot giúp tự động hoá một số quy trình doanh nghiệp của FPT. Một robot có thể thay thế 45 người, ngân hàng này đã mua 75 robot của FPT và năm nay sẽ mua thêm 135 robot nữa.

Thêm vào đó, hệ sinh thái công nghệ Made by FPT được người đứng đầu công ty cho biết là điểm nhấn để tạo lực đẩy trong hoạt động kinh doanh. Nhiều giải pháp trong đó như Giải pháp tự động hoá quy trình doanh nghiệp - akaBot đã cho "trái ngọt" trên thị trường toàn cầu.

"Chúng tôi cho rằng FPT sẽ hưởng các lợi ích hậu dịch Covid-19 khi Công nghệ thông tin (CNTT) – đặc biệt là chuyển đổi số (DX) – trở nên cần thiết hơn trong hoạt động, tính liên tục và chiến lược kinh doanh”, báo cáo của VCSC về FPT nhận xét.

Nhóm phân tích đồng thời cũng tăng dự phóng cho mảng xuất khẩu phần mềm (XKPM) và CNTT trong nước. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS dự phóng của FPT giai đoạn 2020-2023, vì thế, cũng tăng lên tới 21%.

Sức bật từ chuyển đổi số

Trở lại câu chuyện của doanh nghiệp, công nghệ được xem là động lực cho tăng trưởng chính cho FPT trong trung và dài hạn và trụ cột quan trọng nhất chính là chuyển đổi số.

Doanh thu từ chuyển đổi số của FPT năm 2020 đạt 3,219 tỷ đồng, cao hơn 31% so với năm trước đó. Trong quý đầu năm nay, tăng trưởng doanh thu từ chuyển đổi số là 15% so với cùng kỳ.

"Năng lực công nghệ cải thiện của FPT củng cố tăng trưởng mảng xuất khẩu phần mềm trong bối cảnh chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu dự kiến phục hồi", báo cáo của VCSC đánh giá.

Quý 1/2021, FPT đã ký kết thành công 04 hợp đồng lớn với doanh số trên 5 triệu USD/hợp đồng. Nhờ vậy, doanh thu ký mới của thị trường nước ngoài tăng trưởng 43%, đạt 4,489 tỷ đồng, là cơ sở đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong các quý còn lại của 2021. Đồng thời, FPT hiện là một trong những ứng cử viên cuối cùng của gói thầu chuyển đổi số trị giá 100 triệu USD với công ty bảo hiểm có trụ sở tại ASEAN.

"Chúng tôi cho rằng các thành công này đến từ chi phí cạnh tranh cũng như năng lực công nghệ và tư vấn đang cải thiện của FPT", VCSC nhận xét và dự báo lợi nhuận trước thuế mảng xuất khẩu phần mềm của FPT sẽ đạt CAGR 24% trong giai đoạn 2020-2023.

Những dự báo này không phải không có căn cứ. Chuyển đổi số, theo giới phân tích, đang có cơ hội phát triển lớn xuất phát từ nhu cầu áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo khảo sát của McKinsey, Covid-19 khiến tỷ trọng tương tác số hóa của khách hàng tăng cao, bằng ba năm trước cộng lại. Market Data Forecast dự báo thị trường chuyển đổi số toàn cầu dự kiến tăng trưởng 16%/năm so với mức tăng trưởng chung 4%/năm của ngành IT, với quy mô kỳ vọng đạt 695 tỷ USD vào năm 2025.

Tại thị trường Việt Nam, Statista dự báo thị trường dịch vụ tư vấn và triển khai CNTT tại Việt Nam sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025.

"2021 sẽ tiếp tục là một năm thử thách lòng quả cảm của doanh nghiệp Việt, với những tác động khó đoán biết của đại dịch Covid-19 và những diễn biến tiếp theo của trật tự thế giới mới”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh thông điệp. “Mặt khác, nó tạo ra cơ hội lớn chưa từng có cho những chiến binh can trường, dám vượt qua các giới hạn và thông lệ để bứt phá chuyển bại thành thắng. Với tố chất dám “nghĩ khác – làm khác” của người FPT, với DNA ‘tiên phong bằng công nghệ”, với đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia say mê sang tạo, sẵn sàng đổi mới để thích nghi, tôi tin tưởng rằng FPT sẽ xuất sắc hoàn thành các mục tiêu đặt ra cho 2021, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ số toàn cầu”.

FILI