Chứng khoán tháng 3 vào vùng tích lũy?

Chứng khoán tháng 3 vào vùng tích lũy?

Theo nhận định của chuyên gia, thị trường chứng khoán vẫn đang tích cực trong ngắn hạn nhờ yếu tố vĩ mô ủng hộ. Trong tháng 3 có thể thị trường sẽ vào vùng tích lũy và giằng co, do đó, nhà đầu tư nên kiểm soát tốt tâm lý và tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đơn lẻ có tiềm năng tăng trưởng dựa trên phân tích đánh giá và ước tính kết quả kinh doanh quý 1/2021.

Thị trường tháng 3 vào vùng tích lũy

Theo ông Võ Văn Cường – Giám đốc Đầu tư của CTCK Everest nhận định những số liệu thống kê về vĩ mô 2 tháng đầu năm là khá tích cực gồm tăng trưởng xuất khẩu, thặng dư thương mại, thu hút vốn FDI, giá trị đồng tiền VNĐ ổn định, lãi suất thấp và có xu hướng tiếp tục giảm cùng với việc các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh đã sớm dỡ bỏ các biện pháp phong toả cùng với đó các doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Dựa trên các yếu tố cơ bản này, thị trường trong ngắn hạn sẽ theo chiều hướng tích cực hơn.

Ở chiều hướng ngược lại, ông Cường hiện chưa thấy có dấu hiệu rủi ro lớn nào có thể tác động thị trường giảm sâu trong thời gian tới.

Yếu tố tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ khá tích cực trong quý 1/2021 là động lực chính giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan và thúc đẩy thị trường tăng điểm. Theo ông Cường, nhóm ngành nguyên vật liệu và ngành ngân hàng trở thành trụ cột và dẫn dắt thị trường trong ngắn hạn.

Nói về diễn biến tháng 3, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Môi giới CTCK Mirae Asset dự báo thị trường sẽ tích lũy và phân hóa. Lượng khối ngoại bán ròng sẽ vẫn duy trì, tuy nhiên, khối nội vẫn sẽ hấp thu tốt. Về mặt điểm số, VN-Index sẽ tích lũy quanh vùng 1,150 - 1,180 điểm.

Có thể vượt 1,200 trong tháng 4

Nói về mốc 1,200 (của VN-Index), ông Tuấn chỉ ra 2 nguyên nhân khiến thị trường chưa thể vượt qua mốc này. Một là lượng cho vay margin của dòng tiền nội đã chạm ngưỡng trần. Nguyên nhân còn lại đến từ yếu tố vĩ mô toàn cầu khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng lên khiến định giá của nhiều loại hàng hóa tài chính, trong đó có cổ phiếu, giảm đi.

Để vượt được 1,200 thì thị trường cần phải từ từ hấp thu được bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng. Mặt khác, điểm rơi thông tin vĩ mô quý 1 vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ rõ ràng hơn. Đồng thời, kế hoạch kinh doanh của các ngành trụ cột của thị trường như ngân hàng, tài chính, vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp đặt ra sẽ tái định giá lại thị trường. Theo đó, thị trường sẽ có cơ hội vượt 1,200 trong tháng 4.

Theo ông Tuấn, nguy cơ thị trường sụt giảm sâu vẫn còn nhưng xác suất xảy ra đã ít hơn. Hiện tại tình hình dịch đã được kiểm soát tốt, vấn đề quay lại là sự kỳ vọng của thị trường và khối ngoại rút ròng.

Về dòng tiền, ông Cường dự báo dòng tiếp của các nhà đầu tư trong nước vẫn khá tích cực thông qua thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao. Vị chuyên gia dẫn số liệu thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 4,400 tỷ đồng 2 tháng đầu năm và dự báo xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể đảo chiều nhờ các quỹ mô phỏng ETFs tiếp tục giải ngân mới trong khi các quỹ ngoại truyền thống khác đã thực hiện xong các giao dịch đăng ký bán từ đầu năm đến nay.

Cơ hội nằm ở các cổ phiếu đơn lẻ

Theo ông Cường, mức định giá PE toàn thị trường hiện nay khoản 18 lần vẫn chưa phải là mức hấp dẫn để thúc đẩy nhà đầu tư giải ngân rầm rộ vào thị trường, tuy nhiên, thời điểm này rất hợp lý để nhà đầu giải ngân và tìm kiếm lợi nhuận dựa trên những cổ phiếu đơn lẻ nhờ lựa chọn được những cổ phiếu tăng trưởng tốt dựa trên các phân tích đánh giá và ước tính kết quả lợi nhuận của các công ty niêm yết trong quý 1/2021.

Theo tiêu chí này, nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa (từ 1,500-15,000 tỷ đồng) với PE hiện tại 15 lần, nếu lợi nhuận quý 1 và cả năm 2021 ước tính tăng trưởng lần lượt 25% và 35% sẽ có khá nhiều cổ phiếu trong nhóm này có mức PE dự phóng khá hấp dẫn, thấp hơn 10 lần và thậm chí nhiều cổ phiếu có PE dự phóng quanh mức 6-8 lần trong khi lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn.

Về chiến lược đầu tư, ông Tuấn khuyên nhà đầu tư nên kiểm soát tốt tâm lý trong giai đoạn này vì thị trường trong vùng tích lũy sẽ khiến NĐT có tâm lý chán nản, không nên kỳ vọng quá mức vào thị trường và nên kiểm soát lượng margin. Đồng thời nhà đầu tư cần giành thời gian đánh giá lại danh mục với định hướng theo các nhóm ngành đủ mạnh để tăng sức đề kháng với biến động thị trường. Tỷ trọng nắm giữ giai đoạn này là 70% cổ phiếu và 30% tiền.

Ông Tuấn dự báo một số nhóm ngành dẫn dắt thị trường như thương mại, vật liệu xây dựng, dầu khí, nhóm các cổ phiếu liên quan tới CPTPP khi Mỹ có thể xem xét tái tham gia hiệp định này.

Đối với tình trạng nghẽn mạng giao dịch, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư nên có giao dịch trước 13h30 để đảm bảo hoàn thành được kế hoạch giao dịch trong ngày, đồng thời, theo dõi thêm các biện pháp của HOSE thời gian tới.

Chí Kiên

FILI