Góc nhìn đầu tư 2021: Ngành cấp nước

Góc nhìn đầu tư 2021: Ngành cấp nước

Ngành cấp nước là ngành an toàn và có tiềm năng tăng trưởng ổn định do nhu cầu về sử dụng nước sạch trong sinh hoạt cũng như sản xuất ngày một tăng ở Việt Nam. Vì vậy, ngành này ngày càng có sức hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư.

Triển vọng kinh tế Việt Nam

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2.91% so với năm trước. Tuy đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 ước tính tăng 3.36% so với năm trước (quý 1 tăng 5.1%, quý 2 tăng 1.1%, quý 3 tăng 2.34% và quý 4 tăng 4.80%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5.82%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3.92%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5.51%; ngành khai khoáng giảm 5.62% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 12.6% và khí đốt tự nhiên giảm 11.5%).

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 369 khu công nghiệp được thành lập. Diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 73,600 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 280 khu công nghiệp đang hoạt động, với diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 56,600 ha, nhu cầu đối với việc sử dụng nước sạch là rất lớn. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 70% (tương đương diện tích cho thuê 39,800 ha).

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 so với năm 2019. Đơn vị tính: %

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tiềm năng của ngành cấp nước

Nhu cầu nước sạch đang gia tăng trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh. Ngành cấp nước là ngành tiện ích thiết yếu, cung cấp nước sạch cho người dân và các doanh nghiệp nên có tính ổn định cao.

Theo dữ liệu của Hiệp hội cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), tổng công suất thiết kế cấp nước đạt khoảng 10.6-10.9 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 89-90%, tỷ lệ thất thoát nước sạch đạt khoảng 18-19%. Định hướng đến năm 2025, Việt Nam hướng đến mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày.

Đây là những cơ hội cũng như dư địa cho việc tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cấp nước.

Các công ty tiêu biểu trong ngành

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, việc chọn lựa những cổ phiếu duy trì mức tăng trưởng ổn định, hay còn gọi là cổ phiếu phòng thủ, là lựa chọn tốt cho danh mục đầu tư. Cổ phiếu phòng thủ được nhắc đến nhiều là ngành cấp nước nhờ doanh thu ổn định, tỷ suất lợi nhuận gộp biên cao và cổ tức tiền mặt đều đặn.

Một số mã cổ phiếu có cấu trúc tài chính an toàn, vốn hóa lớn và sinh lời tốt như CTCP Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM), CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (HOSE: BWE) và CTCP Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu (UPCoM: BWS).

Nguồn: VietstockFinance

Lưu ý: Những doanh nghiệp được thể hiện bằng bong bóng màu đỏ như BWE, BWS, TDMPMW là những doanh nghiệp có tỷ lệ thất thoát nước dưới 10%. Các doanh nghiệp còn lại được thể hiện bằng bong bóng màu xanh.

TDM - Xu hướng tăng trưởng dài hạn được xác lập

Công nghiệp tỉnh Bình Dương tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất công nghiệp đã có phục hồi nhanh và đạt mức tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 (IIP) ước tăng 8.02% (năm 2019 tăng 9.86%).

Thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương tiếp tục đạt kết quả tích cực khi thu hút 1,779 triệu USD từ nguồn FDI và nằm trong top 5 địa phương thu hút FDI nhiều nhất lũy kế đến ngày 20/11/2020. Do đó, TDM được hưởng lợi lớn từ sự phát triển chung của tỉnh Bình Dương.

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

TDM là một trong vài cổ phiếu hiếm hoi có khối lượng lớn và giao dịch sôi động trong ngành cấp nước. Phần còn lại giao dịch rất ít và hầu như không tạo được sức hút đáng kể đối với cộng đồng đầu tư.

Tỷ lệ thất thoát nước ở Việt Nam hiện còn khá cao (khoảng 20%). TDM là một trong những doanh nghiệp có tỷ lệ thất thoát nước thấp nhất trong ngành.

Vùng 25,000-26,500 (đỉnh cũ tháng 08/2020) đang là hỗ trợ quan trọng của giá cổ phiếu trong thời gian tới. Nếu giá vẫn giữ vững bên trên vùng này thì nhiều khả năng cổ phiếu sẽ tiến lên test lại đỉnh cũ tháng 08/2019.

Đường SMA 50 ngày vượt lên trên đường SMA 100 ngày tạo điểm giao cắt vàng (golden cross). Hai đường này cũng đang nằm trên đường SMA 200 ngày, qua đó cho thấy xu hướng tăng vẫn đang là xu hướng dài hạn của TDM.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào TDM khi giá về gần vùng 25,000-26,500 với mục tiêu là vùng đỉnh cũ tháng 08/2019 (tương đương vùng 31,000-32,000).

Nguồn: VietstockUpdater

BWE - Ngôi sao trong ngành

Cùng với TDM, BWE là doanh nghiệp được hưởng lợi không nhỏ từ tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, TDM cũng chính là cổ đông lớn của BWE với tỷ lệ sở hữu là 38.5%.

BWE hiện đang là nhà cung cấp nước độc quyền cho mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt tại tỉnh Bình Dương.

Giá cổ phiếu đã vượt hoàn toàn vùng 26,000-27,500 (đỉnh cũ tháng 07/2019). Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, vùng này sẽ trở thành hỗ trợ quan trọng nếu giá cổ phiếu có điều chỉnh trong tương lai.

Theo nguyên lý đối xứng, BWE hoàn toàn có thể đạt đến mục tiêu 36,000-37,000 trong năm 2021. Vì vậy, việc mua vào khi cổ phiếu có điều chỉnh được ủng hộ trong thời gian tới.

Nguồn: VietstockUpdater

Phòng Tư vấn Vietstock

FILI