Liên tục phá đỉnh lịch sử, bluechip chưa bao giờ hết 'bỏng tay'

Liên tục phá đỉnh lịch sử, bluechip chưa bao giờ hết 'bỏng tay'

Mặc dù VN-Index vẫn chưa thể vượt qua mốc kháng cự lịch sử hơn 1,200 điểm, nhiều bluechip nhóm VN30 đã liên tục phá đỉnh lịch sử. Vậy, điều gì tạo nên con sóng mạnh mẽ của các cổ phiếu này?

Bluechip rổ VN30, VN Diamond - Khẩu vị ưa thích của dòng tiền lớn

Mốc 1,200 điểm trở thành kháng cự “thần thánh” của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Ngay cả khi dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường như hiện tại, nhà đầu tư vẫn thận trọng khi VN-Index tiệm cận mốc này. Tuy nhiên, với NĐT thâm niên, câu chuyện của từng nhóm cổ phiếu quan trọng hơn chỉ số chung.

Đơn cử, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam là VN30 đã đồng loạt vượt đỉnh lịch sử, đưa VN30-Index qua vùng đỉnh cũ của tháng 4/2018.

VN30-Index vượt mốc đỉnh thiết lập vào tháng 4/2018. Ảnh: TradingView

Nhiều mã chứng khoán trong nhóm này đang giao dịch trên vùng đỉnh mới như nhóm ngân hàng (MBB, VPB) hay các bluechip như FPT, HPG. Kết phiên giao dịch ngày 16/03, cổ phiếu FPT đóng cửa tại mức giá 81,000 đồng/cp, cao nhất kể từ khi niêm yết, với mức tăng trưởng trên 97% trong 1 năm qua.

Đà tăng giá của các mã trong rổ VN30 đem lại quả ngọt cho các quỹ đầu tư trên thị trường. Khác với những nhà đầu tư cá nhân, các quỹ ngoại thường lựa chọn các bluechip để giải ngân dòng tiền lớn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong giai đoạn trước đó, rổ VN30 là khẩu vị ưa thích của các quỹ ngoại trên thị trường. Trong năm 2020, việc huy động vốn của các tổ chức cho rổ cổ phiếu VN30 có phần chững lại khi dòng tiền đổ mạnh vào rổ VN Diamond. Rổ chỉ số này được thiết kế để giúp đa dạng chỉ số tham chiếu cho các ETF và giải quyết bài toán về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) trong ngắn hạn. Trong đó, có sự hiện diện nhiều mã trong nhóm VN30 như FPT, MWG, VPB, TCB, MBB, và PNJ.

Sức nóng của các mã hết “room” được thể hiện bằng việc dòng tiền ồ ạt đổ vào nhóm này. Sau chưa đầy 1 năm đi vào hoạt động, VFMVN Diamond ETF huy động 9,463 tỷ đồng (408 triệu USD) và trở thành ETF quy mô lớn nhất trên thị trường.

Năm 2020, VFMVN Diamond ETF có hiệu suất tốt nhất thị trường khi tăng trưởng NAV/chứng chỉ quỹ (ccq) đạt gần 70%, trở thành quỹ đầu tư hiệu quả nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhờ đà tăng giá của các bluechip trong danh mục. Quỹ ngoại Pyn Elite Fund đưa chứng chỉ quỹ của VFMVN Diamond ETF vào nhóm 10 khoản đầu tư lớn nhất (tỷ trọng 8.7%).

VFMVN Diamond ETF phẩn bổ tỷ trọng lớn danh mục vào FPT, MWG, VPBTCB (Dữ liệu tại ngày 28/02). Nguồn: VFM

Vì sao bluechip chưa bao giờ hết “hot”?

Trở lại câu chuyện mặc dù tăng giá cao và đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử, vì sao cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 hay VN Dimond vẫn là khẩu vị ưa thích của các “cá mập”.

Về tổng quan, các quỹ ngoại hay công ty chứng khoán vẫn đang kỳ vọng lớn vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đơn cử, Pyn Elite Fund kỳ vọng VN-Index lên mốc 1,800 điểm. Với các tổ chức trong nước, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đưa ra dự báo về mốc 1,300 điểm của chỉ số trong năm 2021. Việc các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ nhiều bluechip trong danh mục phần nào phản ánh kỳ vọng của họ bởi vì đây đều là các mã tác động lớn đến chỉ số.

Chưa dừng lại ở đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được định giá hấp dẫn nhờ vào tăng trưởng EPS của các danh mục. Năm 2020, tăng trưởng EPS toàn thị trường đạt 1.4%, khởi sắc hơn đáng kể các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan (-48.7%), Philippines (-46.5%) và Indonesia (-45.5%). Năm 2021, VinaCapital kỳ vọng EPS của VN-Index tăng đến 23.8% so với năm 2020 khi nền kinh tế hồi phục, xuất khẩu tăng trưởng mạnh.

Với dự phóng trên, VinaCaptial dự báo P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam là 14.9 lần, hấp dẫn hơn các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan (19.3 lần), Indonesia (15.9 lần) và Philippines (18.3 lần).

Trong năm 2020, các công ty lớn trên sàn có kết quả khởi sắc hơn so với mặt bằng chung. Theo thống kê, tổng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ của nhóm VN30, đạt hơn 168,100 tỷ đồng, tăng 2.4% so với năm 2019. Trong quý IV/2020, con số này là 54,167 tỷ đồng, tăng 13.4% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, một số cái tên có kết quả kinh doanh vượt trội so với mặt bằng của cả nhóm VN30 như VHM, HPG, CTG, FPT.

Trong những tháng đầu năm 2021, các “ông lớn” trong nhóm VN30 tiếp tục gửi đi những tín hiệu tích cực. Đơn cử như những công ty công nghệ như FPT đang được ‘thuận nước, đẩy thuyền’ bởi làn sóng chuyển đổi số toàn cầu. Công ty này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trong 2 tháng đầu năm đạt 4,805 tỷ đồng và 557 tỷ đồng, tăng 14.9% và 21.5% so cùng kỳ, cho thấy động lực tăng trưởng của thị trường đã quay trở lại như trước Covid-19, và có phần mạnh mẽ hơn.

Với kết quả kinh doanh tích cực và có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường, cổ phiếu bluechip đã, đang và sẽ là tâm điểm của dòng tiền thông minh trên thị trường khi đáp ứng đầy đủ cả tiêu chí về chất (kết quả kinh doanh) và lượng (thanh khoản, khối lượng giao dịch).

FILI