Sốt đất ảo: Đổi đời hay mất trắng?

Sốt đất ảo: Đổi đời hay mất trắng?

Nhà đầu tư bất động sản có rất nhiều tiền nhưng không có kiến thức về bất động sản cũng như không am tường pháp luật về bất động sản thì số tiền tích cóp đó sớm muộn gì cũng sẽ chảy vào túi của những kẻ lừa đảo hay những tên cò đất bất lương….

Theo các chuyên gia bất động sản (BĐS) từ quý 4/2020 đến nay, "sóng tăng giá" BĐS đang được đẩy lên rất cao. Có những dự án tăng 20 - 30% so với thời điểm trước Tết. Một vài dự án được gọi là dành cho giới “thượng lưu” có giá hàng trăm triệu đồng/m2, thậm chí có nơi, có địa phương xảy ra sốt ảo cục bộ.

Gần đây, thông tin được giới đầu cơ tận dụng nhiều nhất, nhanh nhất, có lẽ là quy hoạch sân bay. Ví như tại Long Thành (Đồng Nai); Mũi Né (Bình Thuận) và mới đây là Hớn Quản (Bình Phước)...  Khi có thông tin về quy hoạch sân bay, giá đất đã nhanh chóng tăng theo cấp số nhân. Cùng với đó, tình trạng san nền, mua bán đất ruộng cũng diễn ra phổ biến. Giá đất liên tiếp tăng cao, liệu nhà đầu tư có đổi đời hay mất trắng đầy cay đắng?

Lòng tham… vỗ béo “cò”!

Nhiều cơn "sốt đất" trong quá khứ đến giờ vẫn đang để lại bài học nhãn tiền nhưng dường như không có "sức nặng" đối với nhà đầu tư. Ví như, cơn sốt đất khu vực Ba Vì sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội năm 2008. Khi có thông tin quy hoạch Thủ đô sẽ chuyển trung tâm hành chính các bộ, ngành tại Ba Vì, năm 2009 đã xảy ra sốt đất tại các xã trong dự kiến quy hoạch. Đến năm 2011, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 không có quy hoạch trung tâm hành chính ở khu vực này, giao dịch đất đai ở đây đã không còn và hậu quả là nhiều nhà đầu tư hiện vẫn bị chôn vốn…

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sốt đất chủ yếu do "cò" lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá, tạo những cơn sốt ảo, thậm chí giở nhiều chiêu trò để bẫy nhà đầu tư còn non kinh nghiệm.

Mặc khác, không ít những nhà đầu tư đều quan niệm rằng “kinh doanh địa ốc” là ngành nghề mau làm giàu nhất trong các nghề và cũng là nghề “dễ học, dễ làm”. Nắm bắt tâm lý ham làm giàu nhanh của các nhà đầu tư non nớt và thiếu hiểu biết, rất nhiều “cò đất” dụ dỗ bằng các chiêu thức khác nhau nhắm kích thích lòng tham của nhà đầu tư. Tiền mất, nợ nần chồng chất là hệ quả của những nhà đầu tư có lòng tham không đáy và kiến thức giới hạn vì bị đồng tiền làm “lóa mắt”.

Chỉ cần có thông tin sắp có dự án thì các cò đất sẽ ngay lập tức chớp thời cơ thổi giá. Tuy nhiên, việc duy trì đà tăng trưởng cần phải có nhu cầu ở thực. Trong khi đó, nhu cầu mua để ở tại những địa phương nhỏ còn thấp nên sóng không thể duy trì lâu. Những nhà đầu tư tham gia đầu tư sau cùng sẽ là “người lãnh đủ” tiền mất, tật mang vì vùi chôn vốn liếng tích cóp, dành dụm nhiều năm vào những lô đất “tương lai vô định” cho đến khi “suy kiệt” rồi bán giá rẻ mà vẫn không có người mua.

