Bất động sản công nghiệp có còn tiềm năng trong năm 2021?

Bất động sản công nghiệp có còn tiềm năng trong năm 2021?

Nhìn lại năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cả ngành bất động sản (BĐS) Việt Nam phải “gồng mình” chống chọi, nhưng mảng BĐS công nghiệp chẳng những trụ vững mà còn được giới chuyên gia và các nhà đầu tư đánh giá cao về tiềm năng phát triển trong tương lai. Vậy điều gì đã làm BĐS công nghiệp trở nên đặc biệt như vậy?

Không phải tự nhiên BĐS công nghiệp được đánh giá là điểm sáng của ngành BĐS trong năm 2020, bởi lẽ, nhờ Việt Nam kiểm soát tốt  tình hình dịch bệnh trong nước đã tạo điều kiện cho các KCN thu hút khách thuê, đặc biệt là các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất ra ngoài Trung Quốc trong xu hướng “Trung Quốc + 1”, với trọng tâm là các ngành công nghệ cao. Ngoài ra, bản thân ngành còn được hưởng lợi thế từ vị trí địa lý sát Trung Quốc cùng lực lượng nhân công giá rẻ của Việt Nam.

*Foxconn và niềm tin của các tập đoàn công nghệ với Việt Nam

Nếu BĐS công nghiệp khu vực phía Nam có thế mạnh về tỷ lệ lấp đầy cao thì khu vực phía Bắc có lợi thế về mặt địa lý, dễ dàng hưởng lợi từ xu hướng “Trung Quốc + 1”, tiêu biểu là nhà sản xuất của Apple – Foxconn đã đầu tư gần 1.5 tỷ USD vào Việt Nam tính đến tháng 12/2020 và đang chuẩn bị xây dựng nhà máy tại Bắc Giang trong thời gian tới với kế hoạch sản xuất 8 triệu Ipad và MacBook mỗi năm tại đây.

Theo JLL Việt Nam, quỹ đất công nghiệp miền Bắc đủ để đáp ứng làn sóng đầu tư sắp tới. Cụ thể, các tỉnh và thành phố phía Bắc đã lên kế hoạch thêm mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện có, trong đó, Hưng Yên và Hải Dương là những địa phương năng động nhất trong việc phát triển các KCN mới. Dự kiến, nguồn cung đất ở miền Bắc sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực.

Một yếu tố khác giúp BĐS công nghiệp Việt Nam tăng trưởng không thể không kể đến việc quỹ đất của các KCN tọa lạc tại những thành phố vệ tinh nằm xung quanh các khu trọng điểm kinh tế như TPHCM hay Hà Nội đã giúp đẩy nhanh tỷ lệ lấp đầy các KCN.

Nhờ đó, không quá khó hiểu khi kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp BĐS KCN niêm yết trong năm 2020 phần lớn đều ghi nhận tăng trưởng so với năm trước đó.

Những doanh nghiệp BĐS công nghiệp ghi nhận tăng trưởng trong năm 2020

Ngoài ra, cổ phiếu BĐS công nghiệp cũng khuấy động thị trường chứng khoán năm qua với hàng loạt mã ghi nhận tăng trưởng mạnh. Cuối năm, thị giá một số cổ phiếu đã ghi nhận tăng trưởng ba chữ số so với đầu năm, tiêu biểu như mã ITA của KCN Tân Tạo đã tăng gần 143%, mã LHGNTC của KCN Long Hậu và Nam Tân Uyên cũng tăng lần lượt gần 145% và 173%.

Chênh lệch thị giá cổ phiếu BĐS công nghiệp trong năm 2020
Nguồn: VietstockFinance

Nhưng “cây càng cao thì gió càng lay”, tiềm năng ngành càng lớn thì thách thức đối với các doanh nghiệp trong ngành cũng càng nhiều. Đầu tiên là vấn đề quỹ đất, không như BĐS văn phòng hay nhà ở có thể dựa vào việc xây dựng các tòa nhà cao tầng, BĐS KCN cần một lượng quỹ đất lớn cùng vị trí đắc địa gần hạt nhân các vùng kinh tế, mới có thể mang lại nhiều giá trị. Điều này gây khó cho những doanh nghiệp nhỏ sở hữu ít quỹ đất do phần lớn các vị trí thuận lợi đã về tay các “ông lớn”.

Nhu cầu tăng cao cũng khiến giá thuê tại các KCN trong năm liên tục nhảy vọt, đây vừa là điểm lợi khi góp phần giúp các nhà phát triển BĐS công nghiệp gia tăng doanh thu nhưng lại vừa là điểm khiến khách hàng của họ phải cân nhắc trước khi chọn “điểm đáp”, đặc biệt là những công ty nước ngoài đang có nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất ra ngoài Trung Quốc. 

Ngoài ra, vấn đề  dịch bệnh cũng là một yếu tố gây cản trở cho sự phát triển của ngành, nếu dịch bùng phát và không được kiểm soát tốt trong dài hạn sẽ làm nền kinh tế suy giảm trầm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách thuê tại các KCN.

Hà Lễ

FILI