SMC điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận 2021 lên gần gấp đôi

SMC điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận 2021 lên gần gấp đôi

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) vừa điều chỉnh tăng mục tiêu lãi sau thuế năm 2020 lên mức 300 tỷ đồng, gần gấp đôi con số trước đó.

Ngày 19/03, HĐQT đã thông qua việc điều chỉnh tăng mục tiêu lãi sau thuế năm 2021 của toàn hệ thống lên thành 300 tỷ đồng.

Trước đó, phía SMC chỉ đặt kế hoạch 2021 thận trọng với lãi sau thuế 160 tỷ đồng, giảm 49% so với kết quả 2020. Với kế hoạch mới có thể thấy SMC tiếp tục kỳ vọng một năm kinh doanh khả quan.

Nhìn lại, trong giai đoạn cuối năm 2020, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng chóng mặt và thậm chí vượt mốc 700 USD/tấn. Là doanh nghiệp thương mại thép và gia công thép dẹt, biên lợi nhuận của SMC phụ thuộc vào biến động của giá thép. Các mảng hoạt động chính của SMC đều sử dụng thép HRC làm nguyên liệu đầu vào. Trong những tháng cuối năm 2020, giá bán các sản phẩm thép thành phẩm từ thép xây dựng cho đến ống thép, tôn mạ đều tăng đáng kể.

SMC điều chỉnh kế hoạch lãi sau thuế năm 2021 lên mức 300 tỷ đồng

Kỳ vọng nào cho ngành thép trong năm 2021? Một doanh nghiệp cùng ngành là Thép Nam Kim (HOSE: NKG) đã đặt kế hoạch năm 2021 với doanh thu thuần 16 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế 600 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 103% so với 2020. NKG hiện đã đi qua giai đoạn tái cấu trúc tài chính dưới sự sự điều hành của Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ (nhậm chức từ tháng 7/2019). Được biết, ông Vũ đã từng đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT SMC.

Theo cáo cáo ngành thép công bố giữa tháng 1/2021 của SSI Research, các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp xúc tiến hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.

Bên cạnh đó, nhu cầu từ xuất khẩu được SSI Research đánh giá vẫn khá tích cực. SSI Research ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm nay. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định hơn có khả năng dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn tại thị trường xuất khẩu.

Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cũng có góc nhìn tươi sáng về triển vọng ngành thép Việt Nam. CTCK Mirae Asset (Mirae) dự phóng sản lượng ngành thép Việt Nam năm 2021 tăng 15.7%, cao gấp ba lần dự phóng tăng trưởng sản lượng thế giới. Trong khi đó, CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá nhu cầu thép trong nước sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ sự phục hồi của ngành bất động sản bên cạnh động lực từ đầu tư công.

Duy Na

FILI