Ở phương diện khác, kể từ khi vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” diễn ra tại Công ty địa ốc Alibaba, hàng loạt  đối tượng cầm đầu bị khởi tố và bị bắt tạm giam với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng ngàn tỷ đồng thì liên tiếp từ năm 2019 đến nay đã có hàng chục vụ án lừa bán đất nền dự án ảo được cơ quan pháp luật phanh phui và được báo chí, truyền thông trong và ngoài nước đưa tin. Có phải chăng, lòng tham của những nhà đầu tư non nớt là “mãnh đất màu mỡ” để “vỗ béo” các đối tượng lừa đảo và cò đất bất lương?

Đầu tư bất động sản: Nhiều tiền thôi chưa đủ!

Không phải ai cũng có thông tin chính xác về  quy hoạch, biết rõ về thời gian, quy định pháp lý đất đai, từ đó dẫn đến việc mua theo tin đồn.

Hầu hết các vụ việc "sốt đất" gần đây mới chỉ là chủ trương, chưa có ranh giới quy hoạch, chưa rõ lộ trình phát triển hay nói cách khác là chưa có gì rõ ràng. Cả người mua lẫn cơ quan chức năng đều thiếu chuyên nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho một số đối tượng lợi dụng, xúi giục mọi người mua đất, bán đất làm náo loạn thị trường.

Mặt khác, giới "cò đất" lại chuẩn bị sẵn kịch bản tung tin, kích thích mọi người có tiền lao vào cuộc tranh giành đất đai bằng cách trả giá cao hơn. Giá đất leo thang do đầu tư "lướt sóng", cứ thế "nhảy" lên, có chỗ thay đổi từng ngày, từng giờ.

Có một điều cần phải lưu ý với các nhà đầu tư “non nớt” và thiếu kinh nghiệm lẫn kiến thức ngành rằng: “Sốt đất” là khái niệm dành cho các khu vực hay địa phương có những  khu đất mà giá của nó được đẩy lên nhanh chóng trong một khoảng thời gian nhất định rồi sẽ ngừng giao dịch chóng vánh như lúc nó mới bắt đầu. Khi đó, những nhà đầu tư “chậm chân” sẽ không thể thu hồi vốn và có khả năng mất vốn nếu như khu đất đó không phù hợp quy hoạch đất ở như lời “đường mật” của những kẻ cò đất bất lương.

Đầu tư bất động sản không có khái niệm đầu tư theo phong trào hay đầu tư theo số đông mà phải có góc nhìn toàn cảnh về thị trường và sản phẩm. Bất động sản là tài sản có giá trị lớn không thể chạy theo phong trào hay nghe theo lời “dẫn dụ” của môi giới.

Nếu muốn trở thành nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp thì buộc phải có kiến thức về đầu tư, kiến thức về bất động sản và pháp lý bất động sản. Tuyệt đối phải am hiểu thị trường nơi mình đầu tư, tham khảo ý kiến chuyên gia và các cơ quan hữu quan khu vực hay địa phương mà mình đang định đầu tư bất động sản đó.

Trước khi “xuống tiền”, người mua phải tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương; pháp lý bất động sản; giá trị sử dụng thực của đất. Phải tỉnh táo trước những lời đường mật của cò đất, xem tiềm năng đất đai khu vực đó có thật sự cân xứng với giá đất hay không. Đồng thời phải tính toán đến giá trị sinh lời của bất động sản khi thực hiện dự án sân bay, quy hoạch hạ tầng. Không những thế, phải cân đối được tài chính của mình khi lựa chọn mua bất động sản, khi phải có tài chính dài hạn, không đi vay để đầu tư lướt sóng. Không nên lao đầu vào những cơn sốt đất, nơi nào có sốt đất càng phải thận trọng.

Nhà đầu tư bất động sản có rất nhiều tiền nhưng không có kiến thức về bất động sản cũng như không am tường pháp luật về bất động sản thì số tiền tích cóp đó sớm muộn gì cũng sẽ chảy vào túi của những kẻ lừa đảo hay những tên cò đất bất lương….

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó chủ tịch Hanita Master Group

FILI